Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/12 khẳng định quá trình đi tới bình thường hóa quan hệ với Cuba cũng khó khăn như khi Mỹ quyết định nối lại quan hệ với Việt Nam, một việc đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng phải bắt đầu và cần thiết.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Trong thông cáo được Bộ ngoại giao Mỹ phát đi, ông Kerry chia sẻ lần đầu tiên ông nghe một Tổng thống Mỹ nói đến Cuba là khi ông mới 17 tuổi, trên một chiếc TV đen trắng. Khi đó lãnh đạo nước này miêu tả Cuba là “một hòn đảo bị cầm tù”.
“Trong suốt hơn 5 thập niên từ đó đến nay, chính sách của chúng ta đối với Cuba đã hầu như đóng băng, và không làm được gì nhiều để thúc đẩy một Cuba thịnh vượng, dân chủ và ổn định. Chính sách này không chỉ thất bại trong việc đẩy mạnh các mục tiêu của Mỹ, mà trên thực tế còn khiến Mỹ bị cô lập thay vì cô lập Cuba”, ông Kerry khẳng định.
Ông cho biết từ năm 2009, Tổng thống Obama đã có những bước đi để thay đổi mối quan hệ với La Havana, và cải thiện đời sống của người Cuba bằng cách nới lỏng những hạn chế về chuyển tiền cũng như thăm nom người thân.
Vị ngoại trưởng cho biết những nỗ lực để đi tới kết quả hôm nay cũng vất vả không khác quá trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam 20 năm về trước. Đã phải qua 3 đời Tổng thống Mỹ - 2 của đảng Dân chủ và một của đảng Cộng hòa – quá trình đó mới hoàn tất.
“Việc đó không hề dễ dàng. Và đến tận hôm nay vẫn chưa hoàn tất. Nhưng nó phải bắt đầu ở đâu đó, và đến giờ đã chứng tỏ hiệu quả”, vị ngoại trưởng nhấn mạnh.
“Như chúng ta đã làm với Việt Nam, thay đổi quan hệ của Mỹ với Cuba sẽ đòi hỏi sự đầu tư thời gian, năng lượng và nguồn lực. Bước đi hôm nay cũng phản ánh sự tin tưởng vững chắc của chúng ta rằng, rủi ro và cái giá của việc nỗ lực thay đổi xu thế thấp hơn nhiều so với rủi ro và cái giá của việc tiếp tục mắc kẹt trong khối bê tông hệ tư tưởng do chính chúng ta tạo ra”.
Thông cáo của ông Kerry cũng cho biết, tháng Giêng tới, trợ lý của ông tại khu vực phía Tây bán cầu Roberta Jacobson sẽ lên đường sang Cuba theo chỉ thị của Tổng thống Obama, để thảo luận bước đi nối lại quan hệ ngoại giao. “Tôi nóng lòng trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên sau 60 năm tới Cuba”, ông Kerry chia sẻ.
Hành trình dỡ bỏ cấm vận còn gian nan
Mặc dù Tổng thống Obama có đủ thẩm quyền để bình thường hóa quan hệ với Cuba và tăng lượng du khách, kiều hối chuyển sang Cuba, nhưng chỉ có duy nhất Quốc hội Mỹ có quyền tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế, vốn đã tồn tại hơn 50 năm qua.
Hiện trong Quốc hội, ông Obama vẫn phải đối diện với sự phản đối mạnh từ một số nghị sỹ về vấn đề này.
Thượng nghị sỹ Mỹ gốc Cuba Marco Rubio tuyên bố sẽ làm tất cả những gì có thể để “phá tan” kế hoạch này. Các thượng nghị sỹ John McCain và Lindsey Graham thì nói rằng sự dịch chuyển trong chính sách Mỹ cho thấy “Mỹ và các giá trị mà nước này đại diện đang rút lui và suy yếu”.
Lãnh đạo của phe đa số tại Thượng viện Mỹ khóa tới Mitch McConnell cũng chỉ trích kế hoạch của Nhà Trắng trong việc thay đổi quan hệ với Cuba.
Theo: Thanh Tùng
Tổng hợp - Dân trí