Với số điểm 19 trong thang điểm 100, Việt Nam nằm trong nhóm công khai ngân sách thấp nhất trong 100 nước được khảo sát trong chỉ số công khai ngân sách (OBI) năm 2012.
Số điểm của Việt Nam thấp hơn cả chỉ số trung bình (43 điểm) và thấp hơn hầu hết các nước trong khu vực (Indonesia, Maylaysia, Philipines, Thái Lan, Đông Timo), chỉ cao hơn Cambodia (đạt 15 điểm) vài điểm.
Thông tin này được đưa ra tại buổi giởi thiệu công cụ theo dõi khảo sát và công khai ngân sách do Tổ chức Hợp tác ngân sách quốc tề (IBP) cùng Trung tâm Phát triển và Hội nhập tổ chức chiều 8-10.
Nhiều tài liệu về ngân sách còn “bí ẩn”
Ông Joel Friedman, chuyên gia cao cấp của IBP, cho biết chỉ số OBI được khảo sát dựa trên việc công bố công khai tám loại tài liệu liên quan đến ngân sách. Trong đó có bốn tài liệu về lập kế hoạch như: chỉ thị định hướng xây dựng ngân sách, dự thảo ngân sách, dự toán ngân sách, bản ngân sách công dân. Bốn tài liệu còn lại là các báo cáo thực hiện gồm: báo cáo hàng quý, báo cáo sáu tháng, báo cáo quyết toán và báo cáo kiểm toán hàng năm.
“Qua khảo sát năm 2012, Việt Nam chỉ mới công khai năm loại tài liệu. Ba loại tài liệu còn lại, trong đó có dự thảo ngân sách là tài liệu chiếm số điểm khá cao thì Việt Nam chỉ lưu hành nội bộ. Còn báo cáo giữa kì và ngân sách công dân Việt Nam không có”, ông Joel nói.
Theo ông Joel, chỉ số OBI được thực hiện hai năm một lần và bắt đầu từ năm 2006. Qua bốn lần khảo sát, số điểm của Việt Nam ngày càng tăng lần lượt từ ba điểm của năm 2006 lên 10 điểm vào năm 2008, 14 điểm năm 2010 và 19 điểm vào năm 2012. “Điều này cho thấy ngân sách của Việt Nam ngày càng được công khai. Tuy nhiên Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có chỉ số OBI thấp nhất”, ông Jonel đánh giá.
Về chỉ số OBI năm 2014, ông Jonel cho biết đang được thực hiện và sẽ công bố vào năm 2015. Tuy nhiên tính đến tháng 8-2014, Việt Nam cũng chỉ mới công bố năm báo cáo. Dự thảo ngân sách vẫn tiếp tục là tài liệu lưu hành nội bộ, không có báo cáo giữa kì và báo cáo kiểm toán.
Theo góp ý của các chuyên gia, nếu Việt Nam công khai dự thảo ngân sách thì chỉ số OBI sẽ được cải thiện đáng kể, có thể đạt mức điểm trên trung bình. Góp ý này đã được nhóm khảo sát chuyển đến bộ Tài chính và bộ này đã hứa sẽ đề xuất Quốc hội cho phép công khai dự thảo ngân sách hàng năm.
Có công khai mới sử dụng hiệu quả
Nói về ý nghĩa của việt công khai ngân sách, nhiều ý kiến cho rằng nếu ngân sách được công khai thì sẽ phân bổ hợp lí hơn và những ưu tiên trong sử dụng ngân sách sẽ tốt, từ đó giúp việc chi tiêu ngân sách hiệu quả hơn.
Bà Đỗ Thị Bích Thủy, tư vấn cao cấp của Trung tâm nâng cao năng lực cộng đồng, cho rằng việc công khai ngân sách không chỉ giúp người dân tham gia xây dựng ngân sách mà đấy còn là quyền của người dân. Khi đó người dân sẽ có đầy đủ thông tin đề tham gia giám sát có hiệu quả về việc phân bổ và sử dụng ngân sách. Bà Thủy kể có nhiều câu chuyện về phân bổ ngân sách trong xây dựng nông thôn mới cho thấy việc thiếu công khai ngân sách đã làm giảm hiệu quả của việc phân bổ và sử dụng ngân sách rất nhiều.
“Ở nhiều xã không công khai cho người dân biết ngân sách được phân bổ như thế nào mà thực hiện một cách khuôn mẫu, giống nhau. Nơi cần cầu thì họ xây toàn nhà văn hóa thôn. Có thôn có nhà văn hóa rồi vẫn xây tiếp, có nhà văn hóa thôn bỏ không. Cụ thể như ở Quảng Trị, xây nhà văn hóa thôn xong để đó không dùng được vì thường xuyên bị ngập. Hay như ở một xã ở Bà Rịa - Vũng Tàu, có ba công trình nông thôn mới, mỗi công trình đầu tư trên 40 tỷ đồng, trong đó có trường mẫu giáo xây như một lâu đài cho 200 cháu học. Trong khi cùng trong xã đó có đoạn đường 20m đất đỏ làm bao nhiêu năm không xong vì không có tiền. Chúng tôi tìm hiểu ra mới biết vì tiêu chí xây dựng nông thôn mới chỉ phân bổ ngân sách cho xây nhà trẻ, nhà văn hóa chứ không cho xây cầu, đường”, bà Thủy dẫn chứng.
Một xu ngân sách cũng là tiền đóng thuế của dân
Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, tỏ ra băn khoăn về nhận thức của không ít người dân hiện nay về ngân sách.
“Nhiều người dân nói với chúng tôi rằng tiền ngân sách là từ ngân hàng, tiền ngân sách là của Chính phủ chứ không nghĩ đó chính là tiền đóng thuế của chính mình. Cũng vì suy nghĩ đó mà nhiều người dân còn ít quan tâm đến ngân sách cũng như việc quản lí và sử dụng ngân sách như thế nào. Trong khi ở nước ngoài, người dân ý thức rất rõ tiền ngân sách chính là tiền của người dân đóng thuế. Vì vậy cho dù là một xu tiền ngân sách thì cũng là tiền thuế của người dân cho nên người dân có quyền biết những thông tin liên quan đến ngân sách được chi tiêu như thế nào, sử dụng cho những việc gì”, bà Hà nhấn mạnh.