Hàng chục ngàn dân sống trong khu vực các nhà máy ximăng trên địa bàn huyện Kiên Lương (Kiên Giang) khổ sở vì khói bụi thải ra. Không chỉ mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, mà khói, bụi còn làm thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây. Nhiều người dân ở đây cho biết, sống ở đây mấy chục năm rồi, đã kêu tưởng thấu trời xanh, nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Khói bụi từ một nhà máy ximăng bao trùm khu dân cư (ảnh chụp lúc 14h ngày 4.11.2014)
Sống cùng ô nhiễm
Nhờ điều kiện tự nhiên (có nhiều núi đá vôi, có bờ biển), Kiên Lương là nơi có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp sản xuất ximăng và vật liệu xây dựng lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ tính riêng nhà máy ximăng (NMXM) đã có đến 5 cái với công suất hàng trăm ngàn tấn/năm mỗi nhà máy.
Tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Kiên Lương đã có từ lâu, ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong đó, ô nhiễm môi trường về khói, bụi trong quá trình sản xuất ximăng, khai thác, chế biến và vận chuyển khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất vôi là vấn đề bức xúc nhất của người dân cũng như chính quyền địa phương.
Mỗi sáng sớm thức dậy, chuẩn bị đi làm việc, học hành... người dân ở khu vực khu phố Tám Thước, thị trấn Kiên Lương phải “điểm tâm” ... khói và bụi. Ngày cũng như đêm, ống khói của NMXM Kiên Lương thải ra cuồn cuộn. Nhiều người dân ở đây cho biết, sống ở đây mấy chục năm rồi, có lên trời kêu thống thiết cũng không ai giúp được. Ô nhiễm kéo dài từ mùa gió bấc cho đến khi mùa mưa đến; mỗi năm khoảng 6 tháng người dân sống chung với môi trường ô nhiễm.
Đến Kiên Lương, dễ dàng nhìn thấy những chiếc xe chở đất, cát, đá... chạy với tốc độ chóng mặt, kèm theo đó là đất, đá rơi ra từ những chiếc xe “hung thần” làm mặt đường đầy bụi và sình lầy khi có mưa. Xa xa là ống khói cao nhả khói của các NMXM. Đến gần trung tâm xã Bình An, cảnh tượng càng khủng khiếp khi những “đám mây” khói từ Cty CP ximăng Hà Tiên bay là là dưới mặt đất, xuyên qua từng ngôi nhà và người đi đường phải chấp nhận sống chung với đám "mây" độc hại này.
Càng chậm càng khổ
Ông Lâm Hồng Vũ - ngụ ấp Hòn Chông, xã Bình An (ngay ngã ba chợ Bình An) - bức xúc: “Gia đình tôi bán quán ăn, nhưng khách cứ thưa dần. Có ai mà chịu được khói bụi bay vào dĩa cơm, ly nước, quần áo sau khi ăn cũng “biến màu”. Để đỡ cảm giác sợ hãi, tôi suốt ngày lau chùi bàn ghế để còn có khách ghé vào ăn uống, chứ để khoảng 1 tiếng là bụi bám lên dày cộm”. Ông Vũ cho biết, gia đình ông từ lớn đến nhỏ ai cũng mắc các bệnh về đường hô hấp. Còn quần áo giặt xong khi phơi khô phải làm thêm công đoạn “vuốt” cho lớp bụi bám rồi mới đem vào tủ cất.
Còn anh Keo Tây (ấp Hòn Chông) thì kể: “Tôi hành nghề xe ôm, nhưng có hôm khói bụi từ NMXM thải ra không thấy đường chạy, nó mờ hơn sương mù. Sương mù còn dễ chịu, chứ loại khói bụi này thảy ra thì y như rằng không ai tránh được các bệnh về đường hô hấp.
Cả vợ và 2 đứa con tôi đều bị hết. Sống như vầy hoài chắc bà con ở đây chết sớm hết”. Theo anh Tây, trong bán kính 1km tính từ nhà máy, khi nhà của ai lợp mái bằng tôn (tole) mà bị gỉ sét do ảnh hưởng khói bụi thì nhà máy bỏ tiền ra cho thay tole mới. Bởi vì, khói bụi này độc hại, khi bị bám vào chẳng bao lâu thì bị gỉ sét. Nói điều đó để thấy rằng, nhà máy rất biết mức độ ô nhiễm như thế nào, sức thép chịu còn chẳng thấu, huống hồ con người.
Bà con cho biết, đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị đến chính quyền. Khi có kiến nghị hay làm đơn kêu cứu thì cũng nhận lại những lời hứa. Có chăng cũng có tác động đến nhà máy xử lý “cái gì đó” được chừng vài tháng rồi đâu cũng trở lại quy cũ.
Ông Trần Chí Viễn - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Kiên Giang - cho biết, sở đã yêu cầu Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh và Thanh tra sở lập ngay kế hoạch để kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp sản xuất ximăng ở huyện Kiên Lương. “Hiện tại, chúng tôi đang chờ văn bản chính thức từ UBND tỉnh, để phê duyệt kế hoạch kiểm tra và triển khai theo đúng quy định pháp luật”.
Theo: LĐ