Tranh cãi mốc cắm ranh giới mảnh đất thừa kế bố để lại, Nguyễn Văn Điệp (SN 1964 ở Hà Nội) đã lấy dao phay dao chém đứt cổ em gái là bà Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1966).
Vỡ oà ngày trở về của người phụ nữ bị bạn thân bán sang Trung Quốc
- Cập nhật : 24/08/2014
Suốt 4 năm lưu lạc, sống trong nỗi tủi nhục vì bị hành hạ, chị đã tuyệt vọng vì cứ nghĩ rằng cuộc đời mình chẳng thể có ngày trở về quê hương, về với gia đình. Ngày được giải cứu, trở về quê, chị khóc oà trong mừng, tủi.
Nước mắt người mẹ già
“Mất tích” đằng đẵng sau 4 năm, việc chị Phan Thị Liệu đột ngột trở về khiến người thân, hàng xóm ngỡ ngàng và vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Ngày chị về, cụ Cao Thị Luyện (70 tuổi) không tin nỗi là đứa con gái mang nặng đẻ đau của mình vẫn còn sống.
“Nó đi biền biệt 4 năm không liên lạc chi hết chú à, tui thì già rồi, biết đi mô mà kiếm, có dặn anh em, người làng vô Sài Gòn nếu gặp nó thì bảo về với mệ chứ mệ nhớ nó lắm! Nhưng mà không ai gặp hết, có người xấu miệng còn nói nó bỏ đi làm cái ni, cái nọ…”, cụ Luyện buồn bã tâm sự.
Cụ Luyện mừng vui không tả xiêt khi thấy con gái về với cụ sau 4 năm xa cách biền biệt, không một tin tức
Tuổi già, sức khỏe lại yếu, cụ Luyện chẳng biết đi đâu để tìm con về, hễ gặp người nào trong làng đi làm ăn xa, cụ đều nhắn gửi để mong tìm tin tức về con gái mình. Ngày ngày, bên bàn thờ gia tiên, cụ Luyện vẫn đều đặn thắp nén hương “cầu trời khấn phật” mong sao cho đứa con gái đang lưu lạc ở phương trời nào đó được bình an và trở về với cụ.
Giờ chị Liệu đã về, nhiều đêm nằm mơ, chị cũng không thể tin rằng đã được ăn bát cơm gia đình với người mẹ già, được gần gũi với người thân, được nói chuyện với bạn bè, được qua lại với hàng xóm, hoan hỉ trong sự vui mừng khôn xiết.
Niềm an ủi để chị gượng dậy
“Chị ấy về thật rồi, tội chị ấy lắm. Chị gặp phải loại người mất hết nhân tính bán đứng. Cũng may chị Liệu là một người ăn ở hiền lành nên được ông trời phù hộ nên mới được về an toàn như rứa”, chị Phan Hồng Sâm, người cùng thôn xen vào câu chuyện.
Ngày chị về, gia đình nghèo, có rất nhiều bạn bè, hàng xóm đến thăm hỏi. Người cho bát gạo, cái áo giúp chị vượt qua được những thiếu thốn về cái ăn, cái mặc trước mắt. Đó như là một nguồn động viên vật chất lẫn tinh thần, là tình thương cao cả, là tình nghĩa xóm làng, mong chị sớm vượt qua được cảnh cùng cực.
Cậu con trai, người mẹ già, những hàng xóm tốt bụng và sự quan tâm của địa phương là niềm an ủi để chị Liệu gượng dậy, tiếp tục sống và chăm lo cho gia đình
Khi hay tin chị Phan Thị Liệu trở về trong căn nhà tranh đơn sơ, rách nát, chính quyền địa phương xã Quảng Lưu đã hỗ trợ xây dựng cho chị một căn nhà tình nghĩa để mẹ con có chỗ tránh nắng, tránh mưa.
Bốn năm trôi qua, kể từ ngày được về đoàn tụ với gia đình, nhưng nhìn khuôn mặt tiều tụy, hốc hác ghi nét những ngày tháng gian truân nơi xứ người của chị Liệu khiến chúng tôi không khỏi xót xa, chạnh lòng.
Chị giờ sống trong căn nhà tình nghĩa cùng cậu con trai Phan Trần Nhật Bảo (4 tuổi), mắc chứng bệnh còi xương vì thiếu dinh dưỡng. Cháu Bảo đã đủ tuổi đến lớp mầm non nhưng vì gia cảnh nên phải ở nhà theo mẹ. Khi hỏi về cậu con trai, chị buột miệng: “Đời tui có 3 đứa con trai, đứa đầu năm nay đã 14 tuổi, sống với ông bà nội ở xã bên, đứa thứ hai 6 tuổi đang ở với chồng bên Trung Quốc. Còn đứa ni thì tui “ăn ra”, có nó cho vui nhà vui cửa, phòng lúc ốm đau, có nó chăm sóc…”.
Kẻ buôn người vẫn nhởn nhơ
Để chứng thực cho vụ việc, vừa nói chị Liệu vừa mở trong cái túi nhỏ được cất giấu khá kỹ, đưa ra cho chúng tôi xem một tấm thẻ CMND của một người đàn ông Trung Quốc, mà theo chị đó chính là gã chồng mà chị hầu hạ trong 4 năm.
Sau khi được anh bạn dịch chúng tôi mới biết rõ trong tấm thẻ ghi tên T.M.T, địa chỉ tạm trú số 149; Nơi phục vụ là thị trấn Quân An số 0323; Hộ khẩu tại đội Hồng Ngũ, thôn Trấn Tây, trấn Tư Vương, huyện Bình Nam, tỉnh Quảng Tây.
Về Việt Nam đã gần 4 năm nay, nhưng chị Liệu vẫn ngậm đắng cay, uất hận về người bạn thân đã bán đứng mình, nhưng vì là người thôn quê, chất phác chị không đi kiện tụng vì sợ dính vào rắc rối phiền phức.
Dù đã về Việt Nam được gần 4 năm nay, nhưng khi nhắc lại chuyện cũ, chị Liệu vẫn còn cay đắng và uất hận trước người bạn thân đã bán đứng mình
Lúc mới về, chị Liệu đã qua nhà tìm H. để nói rõ sự tình nhằm trút bỏ uất hận. H. đã quỳ xuống xin chị tha thứ, không báo công an. H. cũng là người mẹ có con nhỏ. Thương cảnh mấy cháu tội nghiệp nên chị Liệu rộng lượng bỏ qua. Và H. hứa sẽ bồi thường cho chị 10 triệu đồng, nhưng từ đó đến giờ tiền chưa thấy đâu, H. thì vẫn sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, nếu đã thỏa thuận đền bù nhưng nhiều năm qua đối tượng vẫn không thực hiện lời hứa, tại sao chị không đi tố cáo kẻ đã bán mình? Chị Liệu thở dài, chép miệng: “Không chỉ riêng tui bị nó lừa, mà có một hai người phụ nữ khác cũng bị chính nó lừa bán sang Trung Quốc, không biết nay đã trở về được chưa, nghĩ mà thấy tội cho họ. Nếu cơ quan chức năng không sớm trừng trị, không biết rồi đây sẽ còn bao nhiêu người bị đối tượng lừa như chúng tôi nữa?!”.
Hoàng Phúc - Đặng Tài - Theo Dân Trí