Gần như tất cả hãng xe khách đường dài tại các tỉnh Tây nguyên đều chạy quá tốc độ, có những thời điểm tài xế cho xe chạy tới... 110 km/giờ.
Sau thời gian kẹt cứng trên quốc lộ 14 như thế này do đường xuống cấp, nhiều tài xế xe khách chạy quá tốc độ để bù giờ - Ảnh: B.D.
Ông Nguyễn Đức Hương, phó trưởng phòng quản lý phương tiện người lái và vận tải Sở GTVT tỉnh Kon Tum, cho biết chính số liệu trích xuất từ thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) gắn trên xe khách cho thấy thực trạng nguy hiểm trên.
Hình ảnh từ hộp đen cho thấy sau 12g đêm, những chuyến xe khách vừa ra khỏi quốc lộ 14, quốc lộ 19 - những cung đường xấu khiến xe chạy như rùa bò - là lúc cuộc chạy đua bắt đầu.
Dưới đây là một số cuộc đua tốc độ kinh hoàng.
Nghị định 171 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với người điều khiển ôtô vi phạm tốc độ như sau:
- Phạt 600.000-800.000 đồng nếu điều khiển xe vượt quá tốc độ 5-10 km/giờ,
- 2-3 triệu đồng đối với lỗi quá tốc độ 10-20 km/giờ,
- 4-6 triệu đồng đối với lỗi vượt quá 20-35 km/giờ
- 7-8 triệu đồng đối với lỗi quá tốc độ trên 35 km/giờ.
0g37 ngày 12-4, tuyến quốc lộ qua xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), xe khách 82B 002... xuất phát từ Kon Tum lao với tốc độ cực lớn.
Từ tỉnh Kon Tum, những con số được truyền về qua thiết bị hành trình hiện trên màn hình máy tính khiến người chứng kiến phải giật mình: chiếc xe khách nắm tính mạng của hàng chục người đua với tốc độ 95 km/giờ, vượt 15 km/giờ so với quy định.
“Chạy như thế là cực kỳ ẩu, rất khó để tài xế kiểm soát xe khi gặp sự cố” - ông Hương nói.
6g30 ngày 3-5, một xe khách xuất phát từ Kon Tum về Đà Nẵng, qua đoạn đường vắng quốc lộ 14 thuộc địa phận xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô (Kon Tum) tài xế tăng tốc cho xe chạy tới tốc độ vượt qua 100 km/giờ.
Tại TP Kon Tum, trích xuất dữ liệu truyền về máy tính trung tâm cũng cho thấy chiếc xe khách này đã đi với tốc độ 101 km/giờ và duy trì tốc độ này trên quãng đường gần 3km.
Cũng từ dữ liệu hộp đen, thống kê từ tháng 4 đến 7-2014 chiếc xe khách này có đến gần 200 lần chạy vượt tốc độ, chủ yếu duy trì 90-100 km/giờ.
Tháng 5-2014, Sở GTVT tỉnh Kon Tum đã ra quyết định đình chỉ khai thác đối với một xe khách có lộ trình Kon Tum đi Giáp Bát (Hà Nội) vì qua theo dõi trên hộp đen, chiếc xe khách này đã chạy vượt tốc độ tới 33 lần chỉ trong vòng hơn một tháng. Có thời điểm chiếc xe này chạy tới 97 km/giờ.
Ông Hương cho biết hiện toàn tỉnh Kon Tum đang có trên 200 xe khách, trong đó hầu hết là xe giường nằm. Dữ liệu hộp đen từ các xe này cho thấy hầu như các xe đều vi phạm tốc độ và số giờ lái xe liên tục của tài xế vượt thời gian so với quy định.
Tại tỉnh Gia Lai, Sở GTVT tỉnh cho biết qua trích xuất dữ liệu hộp đen, hàng chục xe khách cũng bị thu hồi phù hiệu vì chạy vượt tốc độ cho phép.
Số liệu từ Tổng cục Đường bộ Bộ GTVT cho thấy các tỉnh ở Tây nguyên như Đắk Lắk, Lâm Đồng... thường xuyên nằm trong tốp 10 tỉnh có tỉ lệ cao nhất về số lần xe vi phạm tốc độ.
Lý giải về tình trạng này, đại diện các đơn vị vận tải, các sở GTVT cho biết một trong nhiều nguyên nhân là do hệ thống đường sá ở Tây nguyên xuống cấp nặng, tài xế buộc phải lấy tốc độ trên quãng đường tốt để bù lại thời gian chạy trên đường xấu.
Ông Hương cho biết nếu như trước đây quãng đường từ Gia Lai, Kon Tum đi về TP.HCM chỉ mất 8-10 giờ thì nay xe phải “bò” tới 12-15 giờ.
Cũng theo ông Hương, hiện nay tại những đoạn đường như quốc lộ 14 qua tỉnh Bình Phước, quốc lộ 14 từ Ngọc Hồi (Kon Tum) về đến Khâm Đức (Quảng Nam) thường xuyên phát hiện xe chạy vượt quá tốc độ.
Sở GTVT chưa thể phạt tiền các xe vi phạm
Theo lãnh đạo Sở GTVT Gia Lai, Sở GTVT Kon Tum, hiện nay việc kiểm soát tốc độ trên đường được giao cho lực lượng cảnh sát giao thông.
Khi phát hiện vi phạm của tài xế dựa trên dữ liệu hộp đen để phạt nguội thì được giao về các sở GTVT.
Tuy nhiên, hiện các sở GTVT vẫn chưa thể phạt tiền các xe vi phạm vì chưa có quy định cụ thể.
“Chúng tôi chưa được phép phạt tiền xe vi phạm tốc độ như lực lượng cảnh sát giao thông nên chỉ có thể xử lý bằng các biện pháp như: thu hồi tuyến, tịch thu phù hiệu” - ông Nguyễn Đức Hương nói.
Dù vậy, theo ông Hương, từ khi triển khai giám sát tốc độ thông qua thiết bị hộp đen, lượng xe chạy ẩu đã giảm nhiều.
Đại tá Phạm Văn Uấn, trưởng Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Gia Lai, cho biết công an tỉnh thường xuyên bố trí lực lượng ở các tuyến quốc lộ để giám sát tốc độ, khi phát hiện xe vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt nghiêm đối với tài xế vi phạm.
Thế nhưng, nhiều tài xế khi phát hiện đo tốc độ thường báo cho nhau khiến cảnh sát phải làm việc rất vất vả.