Hôm qua 22-10, Sở Y tế Hà Nam thành lập tổ công tác xác minh hiệu trưởng và cán bộ của Trường cao đẳng (CĐ) Y tế Hà Nam bị tố giác nhận hối lộ để cấp giấy trúng tuyển và cấp bằng tốt nghiệp loại giỏi.
Ảnh từ clip tố giác ông hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Hà Nam đếm và cất tiền hối lộ để cấp bằng tốt nghiệp loại giỏi
Đơn tố cáo cùng các đoạn video clip trước đó được gửi tới Bộ Y tế và bộ đã chuyển các tài liệu tới chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam xem xét giải quyết đơn “tố cáo hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ nhận hối lộ của một số cán bộ tại Trường CĐ Y tế Hà Nam”.
Trong đơn, bà L. - người có con từng học tại Trường CĐ Y tế Hà Nam - tự nhận đã trực tiếp đến gặp ông Trần Văn Đàn, hiệu trưởng nhà trường, đưa năm bộ hồ sơ xét tuyển vào các ngành trung cấp y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kèm theo 2 triệu đồng/hồ sơ.
Đồng thời lấy tên ba sinh viên năm cuối, đề nghị thầy hiệu trưởng cấp bằng giỏi và đưa 4 triệu đồng/học sinh. Tổng số tiền bà L. đưa cho ông Đàn để “chạy điểm, chạy trường” là 22 triệu đồng.
Trong đơn, bà L. cũng cho biết đã gặp ông Vũ Hữu Ý - trưởng phòng tổ chức hành chính kiêm phó trưởng phòng công tác HSSV - đưa hai bộ hồ sơ trung cấp và tên một học sinh xin lấy bằng giỏi, đồng thời đưa cho ông Ý 8 triệu đồng.
Các tình huống đặt vấn đề đưa hồ sơ, tên học sinh và đưa tiền đều được ghi lại trong clip do bà L. cung cấp.
Trường cao đẳng Y tế Hà Nam - Ảnh: Ngọc Quang
Trao đổi với Tuổi Trẻ, các ông Trần Văn Đàn, Lại Vũ Kim - hiệu phó, Vũ Hữu Ý và ông Hà Đắc Lâm - trưởng phòng đào tạo - khẳng định nhà trường không có quy định nào về việc thu tiền của thí sinh xét tuyển và trúng tuyển vào trường, trừ lệ phí xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Đồng thời, nhiều năm nay trường chỉ tuyển được khoảng 50% số chỉ tiêu được giao, nên không có chuyện “nhận tiền mới cấp giấy trúng tuyển”.
Mặt khác, quy trình xét cấp bằng của trường chặt chẽ, cách tính kết quả tốt nghiệp hệ trung cấp gồm điểm trung bình của quá trình học tập cộng với điểm thi tốt nghiệp chia đôi, nên không có chuyện dễ dàng thay đổi kết quả học tập.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường xác nhận tên một số thí sinh được nhắc đến trong nội dung tố giác của bà L. cung cấp đều có quyết định trúng tuyển vào trường năm 2014 các ngành trung cấp dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng (những thí sinh trên đã được gửi giấy báo nhập học nhưng đều không đến nhập học).
Tương tự, một số tên học sinh được bà L. cho biết đã sử dụng để “xin cấp bằng giỏi” đã được cấp bằng loại giỏi theo quyết định từ tháng 9-2014 của trường.
Ở phía khác, ông Trần Văn Đàn giãi bày rằng bà L. chủ động đề nghị sẽ tuyển 50 học viên tại Thanh Hóa cho trường “để tổ chức một lớp đào tạo y sĩ, rồi thu tiền của người học theo hồ sơ”.
Tuy nói rằng “không chấp nhận giao kèo của bà L.” nhưng ông Đàn vẫn thừa nhận “hình thức nhờ người ngoài tập hợp người học để tổ chức lớp đào tạo tại chỗ như trường hợp bà L. đề xuất”.
Trả lời Tuổi Trẻ về vấn đề trên, bà L. phủ nhận việc chủ động đề xuất mà cho biết chính ông Trần Văn Đàn đã đề nghị bà “nếu có hồ sơ nào thì cứ gửi cho trường, không gửi trực tiếp thì gửi qua đường bưu điện cũng được”.
Hiện Sở Y tế Hà Nam đã cho xác minh vụ việc. Tuổi Trẻ sẽ thông tin các diễn biến tiếp theo. .
