Hơn 300 người dân ở khóm 7 (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) sống khổ sở trong tình trạng ẩm thấp, ô nhiễm do bị ngập nước nhiều năm nay.
Người dân ở khóm 7 khốn khổ vì ngập nước. Nhưng chính quyền không tìm cách tháo gỡ mà quyết dẫn thêm mương nước về.
Thế nhưng, chính quyền không quan tâm xử lý mà lại nhất quyết dẫn thêm nước về, mặc người dân bày tỏ ý kiến không đồng tình.
Dẫn thêm nước về, sẽ ngập nặng
Khóm 7 là vùng thấp trũng, được xem như rốn nước của cả vùng nên hai con mương lớn ở khóm lúc nào cũng có nước. Thế nhưng, do không được đầu tư nên cả hai mương đều bị tắc dẫn đến cảnh người dân như sống ở vùng… sông nước. Mỗi khi trời mưa, bao nhiêu thứ rác rưởi đều dồn dập đổ về đây, nước ứ động tạo thành hồ gây ô nhiễm. Trong năm 2013, 2014 đã có 3 người dân ở cạnh các hồ nước động này mắc bệnh ung thư.
Dân kêu trời suốt nhiều năm, nhưng chẳng ai đoái hoài tìm cách xử lý. Ông Nguyễn Văn Hảo – Chủ tịch thị trấn Hồ Xá nói rằng đã tiến hành khảo sát nhưng đến bây giờ vẫn chưa có hướng giải quyết. Có lần, nghe dân than phiền và ý kiến suốt, lãnh đạo thị trấn Hồ Xá phải thốt lên: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Nhưng, người dân làm sao đủ sức khơi cả một con mương lớn dài hơn 500 mét để tự cứu mình.
Trong lúc đó, UBND huyện Vĩnh Linh đang thực hiện công trình xây dựng Block vỉa hè, rãnh thoát nước đường Trần Phú và đường Trần Hưng Đạo với tổng mức đầu tư gần 18 tỷ đồng. Nhưng để rãnh thoát nước đường Trần Phú có thể thoát nước, UBND huyện Vĩnh Linh kết luận rằng chỉ có cách làm cống dẫn nước đổ về khóm 7. Nghe thế, dân khóm 7 rụng rời, kiên quyết nói không với việc này. Ông Nguyễn Xuân Hưởng – Trưởng ban mặt trận khu dân cư khóm 7 cho biết: “Người dân ở đây không đồng ý chủ trương là vì có sẵn hai mương nước, lúc nào cũng ngập và ô nhiễm. Nếu thêm một cống dẫn nước đổ về đây nữa thì sợ sẽ lụt mất”.
Chính quyền áp đặt
Ông Quách Văn Cừ (trú tại khóm 7, thị trấn Hồ Xá) nói rằng chính quyền đã tổ chức 3 phiên họp để lấy ý kiến, nhưng người dân không đồng ý. “Khóm 7 không phải là hồ chứa nước của thị trấn. Chính quyền không thể áp đặt việc này” – ông Cừ nói.
Ngày 11.11, UBND huyện Vĩnh Linh đã có thông báo kết luận của ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Linh. Kết luận khẳng định việc xây dựng rãnh thoát nước thuộc công trình trên là việc làm cấp bách nhằm giải quyết ngập úng nhiều đoạn trên đường Trần Phú khi có mưa và làm sạch sẽ, khang trang đô thị. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công đúng tiến độ, UBND huyện giao thị trấn Hồ Xá tuyên truyền, giải thích cho các hộ dân hiểu. Thế nhưng, kết luận chẳng đoái hoài đến việc nước đổ về theo cống sẽ chảy về đâu.
Xuất phát từ việc ngập úng ở đoạn ngã tư đường Trần Phú giao với đường Hùng Vương mỗi khi trời mưa, năm 2012 thị trấn Hồ Xá đã đầu tư gần 400 triệu đồng để làm rãnh thoát nước. Tiền đã bỏ ra, công trình hoàn thành đã 2 năm nhưng không thoát được nước vì lý do khó chấp nhận rằng “có rãnh nhưng không có cống thoát”. Gần 400 triệu của Nhà nước nằm vô duyên vô nợ trong sự xót xa của người dân. Thì nay, thêm một rãnh thoát nước nữa được dựng lên để làm “sạch sẽ, khang trang đô thị”. Tránh lặp lại vết xe đổ của rãnh thoát nước trăm triệu trước kia, rãnh này có cống thoát nước (chưa nói đến việc rãnh và cống có thoát được nước thật sự hay không, vì theo người dân rãnh làm sâu đến 1,2 mét thì cống không thể dẫn nước được), nhưng nước lại đổ về vùng ngập nước thì người dân ở đây sẽ lãnh đủ.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (trú tại khóm 7) ở vị trí cuối đường cống tới đây sẽ thi công, ông chua chát: “Mỗi lần nước lên là ngập ngang ngực. Chính quyền không quan tâm khơi thông dòng chảy ở đây thì chớ. Còn đòi dẫn thêm nước về đây thì làm sao chúng tôi sống được”.
Trao đổi về vấn đề này, anh Lê Anh Minh – Giám đốc Ban quản lý dự án và đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Linh cho biết việc xây dựng Block vỉa hè, rãnh thoát nước đường Trần Phú và đường Trần Hưng Đạo nhằm chỉnh trang đô thị, tránh tình trạng ngập úng ở đường Trần Phú mỗi khi trời mưa. Tránh ngập úng ở một đoạn đường và chỉnh trang đô thị, nhưng vô tình lại dẫn nước về ở vùng ngập nước bấy lâu nay liệu có ổn – phóng viên đặt câu hỏi. “Chúng tôi chỉ thực hiện dự án, còn việc khơi thông dòng chảy ở hai mương nước, tránh ngập ở khóm 7 là của thị trấn Hồ Xá” – anh Minh nói. Nhưng ông Hảo (Chủ tịch thị trấn Hồ Xá) lại phân trần rằng: “Thị trấn không thể chống ngập úng được vì kinh phí quá lớn”.
Xây dựng các công trình dân sinh là việc làm cần thiết, nhưng một khi người dân không đồng tình về tính khả thi thì chính quyền cũng nên xem xét lại. Không thể phung phí tiền bạc của Nhà nước như con mương trị giá gần 400 trăm triệu từ khi xây xong chưa một lần thoát được nước. Cũng cần làm rõ, ai đã vẽ ra con mương không làm tròn trách nhiệm này, chứ không phải dựng lên đó, là hết chuyện.
Theo: LĐ