Cho rằng cách tính lương hưu mới theo dự luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) làm giảm quyền lợi của người lao động, nhiều đại biểu không đồng tình với cả 2 phương án.
Theo dự luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án tính lương hưu hàng tháng. Phương án một, từ năm 2018, mức lương hưu tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 20 năm của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án hai, số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 là 20 năm. Sau đó cứ mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Với cách tính lương hưu mới, người lao động sẽ bị thiệt. Ảnh: N.T.
Tại buổi thảo luận ở hội trường chiều 23/10, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nghiêng về phương án một vì thực hiện lộ trình này sẽ tạo điều kiện để người lao động có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng - hưởng.
Trong khi đó, đại biểu Trần Thanh Hải lại đề nghị giữ nguyên cách tính như luật hiện nay, không phải như phương án một và hai. Theo dự thảo, nam phải mất 35 năm, nữ phải 30 năm mới được hưởng tối đa 75%, trong khi bình quân hiện nay là nam 30 năm và nữ 25 năm. Ngoài ra, nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị giảm 30% so với nghỉ từ 31/12/2017.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Lê Trọng Sang cho biết, cách tính theo dự thảo luật sẽ làm thiệt hại quyền lợi của người lao động. Mức lương hưu vào năm 2018 của lao động nam sẽ là 45% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 10%. Mức lương hưu của lao động nữ vào năm 2018 là 55% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 5%.
Nhiều đại biểu cũng đồng tình với đề xuất giữ nguyên cách tính lương hưu. “Đây là luật rất quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ảnh hưởng đến đông đảo đội ngũ công nhân viên chức. Vì thế, tôi đề nghị ban soạn thảo cân nhắc công thức tính lương hưu để luật lần này không phải là bước lùi”, bà Phạm Thị Hải nói.
Rất chia sẻ với nỗi lo lương hưu bị sụt giảm, tuy nhiên ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng nếu không thay đổi cách tính lương hưu mới thì không thể đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí. Hiện mức đóng bảo hiểm xã hội thấp, chỉ bằng 70% lương thực tế, trong khi hưởng lương hưu rất cao, bằng 75% của 5 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
"Ví dụ ông Nguyên Minh, nguyên Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda Huế hưởng lương hưu 65 triệu một tháng. Về hưu sớm, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54, tuổi thọ trung bình là 73, nếu không thay đổi cách tính lương hưu để đảm bảo cân đối quỹ thì sẽ rất khó khăn", ông Lợi nói và cho hay Ban soạn thảo đang suy nghĩ có nên tính lương bình quân cho người về hưu bằng số năm người đó sống. Ví dụ 54 tuổi nghỉ hưu, thọ 73 - chênh nhau 19 năm thì lấy toàn bộ tiền đóng bảo hiểm xã hội chia cho 19 năm được sống.
Một điểm nữa của dự thảo được đại biểu quan tâm là quy định nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu, trong khi luật hiện hành nữ là 45 tuổi và nam 50 tuổi.
Đại biểu Lê Trọng Sang cho rằng nên giữ nguyên như quy định hiện hành. Lý do vì trong môi trường sản xuất hiện nay dễ phát sinh tai nạn lao động, năng suất lao động sẽ không cao. Khi luật có hiệu lực từ 1/7/2015 sẽ tạo sự chênh lệch lớn về quyền lợi so với người nghỉ hưu từ ngày 30/6/2015 trở về trước.
Theo ông, nguyên nhân chính khiến nhiều người lao động nghỉ hưu trước tuổi vì lý do suy giảm khả năng lao động trong những năm qua là công tác giám định chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Thay vì tăng tuổi đời nghỉ hưu lên, ông đề nghị Nhà nước phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan giám định.
Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp này. Ngày mai (24/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về trường hợp nhận lương 65,2 triệu đồng của nguyên Tổng giám đốc Công ty bia Huế, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng con số này tuy cao nhưng "rất hợp lý" với trường hợp cụ thể, vì mức này được tính dựa trên số tiền ông Nguyễn Minh đóng bảo hiểm trước đó.
“Một là lương hưu được tính bình quân của 5 năm. Thứ 2 là được đóng trên lương thu nhập thực tế của ông Minh, lên đến hàng trăm triệu mỗi tháng, mà lại chia bình quân có 5 năm nên con số trên là chính xác”, ông Lợi lý giải.
Chuyên gia này cho biết người về hưu có mức lương vài chục triệu là không nhiều và lên tới trên 65 triệu mỗi tháng như ông Minh là "trường hợp cá biệt". Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng kinh nghiệm thế giới cho thấy không nên hình thành cơ chế lương như vậy, bởi nguyên tắc lương hưu là khoản bù đắp cho hao phí lao động, hưởng khi tuổi già chứ không hướng đến việc phải sống đàng hoàng bằng lương hưu.
“Lương hưu chỉ để đảm bảo nhu cầu sống bình thường, tối thiểu của bản thân người đó. Dù trong trường hợp ông Nguyễn Minh không có gì bất hợp lý, song xét ở góc độ chính sách xã hội thì không nhất thiết phải vậy”, ông Lợi bày tỏ.