Sau khi “tung bụi” trên xa lộ Hà Nội (quận Thủ Đức), Công ty CP Xi măng Hà Tiên đang có kế hoạch nâng công suất tại trạm nghiền Phú Hữu ở quận 9, TP HCM
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 64 về kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. TP HCM có 37 doanh nghiệp nằm trong quyết định này nhưng đến nay, chỉ còn Công ty CP Xi măng Hà Tiên (Xi măng Hà Tiên) chưa di dời.
Kỳ kèo với thành phố
Trạm nghiền Thủ Đức của Xi măng Hà Tiên từng là nỗi kinh hoàng của người dân TP HCM vì ngày đêm “tung bụi” khu vực xa lộ Hà Nội. Khi đó, Xi măng Hà Tiên đang sử dụng công nghệ từ những năm 1960.
Theo Quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2006, Xi măng Hà Tiên phải giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm: cải tiến công nghệ hoặc di dời. Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết dù đã đầu tư nâng cấp hệ thống sản xuất, trang bị hệ thống xử lý bụi tĩnh điện, lọc tay áo… nhưng do công nghệ quá lạc hậu, hệ thống xử lý bụi thường xuyên gặp sự cố nên Xi măng Hà Tiên vẫn tiếp tục gây ô nhiễm.
Ngoài ra, theo quy hoạch của TP, dọc trục xa lộ Hà Nội sẽ là các khu thương mại, dịch vụ và dân cư nên vị trí của trạm nghiền Thủ Đức không phù hợp. Từ năm 2010, TP HCM liên tục kiến nghị Bộ Xây dựng, đơn vị chủ quản của Xi măng Hà Tiên, nhanh chóng di dời trạm nghiền này, trả lại mặt bằng để chỉnh trang đô thị. Thế nhưng, Bộ Xây dựng cũng như Xi măng Hà Tiên đều đề nghị được hoạt động đến năm 2018.
Trạm nghiền Phú Hữu của Xi măng Hà Tiên nằm cạnh khu dân cư
Ông Cao Trung Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP HCM, cho biết công ty đã giảm công suất từ 1,5 triệu tấn/năm còn 0,65 triệu tấn/năm, mức độ ô nhiễm cũng giảm nhưng UBND TP vẫn yêu cầu doanh nghiệp này không kéo dài thời gian thêm nữa và đến năm 2016 phải di dời trạm nghiền Thủ Đức.
“Xi măng Hà Tiên cũng đồng ý sẽ đóng cửa trạm nghiền Thủ Đức trong năm 2016 nhưng không di dời đến nơi mới mà sẽ tăng công suất ở các trạm nghiền Phú Hữu (quận 9) và Cam Ranh (Khánh Hòa). Họ nói vậy thôi chứ chưa gửi hồ sơ nên kế hoạch, lộ trình đóng cửa cụ thể thế nào thì vẫn chưa biết” - ông Sơn nói.
Hậu quả sẽ rất nghiêm trọng
Thông tin Xi măng Hà Tiên nâng công suất trạm nghiền Phú Hữu để đóng cửa trạm nghiền Thủ Đức khiến quận 9 hết sức lo lắng. Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 9, đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM và các sở, ngành liên quan cân nhắc vì quanh khu vực trạm nghiền Phú Hữu theo quy hoạch là các khu dân cư dày đặc.
“Dù người dân ở còn thưa nhưng quận tiếp nhận rất nhiều phản ánh về vấn đề ô nhiễm của trạm nghiền Phú Hữu. Giờ công ty còn tính chuyện nâng công suất trong khu dân cư dày đặc như thế, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng” - ông Tuấn cảnh báo.
Trạm nghiền Phú Hữu hoạt động từ năm 2009, công suất 1,2 triệu tấn/năm với nhiều cam kết về công nghệ hiện đại. Thế nhưng, theo bà Phạm Thị Ái (ngụ tổ 3, khu phố Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9), từ khi trạm nghiền Phú Hữu hoạt động, nước mưa hứng từ máng xối không dùng được vì đục, có mùi khăm khắm, chỉ trong một ngày là đáy bể đầy cặn đen.
Ông Phạm Văn Lương, tổ trưởng tổ 3, cho biết khu vực này chưa có nước cấp của TP nên các hộ dân chủ yếu lắp đặt máng xối, xây bể chứa nước mưa để dùng. Giờ nguồn nước mưa cũng bị ô nhiễm vì bụi từ trạm nghiền Phú Hữu nên người dân chỉ sử dụng cho sinh hoạt, nước uống phải mua từ các ghe chở ở Đồng Nai sang với giá 60.000-70.000 đồng/m3. “Đưa cục bông gòn vào vòi nước, 5 phút là nó đen sì, đầy bùn sình. Tôi đem mấy cục bông gòn đó lên cho lãnh đạo phường, quận cùng xem, họ cũng lắc đầu” - ông bức xúc.
Vừa qua, UBND TP HCM đã ra quyết định xử phạt Xi măng Hà Tiên 440 triệu đồng vì xả bụi gây ô nhiễm môi trường tại trạm nghiền Phú Hữu. Theo quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TP HCM, đến năm 2020, các nhà máy, trạm nghiền, trạm trộn xi măng phải di dời ra khỏi khu dân cư.
Văn phòng Kiến trúc sư trưởng chấp thuận địa điểm
Theo bản đồ hiện trạng sử dụng đất của quận 9, khu dân cư tổ 3, khu phố Trường Lưu cách trạm nghiền Phú Hữu khoảng 1,5 km; các khu dân cư hiện hữu và quy hoạch còn lại chỉ cách vài trăm mét. Vì sao trạm nghiền xi măng lại đặt gần khu dân cư?
Ông Phạm Quang Bửu, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận 9, cho biết Văn phòng Kiến trúc sư trưởng TP đã có văn bản chấp thuận địa điểm từ năm 2002. Khi đó, trạm nghiền nằm trong khu kho tàng, bến bãi và các cơ sở sản xuất liên quan đến vận chuyển đường sông (sau này là quy hoạch KCN Phú Hữu) được Kiến trúc sư trưởng TP phê duyệt vào năm 2001. Tuy nhiên, các khu dân cư lân cận đều là khu dân cư hiện hữu, người dân sống đã lâu chứ không phải các khu dân cư tạo lập mới.