ĐBSCL đang vào mùa mưa, nước ngoài đồng dâng cao khiến rắn bò vào vườn, vào nhà, thậm chí vào tận giường ngủ cắn người. Riêng bệnh viện 121 Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã cấp cứu và điều trị cho hơn 350 người bị rắn cắn.
Bị rắn cắn khi đang ngủ
Nạn nhân mới nhất của rắn lục đuôi đỏ là hai sinh viên trường Đại học Cần Thơ, em T.X T. 20 tuổi, sinh viên năm thứ hai khoa Sư phạm và em N.T. V, 21 tuổi, sinh viên năm thứ ba khoa Công nghệ thông tin. Cả hai em đều nhập viện vào khoảng 21 giờ ngày 27/9 trong tình trạng bị rắn cắn ở bàn chân, mạch nhanh, đau nhức nhiều.
Một trong những con rắn đã tấn công người, bị đập chết và được đưa đến để bác sĩ xem
Em T.X.T. kể lại, khoảng 20h ngày 27/9, sau khi đi học nhóm tại nhà học C1 Đại học Cần Thơ xong, T. cùng nhóm bạn ra nhà xe để về thì bị con rắn lục đuôi đỏ tấn công vào chân. T. la lên thì các bạn đi cùng nhìn thấy con rắn nên đuổi theo nhưng không đập được. Sau đó T. được bạn chở đến bệnh viện 121 cấp cứu.
Vào thời điểm trên, em N.T.V. cùng nhóm bạn đi bộ từ sân tập võ về khu KTX Cà Mau nằm trong khuôn viên trường Đại học Cần Thơ cũng bất ngờ bị một con rắn lục to hơn ngón chân cái lao ra từ đám cỏ bên đường cắn vào chân. Ngay lập tức nhóm bạn của V. đập chết con rắn và chở V. đi tới bệnh viện cấp cứu.
Trước đó, đêm 6/9, bệnh nhi Tăng Hữu Hưng, 11 tuổi, ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, Bình Thủy, TP Cần Thơ, bị rắn lục đuôi đỏ tấn công khi đang ngủ. Hưng nhập viện nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng sưng nề bàn tay, do rắn cắn ở mu bàn tay, sau đó lan khắp cánh tay do bị rối loạn đông máu nặng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ bị rắn cắn, sau 2 lần truyền huyết thanh để kháng nọc rắn, sức khỏe của cháu Hưng mới tạm ổn.
Cháu Tăng Hữu Hưng bị rắn tấn công khi đang ngủ trong nhà
Chị Nguyễn Thu Ba (mẹ Hưng) nói: “Khoảng 22h đêm 6/9, Hưng vào mùng ngủ được khoảng 30 phút. Lúc đó Hưng cựa quậy, quơ bàn tay lên và không ngờ trúng ngay con rắn lục đuôi đỏ đang nằm kế bên gối. Hưng bị con con rắn lục tấn công, cắn ngay vào mu bàn tay".
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn nếu không đưa đến bệnh viện sớm sẽ bị rối loạn đông máu nặng dẫn đến xuất huyết não, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, trường hợp cháu Hưng đã được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời, hiện tại sức khỏe cháu ổn định và đã chuyển sang khoa nội tổng hợp điều trị tiếp.
Chưa rõ nguyên nhân vì sao rắn xuất hiện nhiều
Bác sĩ Hoàng Xuân Thục - nguyên trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện quân y 121 - cho biết: "Mấy năm trước, chúng tôi thường gặp rắn hổ và các loại rắn khác. Nhưng từ khoảng năm 2012 đến nay, rắn lục đuôi đỏ chiếm phần lớn. Vì vậy trong đề tài nghiên cứu điều trị rắn cắn mới đây, chúng tôi có riêng đề tài nghiên cứu về điều trị cho bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn".
Cũng theo bác sĩ Thục, trong 100 trường hợp bị rắn lục cắn được nghiên cứu năm 2013 tại bệnh viện, có 63 trường hợp do rắn lục đuôi đỏ cắn. Các nạn nhân sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường rất đau đớn, vết cắn sưng nề, chảy máy không cầm, có tình trạng xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa, có các triệu chứng nôn, đau bụng... Có thể bị hoại tử các chỗ bị rắn cắn, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời. Tuy nhiên trong khuôn khổ nghiên cứu, các bác sĩ chỉ phân tích triệu chứng và phương pháp điều trị. Còn nguyên nhân vì sao loại rắn này gần đây gặp nhiều và tấn công nhiều người dân hơn thì chưa rõ.
Tay chân bị sưng phù, hoại tử do rắn cắn (ảnh bác sĩ Hoàng Xuân Thục cung cấp)
Còn dược sĩ Nguyễn Danh Sinh (nguyên Giám đốc Trung tâm nuôi trồng và chế biến dược liệu Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) cho biết, rắn lục sinh sôi nảy nở chủ yếu trong môi trường tự nhiên, đây là loài rắn đẻ con chứ không đẻ trứng, thường đi tìm mồi vào ban đêm, mồi của chúng thường là các loại côn trùng, ếch nhái, chuột, thằn lằn…
Còn theo đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu sinh lý sinh thái của rắn, các biện pháp phòng và điều trị rắn độc cắn” của Trại rắn Đồng Tâm có đoạn viết: rắn lục miền Nam thường đẻ con vào tháng 10 (thời kỳ ĐBSCL vào mùa nước lên), một con rắn lục cái đẻ từ 10-18 con, chúng móc mình trên cây đẻ cho rắn con rơi xuống, sau đó bò lên cây và bắt đầu cuộc sống độc lập.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, do rắn lục đuôi đỏ người dân không bắt ăn như các loại khác, cộng thêm việc trước đây có thời gian rộ tin đồn rắn này chữa được ung thư nên họ bắt, nuôi để bán, sau đó thấy không có tác dụng nên thả ra, từ đó rắn sinh sôi nảy nở nhiều.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chiếm - Phó Giám đốc bệnh viện Quân y 121 - từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 354 ca nhập viện do bị rắn cắn, trong đó bị rắn lục đuôi đỏ cắn 345 ca, rắn hổ 9 ca. Rất may các ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn đều đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Còn theo Trung tâm nuôi trồng chế biến dược liệu Quân khu 9, mỗi năm trung tâm này tiếp nhận cấp cứu điều trị từ 500-600 ca rắn cắn, nhưng nguyên nhân vì sao thời gian gần đây rắn xuất hiện nhiều và liên tục cắn người thì chưa rõ.
Từ đâu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận và điều cho hơn 60 nạn nhân bị rắn cắn, trong đó hơn 90% số ca là do rắn lục đuôi đỏ cắn. Còn Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ từ đầu năm đến nay cũng điều trị gần cả trăm ca rắn cắn.