Từ phản ánh của báo và sự vào cuộc quyết liệt của Tổng cục Thi hành án dân sự, vụ việc bị ngưng trệ năm năm nay đang được giải quyết. Doanh nghiệp kỳ vọng không bị trì hoãn thêm nữa...
Ngày 21-10, ông Mai Văn Hưng (Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án (THA) dân sự TP Đà Lạt, Lâm Đồng) cho Pháp Luật TP.HCM biết thông tin ngay trong sáng 21-10, ông đã gửi dự thảo kế hoạch cưỡng chế liên quan đến chuyện giao nhà, đất cho công ty TNHH Phương Trang Đà Lạt sang UBND TP Đà Lạt. Việc cưỡng chế giao tài sản phải làm ngay vì đó là yêu cầu chính đáng của công ty.
“Chúng tôi cũng đang chờ phê duyệt ngày cưỡng chế và chỉ đạo của cấp trên. Tôi nghĩ cũng chỉ dăm ngày nữa là thực hiện được…” - ông Hưng nói.
Chờ THA mỏi mòn
Như Pháp Luật TP.HCM ngày 14-6 đã thông tin, năm 2009, Công ty Phương Trang trúng đấu giá nhà, đất ở tại 357 Phan Đình Phùng (phường 2, TP Đà Lạt). Đây là tài sản được bán để đảm bảo THA trong một bản án mà Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt đang thụ lý. Dù đã đóng đủ tiền (hơn 37 tỉ đồng) và tài sản cũng đã sang tên nhưng suốt từ đó đến nay công ty vẫn chưa được nhận. Theo các cơ quan của TP Đà Lạt, do chấp hành viên tổ chức thi hành bản án này có tiêu cực và Cục Điều tra của VKSND Tối cao đang vào cuộc nên phải chờ…
Để tháo gỡ vụ việc, tháng 5-2013, Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) họp với cơ quan điều tra của VKSND Tối cao và có công văn nêu rõ: Phía công ty mua tài sản là ngay tình, hợp pháp nên Chi cục THA cần giao tài sản theo quy định. Nếu có việc chấp hành viên sai phạm, tiêu cực, gây thiệt hại thì sẽ giải quyết theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Dù vậy bản án vẫn không được thi hành khiến bên trúng đấu giá thiệt đơn thiệt kép vì hằng ngày phải è lưng ra trả tiền vay ngân hàng để mua lô nhà, đất này...
Công ty Phương Trang trúng đấu giá khu nhà, đất này nhưng đang phải chờ cơ quan THA cưỡng chế giao cho họ. Ảnh: TT
Giải quyết sớm để bớt thiệt hại
Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với các cơ quan chức năng của TP Đà Lạt nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là phải chờ để xin ý kiến… Nhận thấy sự ngưng trệ vậy là làm khó doanh nghiệp, làm sai quy định của pháp luật nên báo đã có bài phân tích, nêu ý kiến của các chuyên gia kết luận: Vụ việc phải được nhanh chóng THA.
Cùng quan điểm với báo, ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cũng đã đưa vụ việc này ra hỏi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường. Ông Hà Hùng Cường khẳng định việc mua bán đấu giá của công ty là ngay tình, hợp pháp nên sẽ chỉ đạo và phối hợp với lãnh đạo tỉnh để sớm giải quyết dứt điểm.
Trên tinh thần này, đầu tháng 7-2014, Tổng cục THA dân sự có công văn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khẳng định việc không giao tài sản là sai. Tổng cục cho rằng quá trình điều tra đối với chấp hành viên không thấy có sai phạm trong việc bán đấu giá và thực tế cơ quan điều tra cũng không “cấm” việc giao tài sản. Cũng theo Tổng cục, tại cuộc họp liên ngành trước đó do Tổng cục chủ trì gồm Vụ Kiểm sát THADS (thuộc VKSND Tối cao), cơ quan điều tra của VKSND Tối cao và các đơn vị chức năng của Tổng cục, các ý kiến đều khẳng định Chi cục THA dân sự TP Đà Lạt phải cưỡng chế giao tài sản cho công ty. Việc điều tra đối với chấp hành viên là quan hệ pháp luật khác, sai phạm của cá nhân này sẽ được giải quyết theo quy định và không ảnh hưởng đến việc giao tài sản trúng đấu giá. Tổng cục đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ đạo THA tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương sớm tổ chức cưỡng chế giao tài sản cho công ty, không phụ thuộc vào việc điều tra đối với chấp hành viên.
Ngay sau đó, giữa tháng 7, UBND tỉnh chỉ đạo Chi cục THA và UBND TP Đà Lạt phải thực hiện theo quan điểm của Tổng cục THA dân sự. Phía công ty cũng có văn bản yêu cầu được nhận tài sản ngay.
“Chúng tôi đã hết kiên nhẫn. Năm năm qua, nhiều lần Chi cục THA nói với chúng tôi là sẽ bàn giao trong thời gian sớm nhất nhưng đó là thời gian nào thì không ai biết. Hy vọng lần này công ty nhận được tài sản” - ông Nguyễn Hữu Luân (Giám đốc Công ty Phương Trang Đà Lạt) đề nghị.