Lựa chọn những khu nhà trọ đông dân cư hoặc các gia đình được coi là đại gia…đạo chích sẽ ra tay cuỗm đi tài sản có giá trị lớn. Trộm ở Sài Gòn còn hoạt động có tính chất băng nhóm và truyền nghề cho nhau.
Trộm “khủng”, gom sạch tài sản
Mới đây nhất là vụ trộm xảy ra lúc rạng sáng ngày 2/10 tại ngôi nhà ngăn phòng cho thuê tại địa chỉ số 292/42 - 44 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thuộc P.21, Q.Bình Thạnh.
Ông M.H (SN 1976, là quản lý của ngôi nhà trên) trình báo, 6h30 sáng 2/10 khi những người trong nhà thức dậy, phát hiện nhà có dấu hiệu đột nhập.
Ngôi nhà ngăn phòng cho thuê xảy ra vụ mất trộm cùng lúc 7 xe gắn máy tại Q.Bình Thạnh.
Ông H cùng những người thuê nhà kiểm tra thì phát hiện 7/13 xe gắn máy dựng ở sân, đã “không cánh mà bay”.
Đáng nói là 6 xe gắn máy còn lại có 2 xe có dấu hiệu bị phá khoá, những kẻ trộm chưa kịp lấy đi.
Đáng nói, thời gian gần đây tại Sài Gòn, loại hình tội phạm trộm cắp nhắm vào các khu nhà cho nhiều người thuê xảy ra phổ biến. Thời điểm cuối tháng 9/2014 tại 2 ngôi nhà số 206 đường Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh và nhà số 168/10 đường số 12, P.Bình Hưng Hoà, Q.Bình Tân cũng xảy ra kiểu trộm tương tự với tài sản mất tổng cộng 10 xe gắn máy, 5 máy tính xách tay, 6 ĐTDĐ và nhiều tiền mặt.
Theo lý giải của Công an TP.HCM, tại các khu nhà trọ hoặc nhà ngăn phòng cho thuê, người lưu trú thường không thể dắt xe vào phòng, chỉ ở để 1 khoảng không gian chung. Trong khi phần lớn các nhà ngăn phòng có lớp khóa cổng lỏng lẻo, rất dễ phá, làm “mồi ngon” cho các băng trộm chuyên nghiệp.
Một thực tế khác về nạn trộm tuy không mới nhưng gần đây lại bùng phát, những kẻ gây án thường nhắm vào những gia đình giàu hoặc cơ quan Nhà nước, công ty xí nghiệp.
Điển hình vụ trộm đầu tháng 8 tại sở Tài Nguyên - Môi trường, TP.HCM với số tiền 1,6 tỷ đồng của ông Đào Anh Kiệt – Giám đốc sở này và vụ đầu tháng 9 tại công ty Xi măng Hà Tiên 1 với số tiền gần 700 triệu đồng của ông Nguyễn Tuấn Anh - Tổng giám đốc công ty.
Đáng nói tại các đơn vị này, dù có lực lượng bảo vệ túc trực suốt 24/24 nhưng vẫn bị mất trộm. Đến nay những kẻ gây án vẫn còn là ẩn số.
Các băng trộm Sài Gòn mỗi lần gây án cuỗm 5 - 7 xe gắn máy là chuyện thường
Hay hàng loạt vụ trộm nhà dân nhắm vào gia đình đại gia như: vụ 2 vụ trộm két sắt xảy ra cùng 1 thời điểm có tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng ở địa bàn Q.Thủ Đức vào giữa tháng 8/2014.
Cũng tại Q.Thủ Đức, đêm giáng sinh tháng 12/2013 có 1 gia đình đại gia bị đột nhập, trộm lấy đi 3,6 tỷ đồng. Hầu hết các vụ này đến nay điều tra vẫn chưa có kết quả.
Trộm liên kết, truyền nghề cho nhau…
Tại các cuộc họp báo định kỳ, thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc công an TP.HCM từng khẳng định: cùng với nạn cướp giật, nạn trộm cắp đang là “vấn nạn tội phạm” nhức nhối nhất ở Sài Gòn.
Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó giám đốc công an TP.HCM khẳng định trộm cắp cũng là 1 trong những vấn nạn tội phạm nhức nhối ở Sài Gòn.
Theo nhận định của ông Minh, sở dĩ bọn trộm tung hoành có phần là do các gia đình chủ quan, mất cảnh giác, khi đi ngủ không đóng chốt cửa cẩn thận hoặc có ổ khoá, hệ thống an ninh nhưng quá sơ sài, dễ bị vô hiệu hoá…
Ngoài ra loại hình tội phạm trộm cắp ở Sài Gòn cũng có đặc trưng mà ít ai biết, đó là các băng trộm hoạt động chuyên nghiệp có sự liên kết và truyền nghề cho nhau.
Trong giới trộm Sài Gòn, hiện đang xưng tụng cao thủ trong nghề là An “già”. Dù nay An “già” đã bị công an Q.12 bắt giữ vào năm 2013, tuy nhiên dân trong nghề luôn kính nể bởi tài nghệ thuộc hàng cao thủ của siêu trộm này trong việc phá, vô hiệu hoá các loại khoá, dù hiện đại tiên tiến cỡ nào.
Những siêu trộm từng gây nhức nhối 1 thời như: Tí “mắt lồi” (tức Nguyễn Ngọc Phú, SN 1978, ngụ Q.3), Bảo “khùng” (tức Dương Ngọc Bảo, SN 1985, ngụ Q.8), Thắng “mo” (tức Phạm Minh Thắng, SN 1971, ngụ Q.Bình Tân), Quý “ma ní” (tức Lê Phú Quý, SN 1992, ngụ Q.3)… đều là đệ tử của An “già”.
Sau 1 thời gian theo An “già” học nghề, các đối tượng này tách ra quy tụ đàn em để thành lập băng nhóm riêng.
Các nhóm này thường gây ra hàng loạt vụ đột nhập nhà các đại gia ở Sài Gòn trộm những tài sản ở giá trị lớn.
Tí “mắt lồi” từng tuyên bố: “đã đi làm, mà nhắm chỉ lấy được dưới 3 xe gắn máy thì không ra đường”. Chính vì thế khi gây án các băng này tổ chức điều nghiên mục tiêu rất kỹ lượng. Mặc khác là đồng môn cùng lò đào tạo của An “già” nên thi thoảng các băng nhóm tái hợp để thực hiện vụ lớn rồi lại tách ra.
Trinh “hoa khôi”, tức Tạ Thị Tuyết Trinh (SN 1991, quê Bạc Liêu) dù không là đệ tử của An “già” nhưng được các thũ lĩnh các băng trộm chỉ dạy nghề phá khoá tận tình. Trinh “hoa khôi” cùng đàn anh thường mua các loại khoá hiện đại về để nghiên cứu, học cách vô hiệu hoá.
: Trinh “hoa khôi” nữ siêu trộm với biệt tài phá khoá, có liên hệ với nhiều băng trộm ở Sài Gòn.
Do đó tài nghệ của Trinh “hoa khôi” cũng thuộc hàng cao thủ trong nghề. Khi sư phụ An “già” và các đàn anh sa lưới, Trinh “hoa khôi” vẫn cầm đầu 1 băng nhóm trộm cắp không kém phần quy mô. Có nhiều vụ, băng nhóm của Trinh “hoa khôi” phá khoá nhà dân một cách nhẹ nhàng, cuỗm đi 5 - 7 xe gắn máy..
Thực tế, những băng trộm này bị sa lưới thì vẫn có hàng loạt các băng trộm khác vẫn đang hoạt động và ít nhiều có sự liên kết với nhau.
Nếu “đá xế” - loại hình trộm nóng xe gắn máy đối với dân trộm thì là cách hành nghề…mạt hạng, ăn vặt. Nay các băng trộm Sài Gòn chỉ gây án là đánh “quả lớn” nhắm vào các gia đình đại gia hoặc cơ quan Nhà nước, công ty xí nghiệp. Càng ngày chúng dường như càng thách thức lực lượng công an.