Khai thác khoáng sản cần phải quản lý để chống thất thu
“Có tỉnh cấp hơn 200 giấy phép, nhưng thuế thu được 4 tỉ đồng. Như thế là gần như không thu được, bởi cán bộ thanh tra, kiểm tra rất lớn, không đủ tiền nuôi bộ máy cán bộ khi thu không đủ chi” - Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Thuấn khẳng định.
Khai thác tràn lan, đào bới bừa phứa
Hội thảo “Tăng hiệu quả thu ngân sách từ khai khác khoáng sản: Giải pháp nào cho Việt Nam?” được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức hôm qua (10.10) đã đặt ra vấn đề hết sức bức xúc xung quanh tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, đào bới bừa phứa.
Theo TS Lê Quang Thuận (Viện chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính) so với một số nước thì mức thuế suất tài nguyên ở Việt Nam ở mức cao, tuy nhiên tỉ trọng thu ngân sách nhà nước còn thấp, dẫn đến việc thu chưa tương xứng với giá phải trả khi hậu quả do ô nhiễm môi trường là rất lớn. Ông Thuận chỉ rõ: “Nguyên nhân chính là do giá tính thuế chưa hợp lý, quản lý sản lượng khai thác còn chưa chặt chẽ”.
Tính chất “chưa tương xứng” còn ở chỗ dù khai thác dầu khí, và khoáng sản đóng góp tới 25% tổng thu ngân sách nhà nước, tuy nhiên, những đóng góp này chưa tương xứng với mức độ khai thác, và thậm chí chưa tương xứng cả với chi phí đầu tư.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất - Khoáng sản Nguyễn Văn Thuấn hiện nhiều mỏ khoáng sản được khai thác, đào bới bừa phứa, nhưng cơ quan nhà nước không thể kiểm đếm khai thác được bao nhiêu nên thu thuế theo doanh nghiệp tự kê khai. Theo ông Thuấn, chính kẽ hở này đã khiến cho nguồn thu không đảm bảo. “Có tỉnh cấp hơn 200 giấy phép, nhưng thuế thu được 4 tỉ đồng.
Như thế là gần như không thu được, bởi cán bộ thanh tra kiểm tra rất lớn, không đủ tiền nuôi bộ máy cán bộ khi thu không đủ chi” - ông Thuấn nói. Từ đó cho rằng, cần có sự phối hợp giữa cơ quan thuế và tài nguyên để kiểm soát đối chứng xem số lượng khai thác và nộp thuế có khớp hay không?.
Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, ở Việt Nam hiện nay chưa có cơ chế kiểm chứng một cách hiệu quả các số liệu do doanh nghiệp báo cáo. Khi tham gia khai thác khoáng sản, doanh nghiệp phải đóng các khoản như: Tiền cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thuế lợi nhuận, thuế xuất khẩu, nhưng hầu hết trong đó được thu dựa trên số liệu báo cáo của doanh nghiệp.
Thừa nhận cơ chế này có thể dẫn đến những rủi ro như doanh nghiệp khai báo thấp hơn thực tế nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp tài chính, Chủ tịch VCCI cũng nói cách tính thuế, phí dựa trên sản lượng khai thác cũng dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ chú trọng phần tài nguyên có chất lượng cao, vị trí dễ tiếp cận nhằm giảm thiểu chi phí khai thác và tăng lợi nhuận, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Cắt nhỏ các mỏ để chúng thuộc về địa phương
Theo ông Vũ Tiến Lộc, gần đây Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về mặt tài chính liên quan đến đầu tư công thiếu hiệu quả, khủng hoảng ngân hàng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Một số loại nguồn thu trong lĩnh vực khai thác tài nguyên đang được cân nhắc tăng, tuy nhiên giải pháp này chưa đủ để đảm bảo giải quyết các thách thức về tài chính trong thời gian dài hạn.
“Vì vậy cần cân nhắc xây dựng những giải pháp mang tính tổng thể hơn để cải thiện hệ thống quản lý tài chính, giảm rủi ro trốn thuế, thất thu và tăng cao hiệu quả đóng góp từ lĩnh vực khai thác tài nguyên” - ông Lộc nêu rõ.
Ví dụ “trường hợp Mông Cổ” chỉ từ việc gia nhập “sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng” đã thay đổi cơ bản số thu ngân sách, kinh tế tăng trưởng tới 11,7%, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thúc đẩy các thủ tục để Việt Nam sớm gia nhập sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai khoáng. Trong vấn đề quản lý, ông Doanh đề nghị nên xem xét sự phân cấp giữa Trung ương và địa phương từ khâu đánh giá và quản lý tài nguyên.
Theo ông Doanh, hiện có hiện tượng cắt nhỏ các mỏ, sau đó nói là đây thuộc quyền phân cấp của tôi. Vì thế có tỉnh cấp 200 giấy phép mỏ trong khi năng lực quản lý thấp, thu ngân sách không có, thu không đủ nuôi bộ máy nói gì đến kết cấu hạ tầng. Có tỉnh thu ngân sách từ khai thác khoáng sản không đủ chi cho công tác sửa đường khi xe tải nặng phá đường. Khai thác mỏ phải đem lợi ích cho người dân, nhưng chủ yếu là gây ô nhiễm môi trường.