Trong khi lượng phương tiện ngày càng tăng khiến các phố ùn tắc thì tại nhiều tuyến vỉa hè đã biến thành các điểm “tạm thời” trông giữ ô tô suốt đêm ngày. Hàng loạt các điểm đỗ thực hiện sai phép, không phép nhưng không được xử lý nghiêm…
Điểm trông giữ xe trên phố Thái Phiên thường xuyên vi phạm quy định.
Đủ kiểu trục lợi
Cách trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng chừng vài trăm mét là bãi đỗ xe máy, ô tô “khủng” lên tới hàng trăm chiếc nằm chềnh ềnh trên cả một đoạn dài tuyến phố Thái Phiên. Xe máy đỗ kín vỉa hè và có trường hợp còn nhận trông giữ cả ô tô ngay dưới lòng đường. Mặc dù trên tuyến phố Thái Phiên không cấp phép trông giữ ô tô nhưng chỉ cần rẽ xe vào tuyến này đã có cả chục thanh niên nhảy ra vẫy tay nhận trông giữ ngay dưới lòng đường. Ngay cả trên tuyến phố Lê Đại Hành, nếu ai có nhu cầu gửi ô tô sẽ ngay lập tức được đáp ứng.
“Kết quả xác minh của Thanh tra thành phố ngày 26/12/2014 vừa qua đã phát hiện hàng loạt các điểm đỗ, bãi xe không phép, giấy phép hết hạn nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại trong suốt thời gian dài.”
Dọc theo phố Quán Sứ nhiều năm qua cũng đã bị biến thành nơi trông giữ ô tô, xe máy chật kín vỉa hè. Đại diện UBND phường Hàng Bông cho biết, nhiều đoạn trên tuyến phố Quán Sứ được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép trông giữ xe “tạm thời” rộng gần 200m chiều dài nhưng cũng đã kéo dài tới 5-6 năm qua. Điều đáng nói là việc cấp phép cho ô tô đỗ ngang trên vỉa hè đã lấy đi toàn bộ phần diện tích dành cho người đi bộ trên vỉa hè. Do thiếu kiểm tra, chấn chỉnh nên tại đây còn hình thành cả bãi trông giữ xe “tự phát” ngay dưới lòng đường kéo dài hàng trăm mét.
Nhiều người dân sống trên phố Phủ Doãn rất bất bình vì nhiều năm qua, quận Hoàn Kiếm chỉ lo “khoán” mà không chịu “quản” dẫn đến cả tuyến vỉa hè của phố này giao cho Công ty CP 901 quản lý kinh doanh nhưng thường xuyên xảy ra vi phạm. Điển hình là tình trạng trông giữ xe sai so với giấy phép khi cả tuyến phố dài, phần trông giữ xe được kẻ vạch sơn trắng chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng đơn vị này đã cho xe đỗ lên toàn bộ diện tích vỉa hè, tràn ra ngoài vạch sơn. Cũng trên tuyến phố Phủ Doãn, nhiều đoạn vỉa hè đã biến thành nơi trông giữ ô tô ngày đêm.
Kết quả xác minh của thanh tra thành phố ngày 26/12/2014 vừa qua đã phát hiện hàng loạt các điểm đỗ, bãi xe không phép, giấy phép hết hạn nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại trong suốt thời gian dài. Điển hình như tuyến phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Khâm Thiên, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Nhân Tông, Tràng Thi, Lê Duẩn, Thể Giao, đường Láng. Quận Cầu Giấy có tới 9/10 đơn vị được kiểm tra tổ chức trông giữ xe ngoài phạm vi được cấp phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chăng dây kinh doanh. Quận Ba Đình có 4/4 đơn vị khi kiểm tra phát hiện sử dụng sai giấy phép, để xe lấn hết hè đường dành cho người đi bộ. Quận Hoàn Kiếm phát hiện có 4/4 đơn vị được cấp phép để xe trên hè nhưng thực tế đã để xe tràn cả xuống lòng đường.
Cơ quan cấp phép làm trái quy định
Theo Thanh tra Nhà nước thành phố Hà Nội, kết quả xác minh mới nhất cho thấy, sai phạm bắt nguồn từ chính cơ quan cấp phép. Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép đỗ xe ngay trên các tuyến phố có lòng đường nhỏ hẹp đã trái với quy định tại Thông tư 04 ngày 20/2/2008 của Bộ Xây dựng và điểm d khoản 2 Điều 9 Quyết định số 15 ngày 9/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội. Điển hình là các phố: Lê Ngọc Hân, Hàn Thuyên, Đội Cung, Cao Đạt, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Khắc Cần, Thể Giao. Sở GTVT và UBND một số quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa đã cấp phép trái chỉ đạo của UBND thành phố tại các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Hàng Vôi, Nguyễn Chí Thanh, Đinh Tiên Hoàng, Quán Thánh, Khâm Thiên, Phạm Ngọc Thạch.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội còn cấp một số giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường nhưng chưa phối hợp, thống nhất với UBND quận, chưa có quy hoạch sử dụng tạm hè đường dẫn đến việc một số quận đã đề nghị Sở GTVT phải thu hồi giấy phép trông giữ xe, điểm đỗ tại các tuyến như Nguyễn Sơn (quận Long Biên), đường ven hồ Đền Lừ nối từ phố Nguyễn Đức Cảnh sang Khu đô thị Đền Lừ, điểm đỗ trên phố Kim Đồng; điểm đỗ xe Đông Kim Ngưu, đoạn Lạc Trung-Minh Khai.
Đại diện Thanh tra thành phố khẳng định: Nguyên nhân để xảy ra tình trạng “bát nháo” trong quản lý lòng đường, vỉa hè là quản lý sau cấp phép của Sở GTVT và UBND các quận chưa được thực hiện thường xuyên, các vi phạm đã không được xử lý cương quyết. Công tác quản lý, xử lý vi phạm, duy trì hè đường sau các đợt giải tỏa của UBND các quận, UBND các phường chưa thực hiện triệt để dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, buôn bán, để xe máy, ô tô, tác động xấu đến bộ mặt đô thị, khiến vỉa hè và hạ tầng bị xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng…
Theo Tuấn Minh - Nguyễn Tú
Tiền Phong