Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Như Hùng, Phó tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát, tại hội thảo về thực trạng, giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, do Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 29/12.
Một vụ ngăn cản, đe dọa phóng viên tác nghiệp. Ảnh minh họa
Theo ông Hùng, khi tác nghiệp, nhất là các vụ án đang thu hút sự quan tâm của dư luận, hầu hết phóng viên đều nhận được một câu trả lời, kiểu: “Vụ án đang trong quá trình điều tra, sẽ cung cấp thông tin sau”. Nhưng với sức ép từ tòa soạn, độc giả, nhiều phóng viên đã phải đối mặt với những rủi ro khi thu nhận thông tin không chính thống.
Bổ sung ý kiến này, bà Lê Thị Thu Ba - Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương cho rằng, đúng là phóng viên có những trở ngại nhất định khi tác nghiệp các vụ án, nhưng, các cơ quan tố tụng họ tự xác định được, việc có nên tuyên truyền hay thông tin sớm vụ án hay không. Bởi đôi khi, việc thông tin sớm sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều tra, phá án.
Nói về phương pháp tuyên truyền những thông tin chưa chính thống, chưa có hiệu lực pháp luật, bà Lê Thị Thu Ba đề xuất việc đưa tin cần dựa trên các ý kiến nhiều chiều, đa dạng. Ví dụ như các vấn đề được thảo luận tại Quốc hội, có nhiều ý kiến khác nhau từ các đại biểu, phóng viên nên thông tin đầy đủ những ý kiến đó. Về phía độc giả, họ sẽ tự tiếp nhận và đánh giá, phân tích nội dung báo chí đã phản ánh.
Góp ý về công tác tuyên truyền, bà Mai Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy Sơn La cùng một số ý kiến cho rằng, cần quan tâm đến đội ngũ các cộng tác viên cũng như việc đầu tư trang thiết bị tác nghiệp. Số ý kiến khác lại cho hay, nhất thiết phải xây dựng chế độ tài chính, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tuyên truyền để hoạt động này thực sự có hiệu quả.