Suốt ngày la cà ở quán cà phê nhưng Trang Văn Hưởng (SN 1967, ngụ ấp Nhà Dài A, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) mở miệng ra là ông ta “nổ” hơn pháo cối một thời; khi thì “nổ” mình là “bạn chí cốt” của ông X, ông T ở Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao, khi thì nói mình là “ruột” với cán bộ Văn phòng Chính phủ, thậm chí là người thân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… Ai có khó khăn, vướng mắc việc gì, nhất là chuyện tranh chấp đất đai, ông nói dễ như trở bàn tay: “Đưa hồ sơ tui coi, tui bay ra Hà Nội là xong ngay”. Tin lời ông ta, nhiều người tiền mất tật mang. Danh sách nạn nhân của ông ta có lẽ sẽ còn dài thêm nếu như ông ta không bị Công an Bạc Liêu “tóm cổ” vào cuối tháng 10 vừa qua.
Liên tục… “sập bẫy”
Gửi đơn đến PC45 Công an tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Văn Bình (SN 1966, ngụ ấp Gò Tiến, xã Nhị Long, huyện Càng Long, Trà Vinh) cho biết, khoảng đầu năm 2011, qua một người bạn ở Sóc Trăng, ông có biết ông Trang Văn Hưởng. Qua trao đổi điện thoại, ông Hưởng nói ông có quen với người trung ương, có thể gửi đơn để nhờ… Văn phòng Chính phủ nên ông Hưởng hứa sẽ giúp ông Bình “đi Hà Nội một chuyến” nhằm giúp cơ quan vừa kể tác động xuống địa phương xem xét lại giá bồi thường đất hợp lý cho ông Bình.
“Tôi có hứa nếu được bồi thường thỏa đáng, tôi sẽ chia cho ông Hưởng 200 triệu đồng” – ông Bình kể.
Theo trình bày của ông Bình, sau khi ông Hưởng nhận lời, ông đã nhiều lần lo chi phí cho ông Hưởng để đi… Hà Nội. Lần đầu, vào giữa tháng 1-2011, ông Bình cùng con trai giao tiền cho ông Hưởng tại quán cơm Ngọc Dũng (thuộc địa bàn tỉnh Thạnh Trị, Sóc Trăng).
Ông Bình nhớ lại: “Ngày 19-9-2011, ông Hưởng yêu cầu tôi đưa cho ổng 50 triệu đồng để ổng lo sớm có quyết định bồi thường thỏa đáng. Lần đó, không có đủ tiền nên tôi chỉ đưa 30 triệu đồng tại khu vực sân bay Cần Thơ. Nhận tiền xong, ông ta kêu tôi viết giấy… nhận nợ 200 triệu đồng đề phòng tôi không giữ lời hứa. Nhưng khi tôi đưa cho ông ấy tổng cộng 76 triệu đồng, đến nay, tôi chẳng thấy có quyết định bồi thường thỏa đáng nào liên quan đến miếng đất…”.
Còn trường hợp bà Hà Kim Lý (SN 1966, ngụ xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu). Năm 2006, em của bà Lý là Hà Quốc Phong bị tai nạn giao thông, TAND tỉnh Bạc Liêu sau đó xét xử, ra bản án nhưng bà Lý không vừa lòng. Nghe ông Hưởng nói “có quen với cán bộ trung ương là Tòa án và VKSND Tối cao”, bà Lý tìm đến ông Hưởng.
Đối tượng Trang Văn Hưởng.
“Lần đầu, tôi cùng đi Hà Nội với ổng để đưa đơn. Xuống sân bay Nội Bài, tôi đưa ổng 30 triệu đồng, ổng nói để bỏ phong bì. Trở về, hơn tháng sau, ông Hưởng gọi điện kêu đưa 10 triệu đồng nữa để ổng ra Hà Nội hối thúc. Lần đó, tôi đưa cho ông ta ở trước Bưu điện tỉnh Bạc Liêu. Tới gần cuối năm đó, do không thấy động tĩnh gì hết, tôi hỏi thì ông Tưởng nói chắc phải đi… Hà Nội chuyến nữa. Vậy là ông kêu tôi đưa 15 triệu đồng nữa. Lần đó, tôi đưa tiền cho ổng tại quán cơm trong chợ phường 3, TP Bạc Liêu. Vậy mà chẳng mấy ngày sau, ổng lại đòi tôi đưa thêm…”.
Tổng cộng 4 lần đưa cho ông Hưởng với tổng số tiền là 76 triệu đồng nhưng vụ việc của em bà chẳng có gì tiến triển nên đến 15-9 vừa qua, bà Lý đã viết đơn gửi đến PC45, đề nghị can thiệp…
Theo cơ quan CSĐT, để tạo lòng tin cho những người nhờ cậy, có không ít lần Hưởng phải nhờ người “đóng vai” giúp hắn một vài “động tác”.
