Nhiều học sinh tại xã đảo Tân Hiệp (thành phố Hội An, Quảng Nam) sau khi học hết THCS phải vượt biển vào đất liền ở trọ hoặc nhà người quen nếu muốn tiếp tục học. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, có em phải làm thêm mưu sinh nhưng vẫn nỗ lực vượt khó học tập.
Chuyện học nơi xã đảo
Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp là hòn đảo duy nhất của Quảng Nam, cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu bám biển mà sống. Có những học sinh vùng đảo học đến lớp 9 phải nghỉ học theo cha mẹ đi biển.
Cách đất liền hơn 20km đường biển, đảo Cù Lao Chàm có 3 trường gồm trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Sau khi học hết lớp 9, các học sinh xã đảo nếu muốn tiếp tục học tập đều phải vượt biển vào đất liền, đăng ký dự thi học tại thành phố Hội An.
Em Bùi Thị Tú Trinh, học sinh lớp 12C1, Trường THPT Trần Hưng Đạo, cho biết: "Em quê ở làng Bãi Hương, xã Tân Hiệp, em vào thành phố học được gần 5 năm. Trước kia em ở với chị gái, giờ em ở nhà người bà con. Lúc đầu cũng có khó khăn, nhưng sau rồi cũng quen".
Gia đình em Trinh đều làm biển: cha em, ông Bùi Đấu, 47 tuổi, đi biển hơn 20 năm nay. Còn mẹ em, bà Nguyễn Thị Luận, 45 tuổi, cũng theo chồng đi biển, hỗ trợ nấu ăn cho tàu thuyền. Thông thường cả nửa tháng bố mẹ em mới về nhà một lần. Trinh nói: "Mỗi lần cha mẹ đi, em và chị em phải ở nhà một mình, tự lo cơm nước. Mỗi chuyến biển bữa có bữa không, cuộc sống cũng chỉ đủ ăn qua ngày".
Rồi đến khi Trinh học hết lớp 7, người chị vô thành phố học lớp 10, để có người lo cho Trinh, cha mẹ em quyết định chuyển em vô thành phố ở trọ học cùng chị, và bắt đầu từ lớp 8, Trinh đã đến Hội An, đặt chân vào đất liền.
Em Bùi Thị Tú Trinh nhiều năm liền là học sinh giỏi.
Em Đinh Viết Tín, học sinh lớp 11C2, Trường THPT Trần Hưng Đạo, quê ở làng Bãi Hương, xã Tân Hiệp, cũng vào thành phố tìm ở nhà người họ hàng để tiếp tục theo học. Cha Tín mất hồi năm 2013, cuộc sống đổ dồn lên vai người mẹ, bà Trần Thị Cấp. Tín cho biết: "Mẹ em vẫn ở ngoài đảo, đi làm nghề biển cùng với nhiều người khác, cả hai anh trai đều có công việc, em phải tự đi thuyền vào để học".
Em Tín chia sẻ: "Học sinh đồng bằng có điều kiện học hơn chúng em, ở ngoài đảo vẫn chưa có điện, nên nhà nào cũng phải dùng máy phát nổ. Những lúc trời tối, hết máy nổ phải thắp đèn dầu. Con đường đến trường không thể đi xe buýt hoặc xe đạp, xe máy như đồng bằng, chúng em hầu như phải đi bộ hoặc đi thuyền. Mỗi ngày để đến trường THCS Quang Trung, xã Tân Hiệp, em và các bạn phải đi bộ gần 5km".
Mỗi chuyến ra đảo mất gần 20 phút đi tàu cao tốc hoặc 2 giờ đi tàu gỗ, thời gian đi ra đi về mất gần nửa ngày, nên nhiều em học sinh chỉ về đảo có 2 lần trong năm là Tết và hè. Và mỗi một chiếc ghe chở học sinh đảo vào đất liền đều mang theo cả mơ ước.
Vừa học vừa làm thêm nuôi con chữ
Để lo cho con ăn học, nhiều ông bố bà mẹ ở đảo theo con vào đất liền, vừa làm vừa nuôi con, trong khi đó nhiều em học sinh vừa học vừa làm thêm.
Em Bùi Công Bảo, lớp 12C1, Trường THPT Trần Hưng Đạo, quê ở Bãi Hương, xã đảo Tân Hiệp. Cha em mất vì căn bệnh ung thư hồi em còn học lớp 9, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Em Bảo cho biết: "Kể từ đó, nợ nần chồng chất, để lo cho em ăn học, mẹ em đã vào đất liền vừa làm trả nợ vừa lo cho em".
Đợi con học hết THCS, mẹ Bảo, bà Trần Thị Quýt, theo con vào đất liền, ở nhà bà ngoại. "Vì 3 chị anh đã có công việc, nên mẹ chỉ còn lo mỗi em và lo trả nợ. Mẹ em nhận nuôi trẻ nhỏ tư nhân. Mẹ cùng hai người nữa, nuôi hơn 20 đứa trẻ, mỗi tháng được khoảng 2,5 triệu" - em Bảo chia sẻ.
Không phụ lòng người mẹ tần tảo nuôi con, em Bảo luôn là học sinh giỏi cấp trường, em cho biết: "Năm nay là năm cuối cấp, em muốn thi vào Đại học Bách khoa, ngành Điện lạnh, vì học ra nếu không có việc, em có thể làm thuê tại các cửa hàng điện lạnh, hoặc mở cửa hàng điện lạnh để mẹ em không phải nuôi trẻ nữa".
Em Bùi Công Bảo chia sẻ về những mơ ước.
Còn em Trịnh Thị Minh Đông, lớp 11C5, Trường THPT Trần Hưng Đạo, cũng quê Bãi Hương, xã Tân Hiệp, vào thành phố Hội An theo chị để học. Cha mẹ Đông đều làm biển, từ khi người chị cuối của Đông vào đất liền học, em Đông được cha mẹ cho theo vào.
Nhà có hai anh trai, các anh đều làm đầu bếp ở Hội An, nên Đông ở trọ cùng anh trai. Hằng ngày sau giờ học, em lại bắt đầu công việc đêm. Em Đông cho biết: "Em làm ở quán cà phê từ 5 giờ đến 7 giờ tối, mỗi tuần khoảng 4-5 ngày. Mỗi tháng được khoảng 600 nghìn đồng, vừa tiền học".
Cứ nói chuyện được vài phút, khách lại gọi, em lại quay về, tất bật phục vụ khách.
Em Trịnh Thị Minh Đông làm thêm sau giờ học.
Chia sẻ về ước mơ, Đông nói, em muốn theo ngành Sư phạm, để đỡ một phần tiền cho gia đình và về dạy tại xã đảo, với mong muốn những trẻ em miền đảo được học con chữ, mà không phải nghỉ học theo biển.
Những học sinh miền đảo vào thành phố Hội An hầu hết học tại các Trường THPT Nguyễn Trãi, Trường THPT Trần Hưng Đạo và Trường THPT Trần Quý Cáp. Riêng trường THPT Trần Hưng Đạo có đến 24 học sinh từ đảo Cù Lao Chàm.
Thầy Lê Đình Duyệt - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: "Hầu hết các em từ xã đảo vào đất liền đều ở trọ hoặc em nào có nhà người quen thì ở. Có nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã cố gắng học tập".
Theo: Nguyễn Trang - Dân trí