Ngày cận Tết, công việc khan hiếm khiến lao động ngoại tỉnh tìm việc ở Hà Nội khá chật vật. Cố gắng bám trụ ở Thủ đô đến ngày áp Tết để kiếm tiền về quê, nhưng công việc ít ỏi khiến lao động ngoại tỉnh đứng ngồi không yên. Năm nay, kinh tế ảm đạm nên người dân thuê dọn nhà, bốc vác, khuân hàng, chuyển nhà mới ít hơn hẳn mọi năm.
Chỉ còn chưa đầy nửa tháng là Tết Nguyên đán, vào giờ này mọi năm, những lao động chờ việc đứng ở dốc Bưởi, Hà Nội tấp nập, thế nhưng năm nay ở đây vắng vẻ lạ thường. Có thể ở đây đang thi công nút giao thông Bưởi nên các lao động không "túm năm tụm ba" như trước? Ở ngay đầu dốc, có 5 lao động đang đốt lửa sưởi ấm ngồi chờ việc. Thấy tôi đi xe tới, các lao động ùa ra, mời chào rối rít: "cần việc gì chị ơi, em làm cho".
Biết tôi không phải là người cần tìm lao động, mọi người thở dài tản ra chỗ khác. Trả lời cho thắc mắc của tôi vì sao năm nay ở đây ít lao động chờ việc thế, một người trong nhóm nói: "Có việc đâu nên anh em đành đi xe ôm để kiếm thêm".
Theo anh này thì mấy năm nay do kinh tế khó khăn, lao động ngoại tỉnh như họ rất khó khăn khi tìm việc. Nhưng chưa Tết nào lại ảm đạm như năm nay. Mấy công trường xây dựng ở gần nút Bưởi họ không thể chen chân vào làm việc vặt được, còn chợ hoa, cây cảnh trên đường Hoàng Hoa Thám cũng ế ẩm, chủ không thuê chở.
"Lên vườn đào, quất thử xem?" - tôi gợi ý. "Anh em cũng lang thang khắp nơi rồi, nhưng họ toàn lao động quen, không gọi mình"- một lao động trẻ nhất nhanh nhảu.
Theo anh Nguyễn Tuấn Việt, chủ vườn đào Tuấn Việt ở Nhật Tân thì Tết năm nào nhà anh cũng phải thuê tới 20 thợ chở đào, vận chuyển đào đi giao cho khách, nhưng những thợ này đều là thợ quen, làm việc lâu năm có kinh nghiệm. Chỉ những năm nào quá đông khách anh mới tìm thuê thợ lao động tự do. Nhưng theo anh Việt thì do đào năm nay nở sớm trước Tết rất nhiều nên dự kiến số thợ anh thuê giảm xuống hơn một nửa.
Lao động ngoại tỉnh chờ việc tại dốc Bưởi.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các lao động đứng tìm việc ở dốc Bưởi đều đến từ miền quê Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đa số họ đều là anh em họ hàng, chòm xóm dắt díu nhau ra Hà Nội làm thuê và dần hình thành "chợ" lao động ở ngay dốc Bưởi.
Vào thời điểm việc nhiều, "chợ" có đến hơn 30 lao động khỏe mạnh. Nhưng tới thời điểm này chỉ còn hơn 10 người bám trụ, số còn lại tản mát ra các nơi tìm việc. Anh Nguyễn Văn Long, một cựu lao động đến từ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bám trụ ở Hà Nội ngót nghét chục năm lắc đầu cho biết: "Năm nay tìm việc khó khăn lắm, có ngày ngồi không chẳng có việc gì làm, thậm chí vài ngày cũng không kiếm được việc gì".
Theo anh Long thì các lao động chỉ mong có việc, không để ý tới tiền công vì đắt hay rẻ thì cũng có tiền, miễn là không thất nghiệp. Giá lau chùi, dọn nhà mới Tết năm nay vẫn như năm ngoái, thậm chí còn rẻ hơn. Công thợ đào đất, lấp ao trước là 150 nghìn/nửa ngày thì giờ 100 nghìn họ cũng chấp nhận, miễn là có việc.
Ngược xuống ngã tư Trần Cung – Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Phong Sắc, chúng tôi khá ngỡ ngàng khi chợ lao động ở đây tuyệt không thấy một bóng người. Tưởng họ đắt khách đã đi làm hết, nhưng một bác xe ôm ở ngã tư này cho biết: "Làm gì có việc nên chẳng ai thiết đi làm nữa". Tết năm ngoái, ở đây có khoảng 20 người ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh sang làm lao động tự do. Thế nhưng năm nay không có, chứng tỏ đây là thời điểm khá khó khăn khi tìm việc.
Ngược lại với không khí ảm đạm ở các chợ lao động tự do khác thì ở khu vực chợ Đồng Xuân – Bắc Qua, công việc của các "cửu vạn" tương đối bận rộn. Họ làm các việc như gánh hàng, khuân vác, đẩy xe hàng. Ở các quầy bánh kẹo quanh phố Hàng Giầy, lao động khuân hàng tấp nập.
Chị Nguyễn Thị Thải, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi làm ở đây 6 năm rồi, chuyển qua nhiều chủ, nhưng mình thật thà, chịu khó nên chủ tin tưởng, ngày Tết này nhiều việc". Tôi gợi ý xin cho một người nhà vào làm, chị Thải lắc đầu quầy quậy: "Ở đây toàn là người làm lâu năm, quen chủ rồi. Người mới khó xin lắm".
Mỗi ngày chị Thải gánh khoảng 20 lượt hàng từ ngoài đường vào chợ, rồi lại từ chợ ra ngoài được chủ trả công 150.000đ. Những lúc rỗi rãi, chị lại gánh thêm cho chủ khác cũng kiếm được chút ít nữa. "Tôi còn làm bao giờ chủ bảo nghỉ mới thôi" - chị Thải chia sẻ.
Xa chồng con đằng đẵng nhiều năm, đến áp Tết mời về nhà, chị Thải thấy con mình thiệt thòi nhiều quá vì thiếu mẹ. Nhưng vì mưu sinh, chị đành phải hy sinh nhiều thứ để kiếm tiền trang trải lo cho các con ăn học và có cuộc sống bớt khổ. Chồng chị Thải mấy năm trước bị tai biến, giờ chỉ làm được công việc vặt trong nhà. Chính vì thế mà chị càng phải bươn chải, cố gắng hơn nữa để lo cho cả gia đình.
Kinh tế khó khăn là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới lao động ngoại tỉnh thất nghiệp nhiều. Chật vật mưu sinh ở Hà Nội những ngày áp Tết, nhưng những lao động này vẫn cố gắng bám trụ tới ngày cuối cùng để kiếm thêm chút ít về lo cho con có một cái Tết tươm tất. Không quản ngại vất vả, mưa nắng, họ vẫn bươn chải, vẫn thắp lên ngọn lửa hy vọng, biết đâu ngày mai lại có nhiều việc!