Dự án nâng cấp, cải tạo tỉnh lộ 517 đoạn từ xã Đông Tân (huyện Đông Sơn) đến thị tứ Nưa (xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá) đã được phê duyệt từ năm 2011. Theo đó, tổng số vốn chi cho công trình này là hơn 132 tỉ đồng, chưa tính phần đền bù, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên đến nay nó vẫn là “con đường đau khổ”. Cả đoạn tuyến gần 10km bị cày nát, tan hoang.
Con đường đau khổ đoạn qua thôn Lễ, xã Đông Tân.
Gãy tay, vẹo hông vì đường
Đã gần 4 năm trôi qua, con đường vẫn còn dang dở, nhiều đoạn tuyến mới ở… trên giấy. Suốt dọc tuyến đường chạy qua huyện Đông Sơn, không ai có thể hình dung đây là con đường huyết mạch nối các huyện Đông Sơn, Triệu Sơn… Ngay đầu tuyến, đoạn qua thôn Lê, thôn Lợi của xã Đông Tân, mặt đường bị phá nát. Không thể gọi những nơi mặt đường bị phá nát là “ổ gà” hay “ổ voi” được nữa vì nó quá to và quá khủng khiếp. Chỉ xe tải cao gầm mới đi qua, xe con và xe máy phải dò dẫm lựa đường mà đi.
Theo bà Nguyễn Thị Thuận (thôn Lê, xã Đông Tân): “Nhiều người qua đây đã bị ngã sóng soài, chuyện gãy tay, gãy xương sườn vì con đường này là thường xuyên”. Khi trời mưa, hệ thống thoát nước đã hỏng, cả đoạn đường trắng băng, người đi đường không biết chọn cách đi thế nào. Cứ hễ trời mưa, người dân ở đây lại cử người ra hướng dẫn cho người đi đường khỏi sa xuống hố nằm ngay giữa đường.
Nhiều hộ dân ven đường đến là khốn khổ vì con đường chậm sửa sang này. Họ đã phải tự ý mua đất, vật liệu thải xây dựng về đổ xuống để san lấp nhưng không ăn thua, vì tuyến đường này ngày đêm bị các loại xe quá khổ, quá tải chở cát, đá, quặng hoành hành. Ngay thời điểm PV ghi hình, cũng có hàng đoàn xe quá khổ chạy rầm rầm. Người dân đành bất lực nhìn con đường tan nát.
Đoạn xa hơn, tại xã Đông Yên, mặt đường nham nhở, không có bất kỳ 1 mét nào bằng phẳng. Người dân cũng không biết phải làm gì ngoài việc chờ đợi dự án được triển khai. “Chúng tôi phải sống khổ sở vì con đường này, nắng thì bụi, mưa thì ngập, ra đường chỉ sợ tai nạn, vậy mà trông mãi chả thấy dự án triển khai đâu” - anh Nguyễn Văn Tùng (Yên Thành, Đông Yên) chia sẻ.
Bao giờ mới trả lại tên cho đường?
Theo ông Nguyễn Văn Hải - Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Đông Sơn, sở dĩ xảy ra tồn tại nêu trên là do vướng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. “Nhiều nơi bà con chưa hiểu hết quy định của Nhà nước về giá đền bù nên không chịu giao mặt bằng, huyện phải mất rất nhiều công sức giải thích để người dân hiểu, đồng thuận”. Theo ông Hải, huyện Đông Sơn đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm triển khai dự án.
Ban giải phóng mặt bằng của huyện Đông Sơn đang lúng túng trong việc tính toán đền bù để người dân đồng thuận trả mặt bằng. “Chúng tôi cũng rất sốt ruột, mong có con đường tử tế nhưng việc đền bù phải thoả đáng” - anh Nguyễn Văn Nga (Yên Thành, Đông Yên) nói.
Được biết, liên quan đến đoạn tuyến này, kỹ sư Nguyễn Hữu Quý đã bị Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá ra quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề kỹ sư vì vi phạm trong việc lập dự án.