Ngày 22-10, Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) trước khi thông qua dự luật này vào ngày 20-11.
Ảnh: Việt Dũng
Tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề nghị điều chỉnh quy định về việc biểu quyết tại phiên họp toàn thể.
Ông Quốc nói quyền năng của đại biểu Quốc hội (QH) là do cử tri ủy thác qua việc bầu đại biểu đó vào QH, do vậy cần tôn trọng và có cơ chế để người dân, cử tri giám sát được những đại biểu QH mà mình đã bầu ra.
Theo ông Quốc, việc giám sát đại biểu QH chủ yếu thông qua theo dõi các ý kiến phát biểu và đặc biệt là việc biểu quyết của đại biểu đối với các vấn đề được đưa ra tại phiên họp toàn thể.
“Trừ một số trường hợp việc bỏ phiếu cần bảo đảm bí mật thông qua việc bỏ phiếu kín (không nhiều), việc biểu quyết của đại biểu QH thường được công khai. Mỗi quốc gia có cách thức khác nhau để công khai, nhưng đây là nguyên tắc không thể thiếu” - ông Quốc nói.
Phải biết đại biểu nào biểu quyết cái gì
Phải tăng cường năng lực của Quốc hội trong việc thẩm tra, quyết định ngân sách, báo cáo thẩm tra phải mang tính định hướng, chỉ rõ khoản nào cần phải chi, khoản nào chưa cần phải chi và khoản nào không nên chi. Không nên chung chung như hiện nay
Đại biểu HUỲNH NGHĨA
Từ cách đặt vấn đề trên, ông Quốc cho rằng việc dự thảo luật quy định ba hình thức biểu quyết (bằng hệ thống điện tử, bằng bỏ phiếu kín và bằng giơ tay) là không phù hợp.
Lý do là việc biểu quyết bằng hệ thống điện tử vô hình trung biến vấn đề công khai trở thành không công khai, hay nói cách khác là “nửa kín nửa hở”.
Khi biểu quyết bằng hệ thống điện tử thì trên bảng chỉ hiện lên “các con số thống kê vô hồn” (ví dụ như tỉ lệ đại biểu tán thành, tỉ lệ không tán thành) mà cử tri, người dân không thật sự biết quan điểm của đại biểu đối với vấn đề vừa được biểu quyết.
Chính vì vậy, ông đòi hỏi dự thảo luật cần quy định hai hình thức biểu quyết là bỏ phiếu kín và công khai. Trong trường hợp biểu quyết công khai có thể áp dụng công nghệ điện tử, tuy nhiên cần sử dụng phần mềm hiển thị rõ tên và nội dung biểu quyết của từng đại biểu.
“Làm như vậy, cử tri có thể biết được và đánh giá được về sự hài lòng, sự đồng thuận của mình đối với các đại biểu mà mình đã bầu ra. Đồng thời, khi làm như vậy việc biểu quyết bằng giơ tay không còn cần thiết hoặc chỉ sử dụng khi... mất điện” - ông Quốc nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị QH cần quy định rõ hơn về tiêu chuẩn của đại biểu QH và đề nghị làm rõ các tiêu chí về trình độ, năng lực của đại biểu.
Theo đó, đại biểu QH phải là người có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động, không nên phát biểu ý kiến của người khác hoặc thậm chí lấy bài của người khác đọc ở nghị trường, đặc biệt cần tránh phát biểu xuôi chiều, không có tính phản biện.
Về việc lựa chọn đại biểu chuyên trách, ông Đương cho rằng cần tránh chọn những người tuy có chức vụ nhưng chỉ quen “chỉ tay năm ngón” mà không có năng lực thực tiễn phù hợp với công việc của QH.
“Nếu một người không có tố chất thực tiễn thì khi làm chính sách thường lấy luật hiện hành, luật cũ giở ra xem thế nào, như vậy là lấy lá vàng mùa thu trước chắn nẻo xuân sang” - ông Đương nói.
Quyền quyết chi tiêu ngân sách phải thực chất
Một số điểm mới của dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi)
* Quy định về lấy phiếu tín nhiệm (điều 12), trong đó quy định về đối tượng lấy phiếu, hệ quả của việc lấy phiếu (luật hiện hành chỉ quy định về bỏ phiếu tín nhiệm).
* Quy định số lượng đại biểu QH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội (luật hiện hành quy định là 25%).
* Quy định tổng thư ký QH đồng thời là chủ nhiệm Văn phòng QH. Văn phòng QH là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ QH, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH và đại biểu QH (luật hiện hành không có quy định về tổng thư ký QH).
Đề cập thẩm quyền quyết định ngân sách của QH, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nói tuy có nhiều bước tiến lớn, song việc quyết định ngân sách của QH vẫn còn hình thức.
Theo ông Nghĩa, dự thảo luật lần này sửa đổi theo hướng tăng cường vai trò của QH về ngân sách nhà nước nhưng chưa thật sự căn bản, do vậy cần đổi mới các quy định có liên quan để cơ quan đại diện của nhân dân thật sự là chủ nhân phân bổ đồng tiền do người dân đóng thuế.
Muốn vậy, theo ông, việc trình dự toán phân bổ ngân sách hằng năm ra QH phải kèm theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thuyết minh phản ánh những ưu tiên của quốc gia trong lĩnh vực; việc thảo luận về ngân sách phải gắn với thảo luận về kinh tế - xã hội...
Có như vậy việc sử dụng ngân sách còn eo hẹp của quốc gia mới thật sự có hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí.
“Phải tăng cường năng lực của QH trong việc thẩm tra, quyết định ngân sách, báo cáo thẩm tra phải mang tính định hướng, chỉ rõ khoản nào cần phải chi, khoản nào chưa cần phải chi và khoản nào không nên chi. Không nên chung chung như hiện nay” - ông Nghĩa nói.
Đáng chú ý, đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị quy định cụ thể quyền kiến nghị của đại biểu (bằng văn bản và kiến nghị trực tiếp tại phiên họp toàn thể) về việc bỏ phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Hiến pháp đã quy định nguyên tắc kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và một trong những công cụ kiểm soát của quyền lập pháp đối với quyền hành pháp chính là bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Trước việc dự thảo luật quy định “người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu QH bỏ phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức”, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho rằng quy định “có thể” chưa mang tính khẳng định, vì vậy cần sửa thành “phải từ chức” để rõ ràng quan điểm hơn.