Ít có vụ trọng án giết người nào mà bi kịch của nó lại thê thảm như vụ án hung thủ là Phan Minh Mẫn (SN 1990, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) mang tội giết cha.
Phan Minh Mẫn tại trại giam
Tuổi thơ dữ dội của đứa con mang tiếng nghịch tử
Mẫn là con trai cả của anh Phan Thế Tuyên và chị Nguyễn Thị Kim Ánh, dưới Mẫn còn có 1 đứa em gái. 2 anh em Mẫn được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất ngoại ô TP.HCM nên hoàn cảnh gia đình cũng không phải là sung túc. Khi 2 anh em Mẫn còn đang ở lứa tuổi thành niên đã phải chứng kiến bi kịch của gia đình. Đó là những trận đòn roi thừa sống thiếu chết của người cha, đổ ập lên đôi vai gầy tần tảo hàng ngày của mẹ.
Vốn là người phụ nữ thương con, chị Ánh luôn sống cam chịu để hàng xóm không khinh rẻ chồng là kẻ vũ phu; để cho các con được vui vẻ, no đủ hàng ngày. Cha của Mẫn làm nghề lái xe dịch vụ nê thi thoảng mới có việc làm. Thời gian rảnh rỗi còn lại, anh Tuyên dồn hết trí lực vùi đầu vào nhậu nhẹt. Việc làm bấp bênh, tiền lúc có lúc không nhưng thường là không có, để có tiền trả nợ tại các quán nhậu, anh Tuyên lại về đe vợ, lục túi lấy tiền nuôi con để mang đi nhậu nhẹt.
Rượu vào thì cả lời lẽ lẫn hành động đều tàn nhẫn, anh về nhà đánh đập vợ không thương tiếc, đánh như hành hạ một người dưng. Anh đánh vợ ngay cả khi có mặt những đứa trẻ. Sợ hãi, chúng chỉ biết ôm lấy nhau khóc nức nở. Rồi chờ cho cha ra ngoài, Mẫn và em gái chạy sang an ủi người mẹ gầy gò, ốm yếu.
Chắt chiu dành dụm cho con cái học hành, Mẫn đã không phụ lòng người mẹ khi cậu thi đỗ vào chuyên ngành sửa chữa ô tô của Trường Cao đẳng nghề Phú Lâm. Tuổi thơ của Mẫn có lẽ chỉ bao gồm những hình ảnh tàn nhẫn, ánh mắt đáng sợ, những trận đánh vợ thập tử nhất sinh của người mà cậu gọi bằng cha. Cũng từ đây, bi kịch lớn nhất của cuộc đời Mẫn bắt đầu.
Mẹ và bà của bị cáo tại tòa
Án mạng kinh hoàng và những giọt nước mắt chảy ngược
Chập tối ngày 9/11/2009, sau khi đi học ở trường Cao đẳng về như thường lệ, Mẫn lại bắt gặp hình ảnh người cha vũ phu. Lần này, mặc dù anh Tuyên đang ngủ vì say rượu nhưng trong ánh mắt của Mẫn, cha cậu như vẫn còn thức và vẫn đáng sợ.
Hình ảnh cha đánh mẹ lại ập về tâm trí cậu sinh viên bởi cách đó hơn 1 ngày trước, cha đã đánh mẹ tàn nhẫn. Sự uất ức dồn nén bấy lâu nay khi thấy cha đang ngủ say khiến Mẫn nảy sinh ý định “phải kết thúc chuỗi ngày cha bạo hành mẹ, phải thủ tiêu gã “bợm rượu”.
Ý nghĩ đến bất chợt đó đã thôi thúc Mẫn hành động. Cậu ra cửa hàng tạp hóa gần nhà mua 1 đoạn dây điện, 1 đầu có sẵn phích cắm còn đầu kia để trần. Sau đó, Mẫn nối điện từ phòng ngủ ra phòng khách nơi anh Tuyên đang ngủ say. Sau khi cắm điện, Mẫn cầm đoạn dây và chích phần hở vào vùng bụng, ngực và hông người cha đang ngủ say. Khoảng 5 phút sau, anh Tuyên tử vong tại chỗ.
Sau khi giết cha, Mẫn đem toàn bộ câu chuyện kể cho người mẹ. Chị Ánh mặc dù bàng hoàng nhưng vẫn khuyên con trai mang dây điện đi vứt. Mẫn bị bắt giữ ngay sau đó và bị khởi tố tội danh Giết người.
Vụ án Mẫn giết cha đã làm người dân trong vùng bàn tán xôn xao gây náo loạn cả một vùng quê. Ai cũng tưởng tương lai của cậu sinh viên mới 20 tuổi sẽ tốt đẹp với tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng. Thế nhưng, ở tuổi 20, Mẫn đã tự kết thúc cuộc đời mình bằng hành động giết cha.
Tháng 4/2010, TAND cấp sơ thẩm mở phiên tòa xét xử bị cáo Phan Minh Mẫn. VKSND TP.HCM có cáo trạng truy tố Mẫn về tội “Giết người” theo quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa này, nhận định hành vi của Mẫn là cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, vi phạm luân thường đạo lý, HĐXX đã tuyên phạt Mẫn tử hình.
Sau khi phiên tòa kết thúc, bị cáo Mẫn đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên tòa phúc thẩm xét xử Mẫn diễn ra sau đó. Tại đây, HĐXX cấp phúc thẩm nhận thấy, hành vi giết cha ruột của Mẫn là đặc biệt nguy hiểm, không chỉ vi phạm pháp luật hình sự mà còn vi phạm đạo đức xã hội. Tuy nhiên, trong phiên xử trước, bản án sơ thẩm vẫn chưa xem xét thấu đáo đến hoàn cảnh, nguyên nhân phạm tội của bị cáo Mẫn mà tuyên phạt mức án tử hình đối với Mẫn là có phần nghiêm khắc.
HĐXX cấp phúc thẩm phân tích, hành vi của Mẫn một phần cũng do nguyên nhân xuất phát từ tình trạng bạo hành trong gia đình bị cáo. Từ nhỏ bị cáo đã nhiều lần chứng kiến cảnh cha uống rượu say là chửi mắng, đánh đập mẹ, em gái và chính bị cáo nên đã bị dồn nén, bức xúc. Từ đó, Tòa phúc thẩm cho rằng cần áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, biết ăn năn hối cải, gia đình nạn nhân, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương có đơn xin giảm án... nên đã quyết định giảm án cho Mẫn từ tử hình xuống tù chung thân.