Tỉnh Quảng Trị có hàng chục kho thuốc trừ sâu được sử dụng trong thời bao cấp, nay đã bị đập bỏ hoặc hoang phế nhưng tồn dư chất độc còn rất cao. Đáng nói, hầu hết những “kho thuốc độc” này đang nằm trong khu dân cư, thậm chí trong khuôn viên trường học...
Ông Trần Toàn rất lo lắng với kho thuốc trừ sâu hoang phế phía sau nhà mình
Kho thuốc của Hợp tác xã Duy Hòa (xã Triệu Hòa, Triệu Phong) còn 15 kg thuốc Falizan trên bề mặt
Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt danh mục xử lý 52 điểm ô nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tồn đọng quá hạn, cấm sử dụng trên địa bàn, mức độ ô nhiễm phổ biến gấp hàng trăm đến hàng triệu lần mức cho phép, nằm ngay giữa khu dân cư, trường học. Trong đó nghiêm trọng nhất là kho thuốc trong vườn nhà ông Trương Văn Tiếu (khóm 11, thị trấn Bến Quan, H.Vĩnh Linh) và kho thuốc cạnh nhà chị Văn Thị Mỹ Nhung (xã Hải Quy, H.Hải Lăng).
Đáng lo ngại hơn, có nhiều kho thuốc nằm trong khuôn viên hoặc gần các trường mẫu giáo, tiểu học như trong khuôn viên Trường mẫu giáo Gio Sơn (thôn Nam Đông, xã Gio Sơn, H.Gio Linh); trong khuôn viên Trường tiểu học số 2 xã Triệu Long (H.Triệu Phong); gần lớp mẫu giáo thôn Duân Kinh (xã Hải Xuân, H.Hải Lăng), kho thuốc Hợp tác xã Đông Giang 2 (gần Trường mầm non khu phố 6, P.Đông Giang, TP.Đông Hà)...
Có thể bị ung thư,giảm khả năng sinh sản
Ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở TN-MT Quảng Trị, cho biết Sở đã có công văn gửi Tổng cục Môi trường đề nghị đưa 52 điểm ô nhiễm thuốc trừ sâu vào danh mục chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để được cấp vốn xử lý. “Dự kiến kinh phí xử lý các điểm này là khoảng 134 tỉ đồng, chia làm hai giai đoạn, đến năm 2025 mới cơ bản xong”, ông Lợi nói.
Trong khi chờ xử lý, nhiều hộ dân vẫn phải sống quanh những “kho thuốc độc”. Không phải họ không biết sự độc hại, nhưng hoàn cảnh khó khăn nên phải nhắm mắt ở liều.
Ông Phạm Quang Diễm (thôn Phú Ân, xã Hải Thái, H.Gio Linh) kể, một khoảng đất trong vườn cao su của gia đình từng là kho thuốc trừ sâu lớn bậc nhất của Nông trường Cồn Tiên (từ năm 1985 đến 1990). Sau khi bỏ hoang, lượng thuốc tồn dư rất lớn, với đủ chủng loại như 666, Wonfatox, Basudin, Falizan, DDT... “Năm 2003, tôi ủi phá kho, đẩy số thuốc ra vùng đất trũng cách đó 50 m. Vậy mà đến bây giờ, mỗi khi thời tiết thay đổi, mùi hôi của thuốc trừ sâu vẫn bốc lên nồng nặc”, ông Diễn nói.
Ngôi nhà của ông Trần Toàn (thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, H.Triệu Phong) cũng nằm kề bên kho thuốc trừ sâu của Hợp tác xã Bắc Độ (kho tồn tại từ năm 1978 đến 1985). Sau khi ngừng hoạt động, thấy trong kho còn khoảng 300 kg thuốc các loại như DDT, 666, 2,4-D, Vonfatoc… ông Toàn đem đi chôn cách giếng nước của gia đình chỉ hơn 10 m. Đáng nói, đây là khu vực thường xuyên bị lụt, thuốc theo nước sẽ lan rộng ra, thậm chí ngấm vào giếng nước của gia đình. “Đời tôi thì lỡ rồi, chỉ thương mấy đứa nhỏ, không biết sau này có bị ảnh hưởng chi không”, ông Toàn lo lắng. Bản thân ông từng là kỹ thuật viên pha chế thuốc trừ sâu và bị tắc mạch máu, phải cắt một chân vì tiếp xúc quá nhiều với thuốc nên ông càng hiểu mối nguy hại này.
Theo thạc sĩ - bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, thuốc bảo vệ thực vật tồn tại vài chục năm là bình thường và vẫn gây hại cho con người. Những người dân phải tiếp xúc thường xuyên, từ từ với những loại thuốc độc này sẽ bị những bệnh mãn tính, ảnh hưởng khả năng sinh sản (nam thì giảm chất lượng tinh trùng, nữ thì gây sinh non, sẩy thai...). Thậm chí, độc tố cũng có thể truyền từ mẹ sang con ngay lúc trong bụng mẹ làm cho trẻ kém phát triển, biến chứng độn giáp (chứng ngu độn).
Ngoài ra, người tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu thường bị các bệnh thần kinh, bệnh hô hấp, đái tháo đường. Y học thế giới cũng cho rằng thuốc trừ sâu có thể là một tác nhân gây nên bệnh ung thư, chủ yếu là gan và tụy.
Theo: Bài, ảnh: Nguyễn Phúc - TNO