Cho rằng người cha già bêu xấu vợ con, trong cơn giằng co khi cãi vã, nghịch tử đã dùng dao đâm thấu bụng người thân sinh ra mình.
Nghịch tử Nguyễn Văn Hoàng tại cơ quan công an
Vụ án đau lòng vừa đáng thương, vừa đáng trách này đã gây xôn xao dư luận một xã vùng cao phố núi. Sau khi hung thủ - cũng là con trai nạn nân bị bắt, người mẹ đã khóc quằn quại trong nỗi đau mất chồng, mất con suốt bao đêm liền. Cả những người hàng xóm không thân thích cũng không thể cầm lòng trước thảm cảnh đó.
Nghịch tử giết cha trong cơn kích động
Khuya ngày 3/11/2012, Nguyễn Văn Hoàng (SN 1983, ngụ thôn 9, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông) trở về nhà trong tình trạng nửa tỉnh nửa say. Thấy đứa con trai về nhà trong tình trạng "khó coi" nên ông Nguyễn Minh Tiến đã buông lời phàn nàn. Giữa hai cha con xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Cho rằng Hoàng hỗn láo vì dám cãi lời mình, ông Tiến vội vớ con dao trong nhà bếp ra để dạy con. Trong cơn say, cho rằng cha cầm dao để giết mình, Hoàng lao đến giật con dao trong tay ông Tiến và đâm liên tiếp vào bụng khiến ông đổ gục xuống.
Vụ việc được hàng xóm nhà ông Tiến phát hiện, người đó vội chạy đi báo cho người thân của gia đình ông Tiến. Khi tất cả có mặt, họ thấy ông Tiến đã nằm bất động bên vũng máu, cạnh đó, Hoàng đang nằm trên mặt đất, miệng sùi bọt mép. Các con ông Tiến vội đưa hai người đi cấp cứu ở bệnh viện. Song do mất máu quá nhiều, ông Tiến đã tử vong, còn Hoàng may mắn qua cơn nguy kịch. Ngay khi Hoàng vừa bước ra khỏi giường bệnh, hắn đã nhanh chân trốn thoát. Được sự vận động của người thân, một ngày sau đó, Hoàng đã ra đầu thú.
Ngôi nhà xảy ra vụ thảm án
Giết cha vì “tức nước vỡ bờ”?
Vụ việc gây xôn xao dư luận bởi lẽ, vừa có người thương Hoàng lại vừa có người nói Hoàng đáng trách.
Bà Nguyễn Thị Mến (SN 1935, vợ của ông Tiến, mẹ của hung thủ Hoàng) tâm sự trong đau đớn rằng, để xảy ra sự việc kinh hoàng ngày hôm nay (3/11) là do lỗi của ông nhà (ông Tiến). Bà Mến cho biết, chồng bà là một người đàn ông gia trưởng, hà khắc với vợ con. Thậm chí, ông khó tính đến nỗi khác người, chẳng giống ai. Trước buổi chiều định mệnh đó, ông đã cầm bát đi khắp làng trên xóm dưới để xin cơm.
Bà nói rằng, gia đìnhh bà tuy đông con khó khăn thật nhưng không phải vất vả đến độ ông Tiến phải đi xin cơm hàng xóm. Với bản tính sẵn có, ông làm thế là để bêu xấu, tố cáo vợ con cho láng giềng biết. Bà Mến đã phải chịu đựng sự đày ải của chồng suốt bao năm từ ngày về làm vợ của ông Tiến. Bà thường xuyên phải hứng chịu những trận đòn không đáng có từ phía chồng. Thế rồi, hết trút giận lên vợ, ông lại chĩa mũi gậy sang những đứa con. Theo lời bà Mến, chồng bà ích kỷ đến mức, có lần ông đã đổ bát cơm mà bà để dành cho Hoàng đi làm về muộn cho heo ăn. Cũng nhiều lần, ông Tiến đã cầm dao truy sát vợ con.
Các con của ông bà lớn dần lên và đã lần lượt đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác do không chịu được sự hà khắc của người cha. Sau vài năm sinh cơ lập nghiệp, họ đã đón ông bà vào Tây Nguyên để dễ bề phụng dưỡng. Thế nhưng, tuy nơi ở thay đổi song bản tính gia trưởng của ông Tiến thì vẫn giữ nguyên, thậm chí có phần hơn. Tiếng tăm về cách đối xử của ông với vợ con trở thành đề tài bàn tán xôn xao khắp ngõ làng ngoài chợ, những tin đồn cuối cùng cũng đến tai mấy đứa con, trong đó có Hoàng.
Là đứa con út trong gia đình có 8 anh chị em, Hoàng được nuôi ăn học đến nơi đến chốn. Cho nên, khi nghe những lời đàm tiếu đó, Hoàng không dễ dàng để lọt tai. Cậu trở nên chán đời và sa chân vào rượu chè. Trong số các anh chị em, Hoàng và vợ là người trực tiếp sống cùng và chăm sóc cha mẹ. Những xích mích hàng ngày, tính khí gia trưởng của ông Tiến cộng với dư luận xã hội dồn nén lâu ngày trong con người Hoàng. Tấn thảm kịch cũng là hậu quả của nó.
Giết cha - tội ác khó tha thứ
Cho dù những lời biện minh của người mẹ hay thế nào đi chăng nữa, giờ đây Hoàng sẽ phải mang trên mình suốt đời bản ản giết cha. Tội danh này sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc.
Là một người có học, đáng lẽ ra, Hoàng phải biết rằng không thể kết thúc sự bạo hành của người cha trong gia đình bằng một hành vi phạm pháp - đó là giết người. Phụng dưỡng cha mẹ là nghĩa vụ của con cái, từ chối điều đó là đi ngược lại với đạo đức, với chuẩn mực xã hội.
Nếu như Hoàng tỉnh táo hơn, nếu như những người con của ông Tiến cùng bà Mến dứt khoát hơn, cùng với chính quyền địa phương can thiệp, tuyên truyền giải thích cho ông Tiến về vấn nạn bạo lực gia đình, hướng ông đi đúng với chuẩn mực thì có lẽ, thảm kịch này đã không xảy ra.