Trả lời đại biểu Quốc hội về việc ngân sách phân bổ cho KH-CN luôn kết dư mà những “hai lúa” làm máy bay, tàu ngầm phải đổ chất xám ra ngoài, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận cơ chế tài chính chưa linh hoạt, vẫn có tình trạng bao cấp trong làm khoa học…
Trực tiếp chất vấn Thủ tướng trên hội trường Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014), Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đặt vấn đề, liên quan đến chính sách thu hút nhân tài, sử dụng nhân lực qua đào tạo trong nước, nước ngoài đạt thành tích xuất sắc, đặc biệt sau đại học như thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra có các nhân tố tự phát, nổi lên từ những “hai lúa” về cơ khí, xây dựng, tàu bay, tàu ngầm.
“Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp đột phá nào cụ thể để trọng dụng và phát huy nguồn nhân lực ấy một cách hiệu quả nhất, hạn chế chảy máu chất xám ra ngoài?” – bà Khá đặt câu hỏi.
Nữ đại biểu Trà Vinh cũng tiếp tục chất vấn về địa chỉ trách nhiệm và biện pháp xử lý khi hàng năm ngân sách nhà nước phân bổ cho lĩnh vực khoa học, công nghệ luôn bị kết dư, không sử dụng hết. Và như Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về đầu tư cho sáng chế, chế tạo của nhóm nhà khoa học, muốn chi mà không chi được.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 19/11/2014.
Trả lời chất vấn của đại biểu bằng văn bản, trước hết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh quan điểm, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được xác định là một đột phá chiến lược.
Chính phủ đã xây dựng và triển khai nhiều cơ chế chính sách, trong đó có nội dung thu hút, trọng dụng nhân tài, đã ban hành các nghị định (số 24/2010/NĐ-CP, số 40/2014/NĐ-CP, số 87/2014/NĐ-CP) quy định về xét tuyển đặc cách không qua thi tuyển vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước đối với những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của các trường đại học có uy tín ở nước ngoài hoặc có kinh nghiệm công tác từ 5 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng.
Đồng thời, nhà nước cũng tạo môi trường, điều kiện thuận lợi (về xuất nhập cảnh và cư trú, tuyển dụng, lao động, học tập, tiền lương, nhà ở, tiếp cận thông tin…) để các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, có thể phát triển tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình; Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình khoa học công nghệ; thực hiện bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã cải tiến hệ thống giải thưởng khoa học công nghệ, danh hiệu vinh dự Nhà nước và có chính sách khen thưởng, tôn vinh đối với những người có đóng góp lớn về khoa học, công nghệ và các tác giả các công trình, sáng chế có giá trị khoa học và thực tiễn.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng nghị định riêng về trọng dụng, đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ; có cơ chế, chính sách ưu đãi để khai thác, sử dụng hiệu quả đội ngũ sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, chuyên gia khoa học công nghệ học tập và làm việc ở nước ngoài; thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Liên quan đến việc không sử dụng hết ngân sách nhà nước phân bổ cho lĩnh vực khoa học công nghệ, Thủ tướng xác nhận thực tế, ngân sách nhà nước phân bổ cho lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ta còn hạn hẹp nhưng một số trường hợp không sử dụng hết kinh phí, nhất là đối với ngân sách địa phương.
Tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ còn chưa phù hợp, chưa gắn kinh phí nghiên cứu với hiệu quả ứng dụng; còn tình trạng bao cấp hoặc làm khoa học để cải thiện đời sống; đặt hàng nghiên cứu khoa học chưa xuất phát từ yêu cầu; định mức chi lạc hậu; giải ngân kinh phí không phù hợp với tiến độ thực hiện; thủ tục thanh quyết toán đề tài, dự án phức tạp.
Thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ.
Theo đó, việc cấp phát kinh phí thông qua hệ thống quỹ phát triển khoa học công nghệ và theo tiến độ; rà soát, hoàn thiện các định mức và hướng dẫn khoán chi. Các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động quyết định các nội dung chi được khoán. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc phê duyệt điều chỉnh nội dung dự toán của nhiệm vụ.
Thủ tướng kết lại phần trả lời chất vấn của đại biểu với nhận định, sẽ từng bước hạn chế tình trạng sử dụng không hết và nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học và công nghệ.