Công an huyện khẳng định không có chuyện đánh đập hay ép cung hai nghi can này. Công an tỉnh sẽ làm rõ vụ việc.
Tràn lan những 'lá bùa' đối phó súng bắn tốc độ của CSGT
- Cập nhật : 25/07/2014
"Bíp... bíp...", chiếc ôtô 7 chỗ phóng vun vút trên quốc lộ 51 vào địa phận huyện Tân Thành (Đồng Nai) bỗng giảm tốc khi âm thanh chói tai vang lên từ cabin. Chỉ vài phút sau, chiếc xe lướt qua một trạm CSGT với tốc độ dưới 60 km/h.
Tài xế tên Phương nhoẻn miệng cười khi có hành khách thắc mắc về âm thanh lạ. Chỉ vào thiết bị màu đen to khoảng bao thuốc là gắn trên cabin, anh này nói: "Nó là lá bùa giúp tôi và nhiều đồng nghiệp khác trong công ty du lịch (trụ sở quận Tân Bình, TP HCM) đối phó với trạm bắn tốc độ của CSGT".
Theo lái xe Phương, với nhiều năm kinh nghiệm chở khách các tuyến miền Đông, cánh tài xế luôn bị ám ảnh bởi những trạm CSGT bắn tốc độ trên đường. Lái xe cả ngày mệt mỏi, đường xá lại đông đúc nên tài xế thường tranh thủ phóng nhanh khi đường vắng để bù lại giờ, vừa để làm hài lòng khách. Do đó hầu hết lái xe đều có lúc vượt quá tốc độ cho phép.
"Từ Sài Gòn đi Đồng Nai, đến Vũng Tàu, có đến vài điểm CSGT bắn tốc độ. Nếu chúng tôi không tỉnh táo, bị phạt nhẹ thì coi như làm công không. Còn nặng, bị giam bằng lái là coi như vợ con đói luôn", Phương nói.
Để đối phó, Phương đã mua một thiết bị tên là Cobra, có khả năng dò được sóng bắn tốc độ của cảnh sát.
Khi phát hiện những trạm CSGT cách đó vài trăm mét, Cobra được gắn ở cabin sẽ kêu “bíp bíp” liên tục để báo hiệu cho tài xế giảm tốc. "Đây là loại cũ chỉ dò được vài tần số và giá chỉ chừng hơn 3 triệu. Loại thủ công này nếu muốn phát hiện chính xác phải dò trước tần số của cảnh sát nên hơi mất công", Phương cho biết thêm.
Nam nhân viên đang quảng cáo về sản phẩm phát hiện súng bắn tốc độ. Ảnh: Kiến Tường. |
Quân, giám đốc công ty tư nhân chuyên cho thuê xe tại quận 3, TP HCM, tìm mua “bùa tốc độ” cho dàn xe của mình tại một công ty trên đường Điện Biên Phủ (quận 10, TP HCM). Nam nhân viên bán hàng thuần thục giới thiệu các sản phẩm được nhập từ nước ngoài về. Để khách dễ hình dung, anh này mở laptop chỉ vào hàng loạt các thiết bị có tính năng vô hiệu hoá máy bắn tốc độ của CSGT. “Có nhiều giá, mẫu mã cho anh lựa chọn. Có loại phát hiện rada cho đến súng laze tụi em đều có đủ. Tất cả đều là công nghệ mới”, nam nhân viên xởi lởi.
Chọn một thiết bị mang nhãn hiệu Cobra Touch Screen được ghi giá hơn 8 triệu đồng, anh này thao thao quảng cáo các chức năng của sản phẩm. "Hàng này nhập từ Mỹ, có 15 tần sóng gồm 6 dải radar, 7 tần số laser và 2 tín hiệu an toàn. Với các súng bắn tốc độ của CSGT hiện nay, nó đều bắt được hết. Khoảng cách bắt sóng lên đến 2 km, tha hồ tài xế điều chỉnh tốc độ", người này nói và đề nghị đặt cọc 35%, trong vòng 2 tuần sẽ có hàng giao "bởi hàng này đang hot".
