Ngày nay có một nghề chẳng cần phải qua trường lớp chính quy nào mà vẫn rầm rộ, phát triển. Nghề này nở rộ nhất vào đầu năm mới và tháng cuối năm khi nhà nhà đi lễ tạ. Gọi cho sang là nghề thầy cúng, giờ biến tướng còn có tên gọi khác là nghề khấn thuê. Nghề khấn thuê không giới hạn độ tuổi, cấp bậc. Bà lão nông nhàn hay người phụ nữ đang thất nghiệp, mà chỉ cần khéo ăn, khéo nói, thuộc lòng vài ba trang giấy là có thể hành nghề kiếm cơm. Đàn ông có chút hiểu biết phong thủy, tướng số, cũng khăn đóng áo dài làm nghề khấn thuê. 1.001 kiểu khấn kiếm tiền thiên hạ.
Nằm bên bờ sông Hồng lộng gió, ngôi đền thờ Mẫu tấp nập khách ra vào những ngày đầu năm. Ngay tại chính điện trung cung, ban thờ hoa thơm bừng nở, hương khói nghi ngút, dưới phản là người đàn bà mặc áo hoa tối màu, tóc búi cao, đôi mắt mở trừng trừng, tay cầm đĩa xin đài âm dương.
Sát sau bà là hai vợ chồng khoảng ngoài 30 tuổi đang quỳ lạy, chắp tay cung kính. Người đàn bà nói oang oang như thể nơi linh thiêng tôn nghiêm lại là chốn riêng của bà, sau khi lạy đầy đủ các thánh thần thì bà nói: "Con tâu thay khấn đỡ cho vợ chồng tín chủ….", nói đến đấy bà nhìn vào giấy đọc tên hai vợ chồng rồi lại tiếp tục bài khấn.
Bà tung đài âm dương, kêu xoẻng một cái, bà vẫn mở đôi mắt trừng trừng đen xì vì màu bút chì kẻ vẽ nhìn vào đĩa rồi bảo: "Đấy, Mẫu thương cho rồi nhé, giờ thì tạ Mẫu đi”. Bà tiếp tục lục trong túi một bộ bài tây rồi đưa cho anh chồng: "Trai tráo bảy. Gái tráo chín cái".
Người chồng xem bộ thành kính sau khi tráo bộ bài đưa cho người đàn bà. Bà ta trải bộ bài ra chiếu rồi phán đủ thứ về anh chồng. Xong anh chồng thì đến chị vợ. Cũng tráo, cũng phán.
Xong xuôi bà bảo: "Mẫu bảo phải lễ Mẫu thì giải được cái hạn này không thì năm nay mất người mất của. Còn lễ thì Mẫu cho thêm người thêm của…".
Sau khi được hỏi lễ bao nhiêu, thì bà nói tốn 2 triệu rưỡi. Bà sẽ lo cho đầy đủ chay mặn hoa quả không thiếu thứ gì. Chỉ bỏ ra 2 triệu rưỡi mà hai vợ chồng hiếm muộn lại thêm người thêm của thì ai chả ham, tất nhiên họ vội vàng gật đầu đồng ý. Rồi bà mở sổ xem ngày giờ cho hai vợ chồng để đặt lịch lễ.
Thầy cúng khấn thuê ở Phủ Bóng.
Chứng kiến toàn bộ cảnh đó, cô bạn đi cùng quay sang nói với tôi: "Tò mò quá nhở, xem tí cho vui không?". Tôi buông gọn lỏn một câu: "Tùy cậu".
Thế là nhanh như cắt bạn tôi tháo giày lên sập ngồi cạnh bà: "Cô xem cho con với ạ". Người đàn bà lại mở đôi mắt trừng trừng nhìn chằm chằm bạn tôi rồi với tay lấy đĩa âm dương, mắt hướng lên ban Mẫu.
Vẫn bài khấn quen thuộc, hỏi tuổi, hỏi địa chỉ bạn tôi, rồi tung đài xin âm dương. "Đấy! Được rồi nhé", bà bảo. Rồi đưa cho bạn tôi bộ bài tây dặn phải tráo 9 cái. Xem chừng bạn tôi cũng hồi hộp.
