Nhà máy của Cty CP kính nổi Chu Lai (tại khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đốt lốp cao su nhả khói liên tục có mùi hôi, khét gây ô nhiễm môi trường, tra tấn người dân trong khu vực.
Ống khói nhà máy thải khí gây mùi hôi, người dân bức xúc
Nằm gần kề nhà máy kính nổi Chu Lai, hàng trăm hộ dân các thôn Phái Nhơn, Vĩnh Đại, Đại Phú, Thái Xuân… thuộc xã Tam Hiệp, Núi Thành đang ngày đêm kêu trời vì không chịu nổi mùi hôi, khét khó chịu do khói của nhà máy này thải ra.
Ông Phạm Văn Toàn, chủ quán cà phê ở thôn Phái Nhơn chia sẻ: “Bất kể sáng, chiều, kể cả ban đêm, nhà máy đều nhả khói ô nhiễm vào chúng tôi, không ai chịu nổi. Nhiều nhà phải đống kín cửa vì sợ khói”.
Trường mẫu giáo Vàng Anh với hơn 400 học sinh cũng phải hứng chịu bụi khói từ nhà máy kính. Một cô giáo cho biết: “Khoảng 2 năm nay, từ khi nhà máy kính đốt lốp ô tô thì nhà trường phải giăng màn, đóng cửa lớp, không cho các em ra sân chơi đùa thường xuyên như trước nữa. Nhưng mùi khét vẫn len vào tận lớp, ngột ngạt, khó thở. Nhiều bữa đang cho các em ăn uống thì mùi hôi nồng nặc theo gió lùa vào khiến các em nôn ọe, giáo viên chúng tôi cũng phải buông chén vì nuốt không vô”.
Quá bức xúc, cô Khấu Thị Tạo, hiệu trường nhà trường đã phải gửi đơn kêu cứu lên chính quyền địa phương đề nghị can thiệp.
Còn Cty Đầu tư phát triển hạ tầng KCN-ĐT Chu Lai - Trường Hải với hơn 2.000 công nhân phải gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Nam phản ánh việc nước thải và ống khói của nhà máy kính nổi gây ô nhiễm.
Theo Phòng Tài nguyên-môi trường huyện Núi Thành, đến nay có 6 doanh nghiệp, đơn vị đã gửi đơn cầu cứu vì ô nhiễm do khói nhà máy kính.
Theo ông Trần Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, từ năm 2003 đến nay, do hoạt động của nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic thành nhiên liệu phục vụ sản xuất kính của Cty kính nổi Chu Lai, tình hình ô nhiễm môi trường từ khí thải, bụi và nước thải chưa xử lý ra môi trường liên tục xảy ra gây bức xúc trong người dân.
UBND huyện cũng nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Ban QL khu kinh tế mở Chu Lai, Sở TN-MT kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Ông Phạm Văn Toàn cho rằng, khói từ nhà máy khiến người dân mang bệnh.
Trường mẫu giáo Vàng Anh phải giăng màn để chắn bụi khói ô nhiễm.
Theo Sở TN-MT Quảng Nam, thì từ khi nhà máy xử lý phế thải cao su đi vào hoạt động, sở nhận được không ít đơn phản ánh của người dân. Năm 2013, Sở TN-MT đã nhiều lần kiểm tra, thu mẫu tại nhà máy, có phát hiện một số tồn tại thiếu sót trong bảo vệ môi trường tại nhà máy xử lý phế thải cao su và plastic.
Tuy nhiên do việc phát sinh khí thải có mùi hôi thường vào ban đêm, việc thu mẫu khí thải và xác định các khí gây mùi rất khó khăn nên sở vẫn chưa tìm được giải pháp xử lý triệt để vụ việc.
Trước sự bức xúc của người dân và chính quyền địa phương, tại cuộc làm việc với Ban QL Khu kinh tế mở Chu Lai vào tháng 4.2014, Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu phải tập trung xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường tại nhà máy kính nổi Chu Lai. Nếu doanh nghiệp gây ô nhiễm chưa khắc phục được thì phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng hoạt động, khi nào xử lý tốt các vấn đề về môi trường mới được sản xuất trở lại.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã đề nghị Bộ TN-MT hỗ trợ việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Cty này vào tháng 7.2014 và hiện chưa có kết luận từ đoàn công tác của Bộ TN-MT.
Trao đổi với PV Báo Lao Động về việc này, ông Đỗ Tuấn Việt - TGĐ Cty CP kính nổi Chu Lai, cho rằng không có cơ sở để khẳng định nhà máy gây ô nhiễm. Ông Việt nói: “Dù nhà máy bị sự cố gây ô nhiễm một lần. Nhưng việc người dân đổ hết cho nhà máy xả khói gây ô nhiễm là không khách quan, vì ở đó có nhiều nhà máy chứ không phải chỉ một nhà máy của Cty. Sản xuất công nghiệp ít nhiều cũng gây ô nhiễm môi trường, quan trọng là làm sao để hạn chế thấp nhất”.
Theo: LĐ