Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng rất khó hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2015.
“Các nước xung quanh ta có tái cấu trúc hay không mà nền kinh tế của họ lại tốt, tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Tôi tự hỏi và không biết các đồng chí có giúp cho tôi hiểu rõ không và tôi tin rằng chắc chắn họ cũng bị ảnh hưởng về khủng hoảng như ta”. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nêu băn khoăn, thắc mắc trong phiên họp sáng 1-10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về báo cáo kết quả giám sát: Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng.
Vướng đủ thứ
Theo báo cáo của đoàn giám sát UBTVQH, việc đạt được mục tiêu bảo đảm hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế vào năm 2015 là hết sức khó khăn. Bởi đến nay các lĩnh vực tái cơ cấu như đầu tư công, DNNN, ngân hàng vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế.
Đơn cử như việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, trong đó việc xử lý nợ xấu vẫn chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Một số giải pháp tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn mang tính hành chính, giải quyết những vấn đề trước mắt; chuẩn mực và thông lệ quốc tế chưa được áp dụng phổ biến. Hoạt động của Công ty Mua bán nợ VAMC chưa rõ ràng, thiếu cơ chế, nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu. Vì thế, nợ xấu từ đầu năm 2014 có xu hướng tăng lên.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm. Ảnh: CTV
Tương tự, vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng vẫn đang diễn biến phức tạp khi vốn điều lệ lại không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống, gây cản trở đến quá trình tái cơ cấu…
Đối với việc tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kết quả giám sát cho hay là còn chậm, chưa có chuyển biến mang tính đột phá. Chưa xem xét xử lý một số DNNN chần chừ tái cơ cấu để làm gương và tạo áp lực buộc phải đẩy nhanh quá trình này. Công tác kiểm toán, thanh tra còn mang tính kế hoạch hoặc khi có dấu hiệu sai phạm mới thực hiện nên tính phòng ngừa chưa cao, chế tài xử lý chưa đầy đủ. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm, thiếu kịp thời.
Chỉ cho rõ nguyên nhân và trách nhiệm
Nhận định về bản báo cáo trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng đã giám sát thì phải chỉ ra được những vướng mắc và chỉ ra cần phải có những thể chế gì để thực hiện tái cơ cấu thành công.
“Tái cơ cấu ở đây chính là đổi mới mô hình thể chế. Nhưng báo cáo giám sát không thấy, trong khi đó đây lại là cái mà đại biểu QH quan tâm nhất” - ông Quyền nói từ khóa trước các đại biểu QH đã chỉ ra rằng một nền kinh tế bé nhỏ như chúng ta mà cứ ra ngõ gặp ngân hàng. Với tình hình này, chúng ta phải cơ cấu lại như thế nào? “Bây giờ tái cơ cấu rồi thì kết quả thế nào, cái đó phải chỉ ra” - ông Quyền nhấn mạnh.
Theo ông Quyền, thời gian qua đã xảy ra nhiều bất cập của mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước mà điển hình như là Vinashin, Vinalines. Tuy nhiên, cho đến ngày hôm nay hành lang pháp lý cho các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn chỉ là một văn bản thực hiện thí điểm. “Vậy chúng ta tái cơ cấu cái gì quá chậm? Chúng ta đánh giá như thế nào về vấn đề trên?” - ông Quyền đề nghị phải chỉ ra được trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, yếu kém trên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng bày tỏ sự không hài lòng khi thấy bản báo cáo giám sát tái cơ cấu nền kinh tế tương đối giống với báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội. “Tại sao báo cáo giám sát mà chẳng thấy đề cập đến trách nhiệm của các đơn vị? Câu nặng nhất về trách nhiệm trong báo cáo mà tôi thấy chỉ là “chưa quyết tâm cao”” - ông Lý nói và đề nghị phải phân tích thật cụ thể, ví dụ công ty mua bán nợ xấu hoạt động thế nào, thiếu cơ chế gì, tại sao mua 56.000 tỉ đồng nợ xấu nhưng mới bán được có 1.600 tỉ đồng.
Tán thành với các ý kiến trên, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cần phải chỉ rõ trách nhiệm chậm tái cơ cấu của Chính phủ, QH, bộ, ngành và chính quyền địa phương.
THÀNH VĂN
MTTQ được tham gia giám sát hoạt động của Đảng
Cùng ngày, thẩm tra dự án Luật MTTQVN sửa đổi, Ủy ban Pháp luật cho hay qua thảo luận một số ý kiến trong ủy ban cho rằng điểm mới của Hiến pháp vừa được QH khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc “giám sát và phản biện xã hội” đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của Nhân dân”. Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQVN tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng.
Nghiên cứu sớm dỡ bỏ trần lãi suất
Qua giám sát, đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu sớm bỏ trần lãi suất, trần tăng trưởng dư nợ tín dụng mà thông qua các công cụ gián tiếp để can thiệp phù hợp quan hệ cung-cầu thị trường; tách bạch chính sách tín dụng theo định hướng của Nhà nước với chính sách tín dụng thương mại.