Sau khi nhận bộ bài từ tay bạn tôi bà lại trải ra chiếu, phán. Rằng số bạn tôi lẽ ra được sướng nhưng vì có tâm mà không biết lễ bái kêu cầu nên nay nhiều vận hạn cần phải hóa giải không thì gặp họa chứ chưa được hưởng phúc.
Bà bảo chồng bạn tôi có số đào hoa, ở đâu cũng có gái theo, lại dăm bảy đứa, nếu không kêu cầu đúng cửa cô cửa cậu, cửa chầu, cửa mẫu thì mất chồng vào tay đứa khác như chơi. Bạn tôi mặt tái dại bảo: "Lạy cô, cô nói đúng quá ạ".
Người đàn bà lại mở đôi mắt trừng trừng, đằng hắng: "Không phải tôi nói, tôi biết gì mà nói. Đây là Mẫu chỉ dẫn để cho chúng con người trần mắt thịt biết đường mà đi, biết lối mà tránh. Biết về đúng cửa Mẫu kêu cầu lễ bái thì Mẫu cho lộc rơi lộc vãi, cửa nhà đầy kho, kim xuyến tiền vàng ngân lượng…".
Nói rồi, người đàn bà giở sổ, trong sổ thấy ghi thứ tự danh sách của nhiều người: "Đây, nói có sách mách có chứng. Vừa mới năm ngoái lễ cho hai vợ chồng nhà cái anh này chồng được thăng quan tiến chức. Vợ thì thẩm mỹ thành công. Còn hai anh chị nhà ở Mỹ Đình thì nhà đấy chỉ o ước có ôtô, làm lễ Mẫu nhờ chị khấn xong mấy tháng sau là mua được ôtô liền đến cảm ơn lễ tạ. Cô cậu nào lớn tuổi cao số chưa lập được gia đình nhờ chị khấn cho là trai lấy được vợ hiền, gái lấy được chồng sang trọng danh giá".
Có cậu thanh niên gần đấy nghe thấy thế liền bảo: "Thế cô có cúng cho cháu yêu hotgirl được không?". Người đàn bà hỏi: "Hotgirl là cái giống gì?" Mọi người đáp đấy là người đẹp ấy ạ. Người đàn bà bĩu môi bảo: "Gớm, xấu đẹp gì cứ lòng thành là Mẫu chứng tâm cho tất. Mẫu mà thương Mẫu cho cậu người đẹp da trắng nõn trắng nà, mặt tươi như hoa, đôi tay ngà ngọc, nhan sắc lộng lẫy như tiên giáng trần…".
Người đàn bà trải lòng bà chỉ đi làm phúc, nghĩa là chỉ thu tiền làm lễ khấn hộ. Gia đình nào hiếm muộn đường con cái bà lễ cho bằng có. Đàn ông thì thăng quan tiến chức, thêm tài đắc lộc, người nào cho vay tiền không đòi được thì bà khấn cho kẻ thiếu nợ phải tự động mang tiền đến trả, ai làm bất động sản bà khấn cho mua may bán đắt, người nào bệnh tật ốm đau thì bà lễ cho bách bệnh tiêu tạn, vạn bệnh tiêu trừ…
Bà bảo bệnh nào cũng có thuốc chữa. Trọng bệnh đã có thuốc tiên chứ lo gì. Bà cúng hộ là tạo duyên làm phúc. Nói một hồi xong bà bảo bạn tôi muốn làm lễ giữ chồng thì hết 2 triệu rưỡi. Bạn tôi đưa trước cho bà 1 triệu đồng, hẹn sang tuần bà làm lễ sẽ đưa nốt số còn lại.
Thầy cúng khấn thuê ở Phủ Dầy, Nam Định.
Đến hẹn lại lên, chúng tôi sang đền cửa Mẫu. Vào ban lễ Mẫu, lễ của người đàn bà khấn thuê với giá tiền 2 triệu rưỡi gồm một lễ mặn và hai hình nhân thế mạng be bé, vài thếp tiền vàng. Đĩa hoa quả chỉ duy nhất có một cân mận. Gọi là lễ mặn chứ tùng tiệm có rặt một chiếc bánh chưng và khoanh giò mỏng, dăm quả trứng, đĩa muối gạo.