Tuy nhiên, khi nghe khách bảo cần mua ngay trong ngày để dùng cho xe đi tỉnh, nhân viên cửa hàng nhanh nhảu: "Anh đợi chút, để em xem còn hàng ở Sài Gòn không". Trao đổi với cô gái trẻ ngồi trong quầy, anh này đi lên lầu rồi trở xuống ngay sau đó với hai chiếc hộp giấy đựng chiếc Cobra Touch Screen. Tỏ vẻ không tin tưởng về chức năng của thiết bị này như quảng cáo, Quân đề nghị chính sách bảo hành và bớt giá nhưng không được chấp thuận.
Theo giám đốc công ty xe du lịch, chiếc máy vừa rồi chỉ có tác dụng phát hiện tần số laser chứ không có khả năng vô hiệu hoá súng tốc độ. Trên thị trường hiện có nhiều loại như PNI, Escort, Whistle... có cùng chức năng. Một số đời tích hợp cả định vị GPS cho ôtô nhưng chức năng chủ yếu các lái xe dùng vẫn là dò súng bắn tốc độ của CSGT.
Một số nơi còn quảng cáo về những thiết bị có khả năng phá sóng súng bắn tốc độ. Loại hàng này có giá tính bằng hàng nghìn USD. "Hôm trước tôi đến một công ty trên quận 1 để tìm mua. Họ quảng cáo sản phẩm có tên Blinder có khả năng này, giá hơn 1.200 USD. Nếu muốn mua phải đặt hàng trước rồi mới nhập hàng về. Công dụng thực tế thế nào thì chưa biết, nghe hét giá "chua" thế chắc chỉ có đại gia đi xe sang mới chơi", Quân cho hay.
Chủ một gara ôtô trên đường Cộng Hoà (quận Tân Bình) cho biết, phong trào sử dụng thiết bị dò sóng bắn tốc độ của CSGT đã giảm. Thời gian trước, nhiều cửa hàng buôn bán xe tại Sài Gòn còn khuyến mãi máy này, xem là một phụ tùng theo xe. Tuy nhiên, do chất lượng không như mong đợi, nhiều lái xe liên tiếp bị phạt vì thiết bị "tắc tịt", giảm tốc độ không kịp. “CSGT có thể thay đổi tần số của súng bắn tốc độ nên nhiều thiết bị không phát hiện được”, ông này nói.
Thiết bị hiệu Blinder được cho là có khả năng gây nhiễu, phá súng tốc độ. Ảnh: Kiến Tường. |
Theo một CSGT tỉnh Đồng Nai từng nhiều năm tham gia kiểm soát tốc độ ôtô, CSGT chủ yếu dùng 2 loại máy đo tốc độ là cầm tay và gắn cố định. Quá trình làm việc, ông cũng nghe nói về thiết bị có công dụng dò sóng, thậm chí là phá sóng của súng bắn tốc độ. “Không biết thiết bị này khả thi đến đâu nhưng đúng là có lần máy đo bị nhiễu, không thể hiển thị tốc độ”, ông này nói.
Trao đổi với VNE, lãnh đạo Phòng CSGT TP HCM cho biết, thời gian qua Phòng chưa từng phát hiện ôtô nào có gắn thiết bị được cho là có tác dụng vô hiệu hóa súng bắn tốc độ của CSGT. Phục vụ cho công tác xử lý vi phạm lỗi chạy quá tốc độ, đơn vị này được trang bị loại máy đo tốc độ bằng sóng radar và máy đo bằng tia laser. Tùy đặc điểm tình hình giao thông trên các tuyến đường mà có thể lắp đặt cố định hoặc dùng máy cầm tay di động để phát hiện và xử lý.
Trước thực trạng lái xe có thể sử dụng các thiết bị vô hiệu hóa máy đo tốc độ nhập khẩu trái phép, Phòng đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu. "Nếu các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác của ngành có thể bị vô hiệu hóa, chúng tôi sẽ báo lên Ban giám đốc Công an TP HCM tìm cách khắc phục. Có thể bằng cách thay đổi công cụ hoặc tập huấn cán bộ. Trước mắt, Công an thành phố đã chỉ đạo nhiều lực lượng kết hợp, hóa trang để xử lý các hành vi vi phạm có hiệu quả hơn", vị này nói.
Theo VNEX