Liên quan đến kế hoạch chặt hạ, trồng thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố ở Hà Nội, và bức thư ngỏ ông Trần Đăng Tuấn gửi Chủ tịch TP Hà Nội, một số nhà thơ, nhà văn, nhà báo đã chia sẻ ý kiến về những “phố thâm nghiêm rợp bóng cây” của Thủ đô.
Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc - nguyên PTGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam: Bao giờ lấy lại được màu xanh?
Hà Nội tuyệt đẹp dưới những tán cây xanh. (Ảnh: P.H)
Mình không sinh ra ở Hà Nội nhưng mình sống ở Hà Nội từ khi học lớp 1 ở Trường Lê Ngọc Hân phố Lò Đúc. Phố Lò Đúc có hai hàng cây sao có lẽ tồn tại cũng hàng trăm năm. Mình nhớ là hồi ấy đi học dưới hàng cây sao, mình có cảm giác không có ánh nắng lọt xuống đường. Nghe nói nhiều chú cò đã về hàng cây sao làm tổ.
Rồi khi học ở trường Nguyễn Công Trứ phố Cửa Bắc, nhà ở Thuỵ Khuê nên ngày nào mình cũng đi bộ trên con đường rợp cây xanh phố Phan Đình Phùng. Nhiều cây sấu trên con phố này đã cho mình hiểu thế nào là vị thơm ngon của những quả sấu chín rụng đầy trong những ngày hè...
Còn bao con đường khác làm nên một Hà Nội xanh…
Hôm thứ hai vừa rồi, mình có việc đi trên đường Nguyễn Chí Thanh, bỗng thấy bao cây xanh bị chặt đổ, và thay vào đấy là những cây khẳng khiu, cao vút. Và mấy hôm nay đọc trên báo, nghe đài, xem truyền hình, lướt mạng... biết thông tin Hà Nội chặt vài nghìn cây, thay cây mới. Rồi đọc bao thông tin khác, thấy rất nhiều phản ứng của dư luận không đồng tình với việc Hà Nội chặt cây xanh.
Đành rằng, có thể có những cây cần chặt để đảm bảo an toàn cho người dân trước mùa mưa bão. Nhưng có cần thiết không khi đốn hạ hàng ngàn cây xanh như thế? Đến bao giờ Hà Nội mới lấy lại được màu xanh làm nên thương hiệu “Hà Nội xanh” đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ, đi vào bao kỷ niệm trong cuộc đời của rất nhiều người!
Bao nhiêu việc khác Hà Nội cần làm như giao thông lộn xộn, sự nhếch nhác của đô thị, sự lấn chiếm vỉa hè vô tội vạ... sao chưa thấy Hà Nội vào cuộc, mà sao lại vội vàng chặt hàng ngàn cây xanh trước sự khó hiểu, khó chấp nhận của dư luận?
Hàng cây xà cừ trên đường Láng bị chặt hạ để phục vụ công trình đường sắt trên cao. (Ảnh: Nguyễn Dương)
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Không thể ngủ!
Các bạn ơi, sáng mai mình phải dậy sớm để đi chùa Ba Vàng - Quảng Ninh, nhưng bây giờ không sao ngủ được dù mình thường ngủ rất ngon. Tối qua đọc trên mạng, và mấy hôm nay đi trên đường, thấy cây bị chặt ngổn ngang mà “lòng đau như cắt - nước mắt đầm đìa”.
Thì ra bài Nỗi đau giữa đường cách đây khoảng 2 tháng của mình trên Facebook nói về việc chặt cây Muồng đen trên đường Giảng Võ để thay bằng một loại cây cùng họ (!) - được hơn 500 bạn like và comments - đã không hề có tác động gì đến những người chủ trương chặt cây!
Nhà báo Trần Đăng Tuấn - tác giả của chương trình “Bữa cơm có thịt” - đã viết thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đề nghị tạm dừng việc chặt cây và xem xét lại.
Dù ông Nguyễn Thế Thảo đã ra lệnh ngừng chặt cây, song cái cớ cây mục ruỗng, nghiêng ngả nguy hiểm vẫn cứ được nêu ra để bênh vực cho việc đã và sẽ chặt hàng loạt cây trên toàn bộ các đường Nguyễn Trãi, Trần Phú và bao con đường khác!
Mình bà già, nhưng mình phản đối việc thay cây trong thành phố mà không xem xét từng cây một, xoẹt một phát, chặt toàn bộ cây trên những con đường cổ kính, mình sẵn sàng gặp lãnh đạo thành phố Hà Nội để nói rõ thêm những điều mình nghe mình thấy.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ: Cây có linh hồn. Cây khắc dấu kỷ niệm...
Những hàng cây gắn với bốn mùa đi qua của người Hà Nội.
Mùa xuân, chồi biếc đâm nhú xanh non như những nốt nhạc.
Mùa hè, bóng lá tỏa râm che mát khách mệt dừng chân.
Mùa thu, lá chuyển vàng
Và mùa đông lá rụng rải thảm khắp những con đường.
Có những hàng cây hoa nở thơm dài nhiều con phố khiến người đi xa nhớ quay quắt. Nỗi nhớ nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc.
Cây có linh hồn. Cây khắc dấu kỷ niệm...
Chặt cây, phố phường thành trơ trụi như người khỏa thân vô duyên.
Chắc chắn, khi dư luận phẫn nộ và lên tiếng, sẽ có những giải đáp để xoa dịu. Chắc chắn rồi dư luận cũng dần lắng xuống bởi người dân đã quá mệt mỏi vì kế sinh nhai và buộc phải cam chịu, ngấm ngầm nuốt thở dài mà sống, chẳng ai lại đi chết hay bỏ kiếm sống vì những hàng cây bị chặt.
Nhưng có một điều cũng chắc chắn, nếu chính quyền cứ hành xử thô bạo và vô cảm với dân trước, giải thích sau và nghĩ: rồi sẽ hòa cả làng thì sai đấy. Dân cam chịu và lòng dân sẽ nguội vì dân không có sự lựa chọn khác. Mà cũng không biết trước là đến khi nào, chính quyền lại rất cần dân để dân đồng lòng như nước cuốn ở những ngày chưa xa, trước nhiều cuộc chiến mà không có dân thì mất nước lâu rồi!
Theo: Dân trí