Bạn tôi nhìn lễ thoáng cau mày nói với tôi: "Lễ này giỏi lắm chỉ hơn 300 nghìn. Tham gì mà tham thế".
Bà khấn vái qua quýt dăm ba câu rồi gọi một đệ tử bảo mang vàng tiền giấy sớ của bạn tôi đi hóa. Bà bảo, bánh chưng với giò thì bạn tôi mang về, còn đĩa mận không được ăn bà đưa đệ tử bảo thả trôi sông cho trôi hết vận xui, vận rủi.
Làm lễ cho bạn tôi khoảng 20 phút xong bà lại bỏ khay đĩa khác lại cũng là bánh chưng khoanh giò. Bà bảo hôm nay đẹp ngày nên làm lễ giải vận hạn cho mấy nhà.
Một ngày đẹp trời như hôm nay bà làm 4 cái lễ giải hạn vị chi các tín chủ phải chi ra 10 triệu. Ước tính số tiền mua lễ khoảng 1 triệu rưỡi đến 2 triệu, bà sẽ có hơn 8 triệu đút túi. Buôn thần bán thánh chẳng phải đây thì là đâu.
Tôi an ủi bạn mình: "Ai làm người nấy hưởng. Tam bảo Như Lai, phúc ai nấy hưởng, mình cứ thành tâm kính bái, chứ đến cửa đền, cửa mẫu mà ăn gian nói dối, trí trá gian manh ngay cả với thánh thần thì thần thánh cũng vật chết".
Bên các ban khác: Sơn Trang, Công Đồng, Trần Triều hôm nay đông thầy đến cúng thuê cho nhiều người. Chúng tôi ở trong cung Mẫu nghe tiếng ồn ào ngoài sân đền. Thì ra hai thầy cúng, một nam một nữ đang tranh khách của nhau. Đúng là thầy có khác, khấn dẻo nên chửi càng dẻo hơn.
Bà ngồi trong cung Mẫu nhòm ra nhìn đồng nghiệp buông ngay một câu vừa đủ cho chúng tôi nghe thấy: "Thầy bà gì chúng. Cãi chửi nhau để tranh cướp miếng ăn. Bọn này chửi thế ăn thua gì còn mắt trước mắt sau lấy cắp cả tiền đặt lễ ấy chứ, ở đền này mất suốt rồi". Chốn linh thiêng uy nghiêm trong đền bị mấy người thầy cúng cãi nhau chí chóe phá hỏng.
Sau khi lễ hết các ban trong đền chúng tôi ra đến cửa đền thì thấy đệ tử của bà, đang phồng mồm nhai rau ráu quả mận, tay cầm túi mận thấy chúng tôi có vẻ bẽn lẽn xấu hổ nói đỡ ngượng, rằng chị đang định xuống dưới bến quẳng mận xuống sông.
Bạn tôi chột dạ bảo: "Không hiểu mấy người này có mang tiền vàng hình nhân của mình đi hóa không hay lại mang ra giấu một chỗ rồi lát mang vào cúng tiếp?". Chuyện đó cũng dễ xảy ra, cứ nhìn thấy cái túi mận cắn dở trên tay chị đệ tử là biết ngay sự việc thế nào.
Đầu năm đi lễ Bia Bà ở Hà Đông, nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15 km. Sau lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nơi đây được trùng tu tôn tạo chùa, đền, đình thành một quần thể khang trang bề thế.
Bia Bà là một di tích nổi tiếng, nơi thờ Mạc Triều Đông Cung Hoàng hậu và Nhị vị vương cô, được truyền tụng lâu đời về sự linh ứng mầu nhiệm.
Ở đây, khách thập phương đến lễ bái rất đông. Trong bia có rất nhiều cụ bà tuổi từ 60 đến 80 làm nghề khấn thuê. Mỗi cụ có một cái ghế nhựa để sát ngay cạnh phản đặt lễ và có một cái đĩa bằng sành sứ và 2 đồng âm dương tung lên để xin quẻ.
