Gần 10 năm kể từ khi UBND TP.HCM chấp nhận quy hoạch tám bãi đậu ôtô ngầm, đến nay vẫn chưa có bãi đậu xe nào được xây dựng.
Bãi giữ ôtô cạnh công viên 23-9 (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Theo các chủ đầu tư, nguyên nhân là do vướng mắc thủ tục và thiếu vốn.
Xe đậu tràn trên đường
Đến công viên Lê Văn Tám (Q.1), mọi người đều thấy hình ảnh hàng trăm ôtô xếp hàng đôi, hàng ba đậu dài phía trước cổng. Điều này cho thấy tại khu vực trung tâm TP đang thiếu trầm trọng bãi đậu xe.
Cũng tại công viên này, cách đây bốn năm đã diễn ra buổi lễ động thổ dự án “Xây dựng hầm đậu xe và trung tâm dịch vụ thương mại”, dự kiến ba năm sau sẽ có hầm ngầm đậu xe hiện đại đầu tiên của TP. Thế nhưng đến nay, dự án này đã “án binh bất động”.
Tương tự, hàng trăm ôtô cũng xếp hàng dài đậu xung quanh công viên 30-4 trên các đường Hàn Thuyên, Alexandre de Rhodes (Q.1).
Tình trạng đậu ôtô bừa bãi tràn lan trên các tuyến đường đã gây ra ùn tắc giao thông. Những con đường như Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu... có mật độ xe lưu thông cao, chỉ 1-2 ôtô đậu trên đường là cả đoạn đường bị tắc nghẽn.
Nhiều doanh nghiệp du lịch than phiền việc đưa đón hành khách đến các điểm tham quan du lịch ở khu vực trung tâm TP gặp nhiều khó khăn do thiếu bãi đậu xe. Khi đưa khách xuống điểm tham quan, các tài xế phải chạy xe vòng vòng tìm chỗ đậu.
Thủ tục rườm rà và thiếu vốn
Trả lời vì sao dự án hầm đậu ôtô ở công viên Lê Văn Tám quá chậm trễ, ông Lê Tuấn - tổng giám đốc Công ty CP Phát triển không gian ngầm (IUS) - cho biết trong nhiều năm qua đơn vị “va chạm” với quá nhiều thủ tục rườm rà.
Ông Tuấn đơn cử sau khi đơn vị bổ sung phương án phòng cháy và chữa cháy, điều chỉnh chút ít về thiết kế diện tích xây dựng, tháng 5-2014 UBND TP có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch - đầu tư TP xem xét lại việc có nên điều chỉnh giấy phép đầu tư. Mất hơn ba tháng sở mới có văn bản báo cáo TP, đến nay IUS cũng chưa nhận được văn bản về việc có phải điều chỉnh giấy phép đầu tư không.
Theo ông Lê Tuấn, đơn vị của ông đeo bám dự án này suốt gần mười năm qua, rất mệt mỏi, hiện vẫn tiếp tục đeo đuổi. Ông Tuấn than phiền dự án vẫn còn vướng nhiều về thủ tục và mỗi lần làm thủ tục mất từ 3-5 tháng, có khi cả năm nên chưa thể xác định thời gian khởi công.
Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (gọi tắt Tập đoàn Đông Dương) - chủ đầu tư dự án “Xây dựng bãi đậu xe ngầm kết hợp thương mại dịch vụ và sân khấu Trống Đồng (Q.1)”, cho biết dự án này cũng đang vướng nhiều về thủ tục.
Chẳng hạn, tháng 8-2014 Sở Tài chính có công văn trình UBND TP về việc xác định đơn giá thuê đất tạm tính cho dự án, đến giữa tháng 11-2014 sở này tiếp tục đề nghị Cục Thuế TP có văn bản hướng dẫn Tập đoàn Đông Dương nộp thuế đất, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Cục Thuế TP.
Trong báo cáo gửi UBND TP ngày 17-12-2014, Tập đoàn Đông Dương cho biết ngày 4-9-2014, doanh nghiệp trình Sở Quy hoạch - kiến trúc và Sở Xây dựng TP về việc thay đổi thiết kế. Ngày 30-9, Sở Quy hoạch - kiến trúc có văn bản yêu cầu tập đoàn bổ sung bản vẽ điều chỉnh.
Ngày 31-10, bản vẽ bổ sung điều chỉnh thiết kế được nộp nhưng gần hai tháng vẫn chưa nhận được trả lời. Tập đoàn Đông Dương còn cho biết gần ba tháng qua, Công ty Công viên cây xanh TP cũng chưa trả lời về hồ sơ thủ tục đền bù, hỗ trợ ngừng việc tại sân khấu Trống Đồng.