Ông Nguyễn Văn Hướng (SN 1956, ngụ ấp Thống Nhất, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu) – người bị lừa 44 triệu đồng kể, khoảng tháng 7-2008, ông biết và có hẹn ông Hưởng tại quán cà phê Ngọc Trang (tại phường 7, TP Bạc Liêu).
Theo trình bày của ông Hướng, vào ngày 20-3-2008, ông bị TAND tỉnh Bạc Liêu xử… “thua” trong một vụ kiện tranh chấp đất. Sau khi xem xong hồ sơ của ông Hướng, Trang Văn Hưởng nói, dễ ợt: “Vụ này nhỏ như con thỏ. Để tôi ra Hà Nội tìm mấy thằng bạn. Ông chuẩn bị tiền để đi với tôi”.
“Tin lời ông ta, mấy ngày sau, tôi bỏ công ăn việc làm và gom góp được 40 triệu đồng để theo ông ta bay ra Hà Nội. Tới nơi, ông ta thuê khách sạn Nam Bắc nằm đối diện với Ga xe lửa Hà Nội rồi kêu tôi mua 2 phong bì, bỏ sẵn 20 triệu đồng để lát nữa có mấy ông ở VKSND và TAND Tối cao tới gặp, đưa cho mấy ổng. Tôi làm theo mà đâu biết rằng, sau này khi cán bộ điều tra xác minh mới biết mọi chuyện đều do ông ta dàn dựng” - ông Hướng kể.
Cụ thể, theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi cùng ông Hướng ra tới Hà Nội, ông Hưởng đã nhờ một người chạy xe ôm, tên là Mai, quê Đà Nẵng.
Sau khi nhận tiền bồi dưỡng, ông Mai đã “vào vai” là cán bộ của VKSND Tối cao. Khoảng 20 giờ hôm đó, khi ông Mai đến phòng nghỉ của ông Hướng, ông Hưởng trịnh trọng giới thiệu “đây là cán bộ Mai. Người của Viện KSND Tối cao”. Và theo lời dặn trước của ông Hưởng, ông Mai cũng giả vờ xem hồ sơ mà ông Hướng giao.
Để tạo thêm lòng tin cho ông Hướng, Hưởng nói không vội đưa tin bồi dưỡng ngay cho “cán bộ Mai” vừa gọi lại là “vụ này mình thắng chắc 100%” và ông Hưởng nói đã hẹn gặp lại Mai vào sáng hôm sau để “uống cà phê”, gọi là “cảm ơn trước”. Nói xong, ông ta bảo ông Hướng đưa 2 bao thư mà ông Hướng đã chuẩn bị sẵn, để ông ta tiện tay trao cho “cán bộ Mai”. Thực tế sau khi lấy được tiền của ông Hướng, ông Hưởng tiêu xài cá nhân rồi cố tình lánh mặt… “khổ chủ”.
Ông Hướng kể thêm: “Tôi vẫn trông chờ vào cán bộ Mai. Đến cuối năm 2010, khi tôi gọi điện hỏi thăm thì ông Hưởng trả lời là phải chờ sau Đại hội HĐND 3 cấp. Khi nghe tôi nói bản án đã có hiệu lực thi hành, ông Hưởng nói giúp tôi làm đơn xin xem xét, tạm hoãn thi hành án. Và ổng yêu cầu nên tôi phải hỗ trợ thêm cho ông 4 triệu đồng nữa. Nhận tiền của tôi rồi, ổng nói tiền này là để kẹp vô hồ sơ, cho cán bộ thi hành án uống cà phê…”.
Theo Đại tá Dương Tứ Phương, Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Bạc Liêu, trong quá trình xác minh theo đơn tố giác của hàng chục nạn nhân, Cơ quan điều tra phát hiện có vụ đối tượng Trang Văn Hưởng lừa đảo người khiếu nại liên quan đến việc giải quyết chế độ chính sách của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH).
Đầu năm 2011, khi đang… nhậu tại nhà ông Móc (tại ấp Hiệp Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), ông Hưởng tình cờ biết bà Lê Thị Anh (SN 1954, ngụ địa chỉ trên). Nghe qua câu chuyện, thấy ông Hưởng nói “quan hệ rộng tới trung ương”, bà Anh chợt nhớ tới câu chuyện của bà và một số người bạn nên xin ông Hưởng cái hẹn.
Được ông Hưởng nhận lời, hai ngày sau, bà Anh cùng bà Phạm Thị Cục và Lê Thị Huệ mang hồ sơ vượt chặng đường ngầm gần trăm cây số đến Bạc Liêu gặp ông Hưởng tại một quán cà phê.
