“Làng ăn mày” một thuở giờ đây đã khác. Nhờ có cuộc “cách mạng” táo bạo mà người dân Quảng Thái đã nhận thức và thay đổi được chính mình
Về xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những con đường trải nhựa phẳng lì, khắp các đường làng đâu đâu cũng thấy những ngôi nhà cao tầng, biệt thự khang trang mọc lên. Quảng Thái giờ đây đã khoác lên mình chiếc áo mới - chiếc áo của sự no ấm, giàu sang ngay trên vùng đất của một thời gian khó và cũng nhiều tai tiếng.
Xã Quảng Thái có 3 làng, tổng dân số gần 10.000 dân, trong đó làng Đồn Điền đông nhất, khoảng 7.000 người. Toàn xã có hơn 30 dòng họ khác nhau. Theo lý giải của các cụ cao niên thì trước đây, dưới thời vua Lê Thánh Tông, chánh sứ Tô Chính Đạo và Uông Ngọc Châu, theo lệnh vua, sau khi đem quân đánh tan quân Chiêm Thành đã cho binh lính ở lại xây dựng đồn điền, lấy vợ sinh con nên giờ đây Quảng Thái có rất nhiều dòng họ.
Nhiều người dân Quảng Thái rất thành công với nghề đi biển
Với địa hình chạy dài theo bờ biển (khoảng 4 km) nên bao đời nay, người dân Quảng Thái vẫn nặng nợ với biển. Nhưng sau nhiều cơn bão dồn dập những năm 1980, ngư dân cũng bỏ biển đi lang thang kiếm sống. Biển trở nên hoang lạnh. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau năm 1994.
Ông Trần Công Tính, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, nhớ lại: Lúc đó, tình trạng người dân bỏ xứ đi hành khất khiến chính quyền địa phương rất đau đầu. Trẻ em thất học, đồng ruộng hoang hóa, nghèo đói cứ đeo đẳng, không lẽ cứ để cho tình trạng đó kéo dài mãi. “Tại Đại hội Đảng bộ xã năm 1994, xã đã thông qua nghị quyết tập trung nâng cao đời sống kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân về quê ổn định cuộc sống. Đặc biệt, chúng tôi đã tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học, kêu gọi con em trở về quê tới trường. Để làm được điều này, địa phương đã huy động tất cả đoàn thể vào cuộc, kêu gọi các dòng họ vận động gia đình có con em đi lang thang trở về. Nhờ đó mà hàng trăm trẻ lang thang trước đó đã về nhà và tới trường theo học” - ông Tính kể.
Ngoài việc kéo trẻ em và người già lang thang trở lại quê hương, Quảng Thái chú trọng kêu gọi hỗ trợ đầu tư, nâng cao trang thiết bị đánh bắt hải sản cho người dân. Những chiếc bè mảng 6-7 CV và chèo tay trước đây đã được thay bằng những bè mảng có công suất 26 CV giúp người dân có thể đánh bắt xa bờ cho lợi nhuận kinh tế cao hơn. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển chăn nuôi, xây dựng các mô hình VAC (vườn-ao-chuồng)... Nhờ có cuộc “cách mạng” táo bạo mà người dân Quảng Thái đã nhận thức và thay đổi được chính mình.
Giờ đây, về “làng ăn mày” không còn thấy những ngôi nhà tranh xiêu vẹo, mong manh trước biển, nhà cửa vắng ngắt vì người dân bỏ xứ đi xin ăn. Thay vào đó là những ngôi nhà mái bằng kiên cố, biệt thự bạc tỉ, làng xóm đông vui. Đó là thành quả của sự cố gắng vươn lên bỏ lại những định kiến không mấy tốt đẹp về một thời “tay gậy, tay bị khắp nơi tung hoành”. Ấy vậy mà vẫn có không ít lời đồn về sự giàu có này do “đi ăn mày” mà ra.
Ông Tính cho biết năm 2014, xã Quảng Thái đã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân gần 20 triệu đồng/người/năm, 100% trẻ em được đến trường, 39 học sinh đậu đại học, tỉ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,9%... Từ một xã thuộc diện nghèo nhất huyện, giờ đây Quảng Thái vươn mình trở thành điểm sáng về kinh tế- xã hội của huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.
Mượn danh “xã ăn mày”
Theo UBND xã Quảng Thái, những năm gần đây có tình trạng người ăn xin xã khác, vùng khác, thậm chí tỉnh khác đã mượn danh “xã ăn mày” mà người đời đặt cho Quảng Thái để kiếm kế sinh nhai. Giờ đây, “đi ăn mày” không còn là chuyện xin ăn từng bữa qua ngày mà đã bị thương mại hóa, điều này thể hiện rất rõ khi TP HCM đã bắt được nhiều đối tượng chăn dắt, thu gom trẻ em, người già đi ăn xin. Tuy nhiên, trong số các ông “trùm” này, xã Quảng Thái không có trường hợp nào. “Cách đây không lâu, công an huyện gọi chúng tôi lên nhận người đi ăn xin bị bắt về, nhưng khi lên đến nơi chẳng có ai là người Quảng Thái cả” - ông Tính khẳng định.