Nhờ có hệ thống camera tại các khu phố, lực lượng công an đã kịp thời ngăn chặn, bắt giữ những tên cướp manh động, nên tình hình tội phạm được kéo giảm một cách rõ rệt.
Trà trộn thị sát, cục phó phát hiện đăng kiểm viên vòi vĩnh, nhận hối lộ
- Cập nhật : 09/08/2014
Sau 3 ngày giả làm lái xe đi đăng kiểm ôtô, ông Nguyễn Minh Cương, Cục phó Cục Đăng kiểm đã trực tiếp phát hiện nhiều đăng kiểm viên nhận hối lộ 100.000 - 200.000 đồng mỗi công đoạn.
Trong vai tài xế, ngày 21/7, ông Cương và một đăng kiểm viên của Cục Đăng kiểm trà trộn vào khu vực kiểm tra xe tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 8601S - Bình Thuận. Trò chuyện với những lái xe đang chờ đợi kiểm định xe, ông Cương được biết họ thường phải bồi dưỡng cho đăng kiểm viên, ngay cả nhân viên thu phí tại trung tâm này cũng vòi vĩnh hoặc cố tình không trả lại tiền thừa.
Ngày thứ 3 có mặt tại trung tâm, ông Cương và đồng sự đã bí mật ghi hình các xe đăng kiểm. Đến cuối ngày, ông Cương công khai danh tính và yêu cầu phúc tra kết quả kiểm tra 3 xe tải cũng như đề nghị các lái xe khai báo. Kết quả là cả 3 xe đều không đạt yêu cầu so với chứng nhận trước đó, 2 trong số 3 lái xe đã tố cáo tiêu cực tại đây.
Theo đó, một lái xe khai phải chi cho 3 đăng kiểm viên các khâu kiểm tra đèn gầm, khí thải, phanh từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng bằng cách để tiền trên cabin hoặc đưa trực tiếp cho đăng kiểm viên. Tuy nhiên, các đăng kiểm viên đã nhận tiền mà không báo cáo cho lãnh đạo trung tâm.
Ông Cương đã xác định danh tính tổ kiểm định các xe này gồm ông Ung Đoàn Hiển, Trưởng dây chuyền và trực tiếp đăng kiểm đèn gầm, ông Nguyễn Văn Hiếu, đăng kiểm viên khí thải và ông Phan Chí Hải, kiểm tra phanh. Ngoài ra, ông Trần Đình Tuệ, Phó giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo cho đăng kiểm viên chấp thuận cho xe đạt tiêu chuẩn. Các đăng kiểm viên đều nhận lỗi sau thời gian không thừa nhận hành vi.
Sau khi phát hiện vụ việc, Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận đã ra quyết định định chỉ công tác, đình chỉ chức danh đăng kiểm viên xe cơ giới với những người vi phạm. Ngày 6/8, Cục trưởng Cục đăng kiểm đã có quyết định đình chỉ trung tâm Đăng kiểm Bình Thuận 86-01S.
"Nghiệp vụ công an giúp tôi nắm bắt thông tin từ đường dây nóng và từ thực tế để có kết quả kiểm tra chính xác", ông Nguyễn Minh Cương chia sẻ. Ông Cương vốn là quan chức của Bộ Công an với quân hàm Đại tá, ông đã được điều chuyển sang Cục Đăng kiểm với chức danh Phó Cục trưởng, phụ trách đoàn công tác kiểm tra, phát hiện các tiêu cực của các trung tâm đăng kiểm.
Ông Cương cho hay, đây là một trong nhiều vụ tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm được phát hiện từ tin báo của người dân. Hiện đường dây nóng của Cục Đăng kiểm tiếp nhận khá nhiều thông tin từ lái xe đi đăng kiểm, phần lớn thông tin được xác minh là đúng với mức độ vi phạm của các trung tâm và đăng kiểm viên. Số xe cơ giới đã kiểm định tại các trung tâm này có chứng nhận đạt song khi được phúc tra lại chỉ đạt khoảng 30-40%.
7 tháng qua, đoàn công tác của Cục Đăng kiểm đã đình chỉ 4 trung tâm đăng kiểm do nhiều lỗi vi phạm từ một đến 3 tháng và đình chỉ chức danh đăng kiểm viên của hàng chục cán bộ từ một tháng đến một năm.
Cách chức, buộc thôi việc hàng loạt cán bộ đăng kiểm Bình Thuận
Sở GTVT tỉnh Bình Thuận ngày 8-8 đã có báo cáo gửi UBND tỉnh này liên quan đến sai phạm và xử lý sai phạm tại Trung tâm Đăng kiểm Bình Thuận.
Theo đó, cảnh cáo Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm Trần Minh Tiến; phó giám đốc trung tâm là ông Trần Đình Tuệ bị cách chức và ba đăng kiểm viên Nguyễn Văn Hiếu, Ung Đoàn Hiển cùng Phan Chí Hải bị buộc thôi việc.
Cũng trong báo cáo này, Sở GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh Bình thuận có công văn gửi Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam điều động và tăng cường đăng kiểm viên để Trung tâm Đăng kiểm Bình Thuận hoạt động trở lại.
Như đã đưa tin, ngày 23 và 24-7, ông Nguyễn Minh Cương, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã nhập vai tài xế để kiểm tra quy trình làm việc tại Trung tâm Đăng kiểm Bình Thuận. Chiếc xe ông Cương nhập vai bị làm khó từng chi tiết nhỏ nhặt. Sau khi các đăng kiểm viên nhận tiền lót tay thì chiếc xe này mới được đăng kiểm.
PHƯƠNG NAM - Theo PLO
Đoàn Loan // Theo VNEX