Sau Tết Nguyên đán, người ăn xin ở TP HCM bắt đầu có dấu hiệu bùng phát trở lại và ngày càng nhiều biến tướng.
Đủ chiêu thức ăn xin
Họ không xòe tay hay van xin một cách trắng trợn mà ngồi vật vạ, giả què quặt hay bệnh tật để năn nỉ người đi đường mua vài hộp tăm bông hay tờ vé số... thỉnh thoảng mới chìa chiếc mũ ra xin.
Anh Hoàng Ngọc Pháp (35 tuổi) chạy xe ôm trước cửa chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP HCM) cho biết: “Trước Tết, người ăn xin ở chùa hết hẳn do chính quyền đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Thời gian gần đây, họ bắt đầu quay lại và ngày một rầm rộ. Cách thức xin cũng thay đổi. Họ thường lôi kéo, mời mọc khách mua nhang hoặc vé số, sau đó mới ngửa mũ xin tiền một cách kín đáo. Nhìn từ bên ngoài, không ai nghĩ họ ăn xin đâu”.
Người ăn xin thường tụ tập quanh chùa những ngày rằm hay mùng 1 khá đông dưới hình thức bán vé số hay tăm bông.
Những ngày rằm hoặc ngày đầu tháng, tại một số ngôi chùa lớn ở TP HCM, lượng người ăn xin đổ về tấp nập với đủ kiểu hóa trang để xin tiền. Đa số là cho tiền dưới hình thức mua tăm bông, mua hoa, nhang (mặc dù trong một số chùa có nhang miễn phí cho người đến làm lễ)... rồi cho thêm tiền.
Anh Nguyễn Huy Hoàng (34 tuổi) cho biết: “Từ cuối năm 2014, tôi nghe chính quyền thông tin sẽ đưa người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội nhưng vẫn còn rất nhiều người ăn xin ở các công viên, đền chùa. Ngay tại công viên 23/9 thỉnh thoảng vẫn xuất hiện một người mẹ ôm theo đứa con nhỏ, chèo kéo khách đi đường mua tăm hay sách tử vi.
Tuy nhìn bề ngoài là mua bán, nhưng thật ra đó là hình thức ăn xin nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Mấy hôm trước tôi còn bắt gặp một nhà sư đi khất thực, thấy mọi người vẫn cho tiền, mặc dù nhìn qua là biết sư giả”.
Sẽ quyết liệt hơn
Tại khu vực làng Đại học Thủ Đức, hằng đêm vẫn xuất hiện hai em nhỏ thường xin tiền của sinh viên. Các em nhỏ này thường đi xin tiền ở cây xăng gần khu vực ngã ba 621 (Thủ Đức) sau đó chuyển dần vào các quán nhậu trong làng đại học. Khoảng 22h đêm, khi các quán nhậu bắt đầu đóng cửa, hai em đi về hướng khu vực Hồ Đá (Bình Dương).
Tại những khu vực giáp ranh của TP HCM với Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... hằng ngày cũng có rất nhiều người ăn xin hoạt động. Khu vực phố Tây (quận 1, TPHCM) cũng thỉnh thoảng xuất hiện vài em nhỏ xin tiền khách nước ngoài.
Theo ông Lê Chu Giang - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP HCM, trong giai đoạn đầu, cơ quan chức năng đã phân loại và đưa được 200 người ăn xin, lang thang cơ nhỡ, vô gia cư vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quyết liệt hơn nữa nhằm xử lý các đối tượng chăn dắt, từng bước xóa nạn ăn xin để mang lại vẻ văn minh cho thành phố trong tương lai.
Theo Hải Đăng/Công An TP HCM