Theo một số nhà đầu tư, ngoài việc vướng mắc về thủ tục thì vấn đề đau đầu nhất là thiếu vốn. Hầu hết các dự án được lập cách đây 7-8 năm, đến nay giá cả vật tư tăng vọt khiến tổng mức đầu tư tăng cao.
Trong khi đó, khả năng thu hồi vốn từ dự án thấp, do các cơ quan chức năng quy định phí đậu xe, nhà đầu tư không có quyền quyết định mức phí này...
Trên thực tế đã có hai nhà đầu tư khó khăn về vốn nên rút khỏi dự án “Xây dựng hầm đậu xe và dịch vụ công cộng tại sân vận động Hoa Lư” và dự án “Xây dựng bãi đậu xe ngầm tại khu vực sân bóng đá thuộc công viên văn hóa Tao Đàn”.
Sơ đồ tám bãi đậu xe ngầm ở trung tâm TP.HCM - Đồ họa: V.Cường
Sẽ tập trung tháo gỡ
Ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP, cho biết sở thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bãi đậu xe. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án còn chậm vì nhiều vướng mắc khác nhau.
Chẳng hạn các ngân hàng thương mại phân loại dự án bãi đậu xe công cộng theo loại hình đầu tư bất động sản, nên mức tín dụng cũng bị hạn chế như đối với dự án bất động sản.
“Các dự án hầm ngầm đậu xe có tổng mức đầu tư cao, nhu cầu vốn lớn, trong khi đó mức lãi suất vay hiện nay vẫn còn cao, ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn làm dự án. Đó là chưa kể bãi đậu xe ngầm là dạng dự án mới, chưa có tiền lệ, dẫn đến khó xác định đơn giá thuê đất” - ông Lâm cho biết.
Về việc nhà đầu tư lo ngại khả năng thu hồi vốn thấp vì mức thu phí xe theo quy định không đảm bảo hiệu quả của dự án, ông Lâm nói mới đây Bộ Tài chính có thông tư mới về phí và lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư.
Thông tư này cho phép HĐND tỉnh, TP định khung lệ phí giữ xe, thay vì căn cứ mức phí của Bộ Tài chính.
Tháng 5-2014, UBND TP có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính đề nghị chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà đậu xe, giữ xe theo quy hoạch được duyệt.
UBND TP đề nghị các bộ xem xét hỗ trợ, chấp thuận cơ chế chính sách đầu tư xây dựng hệ thống bến bãi như miễn tiền thuê đất hoặc miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất phục vụ hạng mục đậu, đỗ xe và các công trình xây dựng bến bãi.
“Nhằm khuyến khích nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh bãi giữ xe, UBND TP cũng đề xuất các hình thức ưu đãi về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài, thuế nhập khẩu đối với các thiết bị công nghệ cao phục vụ hoạt động của bãi giữ xe” - ông Lâm cho biết.
Quy hoạch 8 bãi đậu xe ngầm
Theo quy hoạch năm 2008, TP.HCM xây dựng tám bãi đậu xe ngầm tại Q.1 gồm: khu vực sân khấu Trống Đồng, công viên Chi Lăng, công viên Bách Tùng Diệp, công viên Lê Văn Tám, khu vực số 116 Nguyễn Du, sân vận động Hoa Lư, sân bóng đá Tao Đàn, bờ sông Sài Gòn (dọc bến Bạch Đằng và đường Nguyễn Huệ).
Tuy nhiên, hiện TP có chủ trương không xem xét xây dựng ba bãi đậu xe ngầm tại khu vực số 116 Nguyễn Du, công viên Bách Tùng Diệp và đường Nguyễn Huệ. Tháng 12-2012 UBND TP duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỉ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu TP (có diện tích 930ha), bổ sung ba điểm đậu xe ngầm tại công viên 23-9, công viên dọc bờ sông Sài Gòn (dọc đường Tôn Đức Thắng) và Công trường Mê Linh.
TP đang có hai bãi đậu xe cao tầng là bãi đậu xe cao tầng tại địa chỉ 71 Chế Lan Viên, Q.Tân Phú có sức chứa 1.400 ôtô, 1.400 xe máy hai bánh, đưa vào sử dụng ngày 30-4-2013. Bãi thứ hai là khu văn phòng kinh doanh dịch vụ ôtô và nhà đậu xe cao tầng tại địa chỉ 121-139 Cô Giang (Q.1), có sức chứa 500 ôtô, 1.500 xe máy hai bánh, được đưa vào sử dụng tháng 5-2014.