Mỗi lần cúng thuê đặt tiền vào đĩa âm dương của cụ chủ yếu là do khách tùy tâm. Mất khoảng 5 phút vừa khấn vừa tung quẻ thì khách đa phần đặt 20 nghìn đồng, thi thoảng cũng có khách chỉ đặt 10 nghìn đồng. Khách sang, khách xịn rút ví dâng 100 - 200 nghìn đồng.
Bài khấn thì đứa trẻ con học chắc chỉ chưa đến một buổi là đã làu làu. Các cụ đọc giống hệt nhau, chỉ thay tên, đổi họ tín chủ đến lễ. Có cụ đắt khách, hết vị tín chủ này lại có ngay vị tín chủ khác. Có cụ ngồi cả buổi mới chào mời được một, hai khách thập phương.
Khách bê lễ hương xôi, oản, quả vừa đặt lên ban đã nghe một cụ già bảo cháu có cần khấn không. "Dạ, cảm ơn cụ, cháu tự khấn được ạ". Cụ lại ra mời người khác, cụ bảo: "Ai không biết khấn để cụ khấn cho có bài bản".
Thầy cúng khấn thuê tại ban Tam vị công đồng Đền Trần, Nam Định.
Khấn thuê diễn ra ở khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, ở khắp các di tích tâm linh. Ở đâu càng đông khách thập phương đến lễ thì ở đó càng lắm người hành nghề thầy cúng.
Trước đây thầy cúng không nhiều, bây giờ đội quân đấy quá đông. Ngày 14 Âm lịch đi Phủ Dầy, Nam Định, các thầy cúng thập phương đến lễ bái mỗi người một vẻ, có nam, nữ, già, trẻ…"chiếm lĩnh" các ban từ công đồng hội đồng các quan, ban công đồng tứ phủ hay ban tam tòa đức thánh mẫu.
Người làm nghề thầy cúng, khấn thuê mặc đơn giản, người khăn xếp áo dài the. Đặc điểm là trên tay tiền vàng lá sớ của con nhang đệ tử, khấn thời gian rõ lâu, rõ nhiều như vậy cũng không sao nhưng họ khấn rất to lấn át hết cả người khác. Vì họ khấn không chỉ để cho thánh thần nghe mà còn cho con nhang đệ tử nghe nên không thể nói khẽ được.
Người giọng oang oang, người giọng the thé, người giọng trầm, người giọng thanh, bất kể giọng nào nhưng vô-lum mở hết công suất khiến người lễ gần đấy ít nhiều bị phân tâm. Đã thế, nhiều thầy lại thích chứng minh bài khấn của mình hay hơn người nên càng hô to, nói lớn, thế nên trong không gian chật hẹp uy nghiêm lại càng ồn ã hơn.
Có thầy chỉ đi với một gia đình từ xa đến để cúng thuê. Có thầy đi cùng với cả dăm bảy gia đình, hàng chục gia đình. Thầy ngồi phía trước, con nhang đệ tử quỳ phía sau. Thầy đọc làu làu như học sinh trả bài cho hết cả chồng sớ dày rồi sai đệ tử mang đi hóa.
Trước nay, người ta vẫn quan niệm đến cửa chùa để thấy lòng thanh thản bình an, còn đi xin lên quan, lên chức, thêm lộc đắc tài, xin thêm con cháu đầy đàn thì xin ở cửa mẫu, cửa thánh. Các thầy cúng tùy gia chủ muốn cầu điều gì thì đứng ở cung đấy.
Trước đây, từ thời xưa đã có thầy cúng. Thầy cúng là người biết cúng một cách bài bản, là cầu dẫn người trần đến với thế giới tâm linh. Nhưng xem ra ngày nay biến tướng thành một nghề mà trong số họ không ít người lợi dụng lòng tin của mọi người để trục lợi cá nhân với hình thức buôn thần bán thánh.
Họ học chút ít về phong thủy, biết tí tẹo về tướng số, học thuộc lòng các bài khấn cho thêm phần trang trọng, bằng đấy vốn liếng họ tung hoành ngang dọc khắp các phủ to chùa lớn.
Đến nơi tâm linh, khách thập phương lễ bái chỉ cần có lòng chí thành và tâm hướng thiện là đã chạm vào ngưỡng cửa giao hòa con người và thần linh.
Theo: Mỹ Trân - CAND