Ông TRẦN VĂN ĐÀN (hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Hà Nam):
Có cầm tiền đếm, nhưng...
Có hay không chuyện chi 4 triệu đồng là có được tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi như trong đơn tố cáo đề cập? Chúng tôi trao đổi với ông Trần Văn Đàn - hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Hà Nam.
* Có ai trực tiếp đến gặp ông để “xin” tấm bằng giỏi?
- Người ta có đặt vấn đề về giá tiền từng trường hợp, có đưa tiền. Thật ra không phải một người vào gặp tôi, mà có nhiều người đã vào gặp tôi.
Tôi nói rõ việc này chủ yếu phụ thuộc vào quá trình học của học sinh, tôi không làm việc đó. Thậm chí có người vào hai lần, ba lần nhưng tôi đều đuổi ra. Người ta tìm gặp tôi ban ngày cũng có, buổi tối cũng có.
Tôi cam đoan là không mặc cả, không ra giá, không giao kèo gì. Nếu chủ tâm làm ăn với nhau thì phải có mặc cả, có ra giá, giao kèo với nhau, rồi cả chuyện phần trăm...
* Vậy đã có lần nào ông nhận lời giúp đỡ?
- Tôi cam đoan không nhận tiền. Tôi nhớ có trường hợp hai mẹ con vào gặp tôi rất nhiều lần, vì con chị này từng là sinh viên cũ của trường.
Lần đầu chị ấy nói với tôi “các thầy có tuyển y tá không, tôi tuyển cho các thầy một lớp”, rồi hỏi tôi tuyển mỗi hồ sơ bao nhiêu tiền. Nhiều lần họ vào lúc tôi nghỉ trưa, vào phòng là có hình thức dồn dập đưa hồ sơ và đưa tiền.
Có lần vừa vào, cậu con đã nói em gửi tiền thầy. Khi đó, chúng tôi giằng co, đùn đẩy. Tôi không nhận và còn quát ngồi xuống. Cuối cùng, họ cứ kiên quyết đưa, mà còn nói rất to ở trong phòng.
Lúc đó chuẩn bị đến giờ làm việc, họ cố tình nhét thì tôi cầm. Khi cầm, thấy có người gõ cửa, tôi bỏ tiền vào trong hồ sơ để tránh giáo viên vào nhìn thấy thế mang tiếng. Sau đó tôi nói lại, thôi nhé, tôi trả lại hồ sơ và tiền.
* Không nhận tiền, nhưng tại sao ông lại đếm số tiền đó, rồi bỏ vào hồ sơ như hình ảnh trong clip ghi lại được?
- Bây giờ nhìn lại cả quá trình diễn biến thì thấy đây là thủ đoạn làm ô nhục cán bộ. Họ có sắp đặt, có tính toán, có người đứng đằng sau. Họ sắp đặt từ khi đến gặp tôi nói tuyển cho 50 học sinh lớp y tá.
Nếu tôi là người làm ăn thì tôi đã mặc cả, ra giá ngay. Khi thấy tôi không mặc cả thì bày sang trò khác. Đến giờ, tôi khẳng định không nhận một đồng nào.
Còn việc đếm tiền, đúng là có lần tôi cầm tiền đếm. Tôi đếm tiền vì muốn xem độ trung thực của họ. Tôi đếm xem số tiền có chính xác như họ nói hay không. Biết đâu họ nói đưa 20 triệu nhưng chỉ có 10 triệu thì sao?
Tôi nhớ không rõ là họ nói đưa 5 hay 7 triệu gì đó. Lúc cầm đếm thì có người gõ cửa, nên tôi bỏ tiền trong hồ sơ.
Vì phòng tôi liên tục có người ra vào, đưa lại tiền thì họ không cầm, để mọi người thấy thế thì mang tiếng. Sau đó tôi trả lại hết và yêu cầu mang hồ sơ sang bên phòng đào tạo mà nộp. Tôi còn dọa báo công an rồi đuổi hai mẹ con về.
* Ông có sẵn sàng mời cơ quan công an vào làm rõ sự việc?
- Hiện tại tôi đang chờ đoàn công tác của Sở Y tế sang làm việc. Nếu tôi sai, tôi sẵn sàng chịu hình thức kỷ luật. Tôi nghĩ đây là âm mưu phá hoại nhà trường, chia rẽ đoàn kết nội bộ. Tôi sẽ đề nghị cơ quan chức năng làm rõ vụ việc, làm càng sớm càng tốt.