Bà Anh nhờ ông Hưởng xin lại sổ trợ cấp liệt sĩ hàng tháng của người em trai do trước đó, giấy tờ này bị ngành LĐ TB&XH cho rằng không phù hợp nên đã tịch thu. Bà Cục thì nhờ làm giấy tờ để bà được hưởng trợ cấp liệt sĩ của chồng bà. Còn bà Huệ thì nhờ ông Hưởng viết, gửi đơn liên quan đến tranh chấp đất đai của bà ra trung ương.
Liếc qua hồ sơ, ông Hưởng ra vẻ mình là một “quan thanh liêm”, luôn giúp dân vì cái tâm: “Hồ sơ này thì trong tầm tay của tôi. Nguyên nhân dẫn đến mấy chuyện này là do chính quyền địa phương quan liêu, thiếu sâu sát với dân. Chỗ tình nghĩa, tôi mới giúp mấy chị, coi như làm phước, tích đức thôi”.
Nói vậy nhưng thực tế sau lần gặp này, cụ thể vào các ngày 16-1 và 22-2-2011, ông Hưởng đã lần lượt hẹn và gặp các… “đương sự”, mục đích là để nhận tiền của họ. Kết quả điều tra cho biết, ông ta đã nhận ra bà Anh 6 triệu đồng, bà Cục 24 triệu đồng và bà Huệ 2 triệu.
“Lo lót để rút 6,5 triệu đô”
Theo Cơ quan CSĐT, trong số những nạn nhân của Trang Văn Hưởng, có ông Nguyễn Văn Mừng (SN 1941, ngụ ấp Sơn Trắng, xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, Trà Vinh). Gửi đơn đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu, ông Mừng cho biết, vì quá tin ông Hưởng có khả năng “lo lót để rút 6,5 triệu USD”, ông đã bị lừa 216 triệu đồng và 4.000 USD.
Theo trình bày của ông Mừng, cách nay 4 năm, con trai ông Mừng là Nguyễn Ngọc Tuấn có lên mạng và quen với một cô gái quốc tịch Anh. Sau đó, cô gái này nói có gửi về cho Tuấn số tiền 6,5 triệu USD qua ngân hàng (?). Tin là điều này có thật nhưng ông Mừng không biết cách nào để rút tiền. Được người giới thiệu với ông Hưởng trước đó, khoảng tháng 2-2011, ông Mừng liên lạc qua điện thoại nhờ ông Hưởng giúp đỡ.
“Đánh hơi” có “kèo thơm”, ông Hưởng sốt sắng và hẹn “tiếp” ông Mừng tại quán cà phê thuộc địa bàn phường 7, TP Bạc Liêu.
Ông Mừng kể: “Coi qua hồ sơ của tôi xong, tới tháng 4-2011, ông Hưởng nói xin chia vui với tôi rằng tôi sắp được sở hữu số tiền 6,5 triệu đô. Đi kèm với thông tin này, ông Hưởng yêu cầu tôi đưa 100 triệu đồng để ông ta bỏ phong bì đưa cho Thống đốc ngân hàng Nhà nước 50 triệu đồng, khoản còn lại chi phí đi lại, … Lúc đó, tôi không có tiền nên chỉ đưa cho ông Hưởng 60 triệu đồng tại sân bay Tân Sơn Nhất”.
Theo lời ông Mừng, khoảng một tháng sau đó, ông Hưởng lại gọi cho ông yêu cầu ông đưa 16 triệu đồng để đi ra bổ sung hồ sơ xin rút tiền. Tưởng tượng đến ngày được hưởng khoản tiền “khủng”, ông Mừng có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất trước giờ hẹn để “bổ sung kinh phí” cho ông Hưởng. Tháng 7-2011, ông Hưởng lại gọi điện cho ông Mừng yêu cầu đưa 6.500 USD để đóng thuế. Không đủ tiền, ông Mừng chỉ “ráng” được 4.000 USD.
Cuối năm đó, nói rằng số tiền mà ông Mừng đưa trước đó không đủ nên ông Hưởng gọi điện yêu cầu ông Mừng đưa thêm 100 triệu đồng. Tại một quán cà phê ở khu vực Vòng xoay Bãi Cát (Cần Thơ), do không lo đủ tiền nên ông Mừng đưa cho ông Hưởng 40 triệu đồng.
Đến tháng 2-2012, ông Hưởng nói “còn một vài thủ tục quan trọng và rất cần thiết phải… chi”. Vậy là ông Mừng đã phải vật vã để có số tiền 100 triệu đồng nộp cho ông Hưởng. Đến lúc tỉnh người vì biết đã ăn phải quả đắng, ông Mừng đã viết đơn tố giác Trang Văn Hưởng. Cũng như đối với nhiều nạn nhân khác, Trang Văn Hưởng quay qua “xuống nước”, xin được khắc phục hậu quả bằng cách trả tiền lại theo phương thức… trả góp.