Du nhập ồ ạt nhiều phiên bản trò chơi tương tác mang tính “thực tế” không tránh khỏi “chiêu trò”, công thức lôi kéo khán giả, lôi kéo dư luận ở truyền hình thực tế.
Những tưởng với nhiều dự đoán các chương trình Truyền hình thực tế, Gameshow đang bước vào giai đoạn bão hòa, khi có quá nhiều chương trình Việt hóa lên sóng rồi lại mất hút hoặc vấp scandal không phù hợp với văn hóa, lối sống người Việt.
Thống kê các chương trình đã và đang phát sóng trong năm 2014 dường như lại có một làn sóng mới, nhiều chương trình truyền hình thực tế nhập ngoại lớn tiếp tục ra đời. Hơn 30 chương trình đã được cấp phép và lên sóng cộng thêm phân nửa chương trình vẫn đang giữ sóng theo mùa như: Giọng hát Việt, Người mẫu Việt Nam, Cặp đôi hoàn hảo, Gương mặt thân quen, Ai là triệu phú, Bước nhảy hoàn vũ…
Nhiều chương trình tại Việt Nam mua bản quyền chương trình quốc tế
Trong khi đó số lượng chương do trong nước sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí khó có cơ hội phát sóng vào giờ vàng.
Các định dạnh chương trình đang “hot” trên thế giới liên tục ra mắt phần đa vẫn là các cuộc thi ca hát như: Ngôi Sao Việt, Chinh Phục đỉnh cao, Nhân tố bí ẩn, Giai điệu tự hào, Tuyệt đỉnh tranh tài; Hay các chương trình mang tính chất hài hước như: Người bí ẩn, Gương mặt thân quen nhí, Người xuyên tường, Ơn giời cậu đây rồi; Chương trình trải nghiệm: Bố ơi mình đi đâu thế, Người giấu mặt… ba định dạng này đang khá ăn hấp dẫn khán giả truyền hình.
Và khủng hoảng thừa
Truyền hình thực tế đang là một xu thế phát triển khó cưỡng lại, để thu hút và cạnh tranh các đài truyền hình đang dần “thực tế hóa” các chương trình theo những cách riêng. Khi ngành truyền hình đang định hướng “xã hội hóa” cho phép sự liên kết sản xuất các chương trình truyền hình giữa các đài truyền hình và doanh nghiệp, thì truyền hinh lại đang có sự mất cân đối lớn.
Các đài truyển hình gần như ủy thác về mặt ý tưởng và xây dựng các chương trình về phía các đơn vị liên kết, còn các công ty liên kết thay vì mất thời gian và chi phí đầu tư cho sáng tạo chủ yếu lại tập trung khai thác bản quyền các chương trình đang “hot” trên thế giới. Sự bắt tay dễ dãi và không kiểm soát này đã dẫn đến thực tế hiện nay đang khủng hoảng thừa các chương trình mang phiên bản ngoại trên sóng truyền hình.
Quá nhiều cuộc thi hát lên sóng truyền hình, thí sinh quen mặt dạt từ cuộc thi này đến cuộc thi kia nhưng tài năng chưa kịp nhớ tên thì lại mất hút. Khá nhiều chương trình “nhảm” không để lại dấu ấn và không phù hợp với văn hóa lối sống người Việt được ưu tiên lên sóng, “ngôi sao” thì được vơ vét “đá” quá nhiều sân trên truyền hình. Một chương trình ăn khách thì các nhà sản xuất nhanh chóng tranh thủ độ nóng để “hớt váng” bằng các phiên bản nhí…
Truyền hình thực tế vốn hấp dẫn song cũng không phải lúc nào cũng thành công mà thậm chí gây nhiều tranh luận và phản ứng trái chiều trong công chúng về các vấn đề văn hóa và đạo đức xã hội. Đôi khi nhà sản xuất được tiếng lừa lọc và dàn xếp kết quả, khán giả thì thất vọng khi phí thời gian và cả nước mắt với những chiêu trò phản cảm.
Việc biên tập dễ dãi trong các chi tiết câu view gây phản ứng phẫn nộ trong công chúng về thuần phong mỹ tục: Trong “Người giấu mặt” khi mọi sinh hoạt của 12 thí sinh sống trong một ngôi nhà chung xuất hiện hình ảnh thí sinh nữ cởi áo “bán khoản thân” vẫn được lên sóng. Không khó để nghe những câu “chửi tục” ở trong “Cuộc đua kỳ thú” năm 2014, một ca sĩ chuyên nghiệp đeo mặt nạ đóng giả làm cô gái có số phận bi thương trong “Nhân tố bí ẩn” được biên tập gây nhiều sự xúc động nơi khán giả..
Thậm chí “Ngôi sao Việt” được quảng cáo rằng giải thưởng lớn lên đến 7,5 tỷ để đào tạo thành những ngôi sao hàng đầu thì lại có quá nhiều giọng hát “thảm họa”, quán quân cũng không được đánh giá cao về giọng hát và cả tố chất ngôi sao, đến nay chương trình đã kết thúc được nửa năm khán giả chưa thấy sản phẩm âm nhạc nào và ít ai còn nhớ gương mặt quán quân Thanh Tùng.
Trong “Giai điệu tự hào” được đánh giá rất cao về việc làm mới và tôn vinh giá trị những ca khúc truyền thống, và rất được yêu thích trong thời gian qua nhưng một số tiết mục lại bị cho là hơi quá đà trong dàn dựng và thể nghiệm gây nhiều tranh cãi.
Nhiều chương trình khi bắt đầu được tung hô rầm rộ nhưng lại kết thúc trong lặng lẽ. Tuy vậy bằng sự hấp dẫn ở phiên bản gốc, chiến lược PR rầm rộ, đặc biệt là sự góp mặt của người nổi tiếng là các ca sĩ, diễn viên, người mẫu…tham gia vẫn rất thu hút lượng khán giả lớn theo dõi.
Du nhập ồ ạt khi chưa tính phù hợp với văn hóa và lỗi sống trong nước đôi khi lại như “cầm dao bằng lưỡi” sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công.
Theo nhiều dự đoán, tuy nhiều nhưng truyền hình thực tế ngoại vẫn sẽ còn đất sống lâu thậm chí sống tốt khi mà những sáng tạo vào điều kiện sản xuất trong nước vẫn chưa theo kịp hoặc chưa có sự đầu tư thích ứng.