Sáng 20-8, BCĐ cải cách tư pháp T.Ư đã có buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư VN về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nằm trong kết luận số 92 của Bộ Chính trị .
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN - cho rằng nếu làm cải cách tư pháp thì bắt buộc phải có mô hình tư pháp rất mới, tuy nhiên vì bảo vệ lợi ích ngành mà nhiều cơ quan ngần ngại không muốn rũ bỏ tư duy và thói quen cũ.
Theo luật sư Nghĩa, bị can có quyền được gặp luật sư giai đoạn đầu của quá trình điều tra, tuy nhiên trên thực tế nhiều luật sư bị cản, không được gặp bị can dẫn đến việc điều tra viên mớm cung, dùng nhục hình và có những hành vi sai trái. Các bản cung đầu tiên của bị can khi chưa có luật sư tham gia lại được dùng trong tố tụng.
“Làm sao kiểm soát được quá trình điều tra, hoạt động điều tra phải tạo ra được chứng cứ hợp pháp để dùng trước tòa. Những điều này phải được thiết kế trong Luật tổ chức tòa án nhân dân, viện KSND, tránh trường hợp trong quá trình tạm giữ đã dùng nhục hình” - luật sư Nghĩa nói.
Ông Lê Hữu Thể, phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cho rằng điều tra viên chỉ có thể dùng bức cung, nhục hình khi ở một mình với bị can, bị cáo. Vì vậy theo ông Thể, muốn ngăn ngừa tình trạng này thì luật sư và kiểm sát viên phải tham gia ngay vào giai đoạn đầu của quá trình điều tra.
Đại diện Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa trình bày về “tình trạng nhức nhối” có bản án trước khi xét xử ở các địa phương hiện nay.
“Chúng tôi đồng ý có những vụ án khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương thì tòa xin ý kiến của ủy ban thẩm phán. Nhưng tất cả các vụ án đều có bản án trước thì sẽ ảnh hưởng đến tố tụng, đến niềm tin của người dân. Giới luật sư chúng tôi rất buồn về vấn đề này. Vì có án bỏ túi nên những vấn đề trong quá trình tranh tụng đều không được tòa án xem xét” - vị đại diện này nói.
Tổng kết buổi làm việc, chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết những vấn đề nêu trên phải có các biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
“Vấn đề tranh tụng diễn ra như thế nào? Sự có mặt của luật sư từ giai đoạn nào? Tất cả các vấn đề này phải được thể chế hóa bằng luật, nếu không thể chế hóa sẽ không khả thi. Việc thu thập chứng cứ phải đúng pháp luật. Các chứng cứ phải được làm rõ tại phiên tòa, nếu không chứng minh được bị cáo phạm tội thì phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Tòa án phải là trọng tài, ra phán quyết đúng người, đúng tội...” - ông Trương Hòa Bình nói.
TÂM LỤA
Theo Tuổi Trẻ