Chính phủ sẽ quy mua sắm tài sản công trên toàn quốc về một mối. Quy định mới được kỳ vọng sẽ chấm dứt tình trạng cơ quan công quyền xây trụ sở to; sắm xe sang vượt định mức, thiết bị xịn tràn lan… để tư lợi.
Một cổng chào Trung tâm VHTT huyện Đan Phượng (Hà Nội) được đầu tư bằng tiền công nhiều tỷ đồng. Ảnh: Hà Anh.
Bài 1: Tìm cách quản ngân sách
Qua 6 năm thí điểm mua sắm công tập trung, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng, thời gian và chặn được cả chuyện “đi đêm”... Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, lâu nay, tiền công được xài như tiền “chùa”.
Nghìn tỷ đồng cho giấy in
Trao đổi với PV Tiền Phong mới đây, đại diện Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, hiện cả nước có 140.000 đầu mối mua sắm công. Những năm qua, để thắt chặt chi tiêu, Bộ Tài chính đã áp dụng chính sách tiết kiệm ít nhất 10% với chi thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng “mạnh ai nấy làm” vẫn tràn lan, dẫn đến việc cùng một sản phẩm nhưng mỗi đơn vị mua theo hình thức khác nhau, giá cũng khác nhau, khiến cơ quan chức năng rất khó quản lý. Thậm chí, có những đơn vị không có nhu cầu vẫn mua để được ăn “hoa hồng” từ nhà cung cấp, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.
Đại diện Cục Quản lý Công sản nêu ví dụ: Mặt hàng đơn giản và sử dụng hằng ngày ở mọi cơ quan hành chính là giấy in, giấy viết, mỗi năm tiêu tốn ngân sách ngàn tỷ đồng. “Và để thực hiện mua sắm những sản phẩm đó, có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cuộc mua sắm, chào hàng gây mất thời gian, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của cán bộ công chức và nhân viên các đơn vị”, đại diện Cục Quản lý Công sản nói.
Thống kê của Cục này những năm qua cho thấy, trung bình hằng năm, số ô tô công được sắm trên cả nước ít nhất cũng tới 1.000 xe, thậm chí, giai đoạn không hạn chế, ngân sách phải “còng lưng” chi cho trên dưới 3.000 xe. Đi kèm với những chiếc ô tô đó là hàng trăm, hàng ngàn cuộc chào hàng, đấu thầu và mỗi cuộc đấu thầu với cùng dòng xe lại cho giá khác nhau.
Bên cạnh hai mặt hàng trên, còn vô số món hàng không thể không mua sắm cũng ngốn chi phí cả ngàn tỷ đồng, như: máy photocopy, điều hòa… “Ai cũng biết đằng sau những mua sắm này ít nhiều có hoa hồng, “đi đêm” lại quả. Đây cũng là lý do Chính phủ, Bộ Tài chính quyết tâm thu mua sắm về một mối”, vị đại diện Cục Quản lý Công sản nói.
“Nhổ rễ” hoa hồng
Từ năm 2008 đến nay, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã triển khai thí điểm mô hình mua sắm công theo phương thức tập trung.
Thống kê, sau hơn 6 năm triển khai thí điểm tại 23 bộ, ngành và địa phương cho thấy, chênh lệch giữa dự toán và mua thực tế một số mặt hàng thí điểm là 467 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính tiết kiệm hơn 397 tỷ đồng, Bộ Tư pháp 1 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước gần 14 tỷ đồng. Các tỉnh như Thái Bình tiết kiệm được hơn 44 tỷ đồng, Bình Thuận hơn 3 tỷ đồng… Điểm nhấn căn bản là nguồn kinh phí mua sắm vẫn là ngân sách dự toán do các đơn vị báo cáo lên để tổng hợp nhu cầu, nhưng thay vì để đơn vị đó tự mua sắm, cơ quan phụ trách mua sắm công tập trung tổ chức đấu thầu công khai qua mạng để chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm cho toàn đơn vị. Cơ quan này chỉ ký hợp đồng nguyên tắc với nhà cung cấp, còn các đơn vị có nhu cầu ký hợp đồng trực tiếp để mua sắm theo dự toán và tự thanh toán. Ngoài ra, những khoản “hoa hồng” được công khai, bổ sung và xem như là một nguồn thu khác của đơn vị.
Ông Tạ Ngọc Giáo, Giám đốc Sở Tài chính Thái Bình, cho biết, thí điểm mô hình để mua sắm trang thiết bị cho hai ngành giáo dục và y tế đã mang lại nhiều lợi ích. Nếu theo phương thức cũ, phải chia kinh phí nhỏ lẻ, giá mua không đồng nhất và cao hơn so với phương thức mua sắm tập trung. “Ví dụ, 50 trường học tự mua cùng một thiết bị sẽ có giá khác nhau dù trên cùng địa bàn”, ông Giáo nói.
“Trong quá trình chờ đợi Chính phủ chính thức ban hành áp dụng rộng rãi mô hình này, Thái Bình vẫn tiếp tục thực hiện mua sắm tập trung cho hai ngành trên. Bởi vì đây là mô hình hiệu quả, tiết kiệm hơn so với trước; nên cho áp dụng rộng rãi”, ông Giáo kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở Tài chính Bình Thuận, nhận định, đây là mô hình tương đối hiệu quả. Lãnh đạo tỉnh đã thành lập Trung tâm Mua sắm công hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp, nên không “phình” thêm nhân sự. “Bên cạnh tiết kiệm ngân sách, còn tiết kiệm thời gian, công sức cho các đơn vị hành chính khi chuyển nhu cầu mua sắm cho trung tâm cũng là điều đáng ghi nhận. Hiện, trung tâm hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp khá hiệu quả”, ông Phong khẳng định.
(Còn nữa)
Kiểm soát chi ngân sách Nhà nước đến ngày 31/10/2014, Kho bạc Nhà nước phát hiện khoảng 30.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, xử lý tạm dừng chưa thanh toán khoảng 31,5 tỷ đồng; từ chối thanh toán khoảng 59 tỷ đồng với các khoản chủ đầu tư đề nghị sai danh mục và mức vốn được giao…