Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, từ nay đến cuối năm, cơ quan chức năng phải giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai tồn đọng từ năm 2013 trở về trước.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Ảnh: C.T.V.
Từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, chưa kể các vụ việc còn lại thuộc dạng “khó”, liệu có giải quyết dứt điểm được các vụ việc trên? Ông Nguyễn Văn Hồng, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP.HCM, cho biết:
- Ðể triển khai thực hiện Luật đất đai mới (năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1-7-2014), đồng thời thực hiện chỉ đạo của trung ương về tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, UBND TP đã chỉ đạo đến cuối năm nay phải giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất từ năm 2013 trở về trước vì cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại, nhiều quy định về trình tự thủ tục, quyền hạn, cách giải quyết của Luật đất đai mới khác với luật cũ. Nếu không giải quyết dứt điểm, để kéo dài thì sau này sẽ rất khó giải quyết.
Hiện tại Sở TN-MT còn khoảng 50 vụ việc tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai từ năm 2013 trở về trước đến nay chưa giải quyết xong. Dự kiến đến cuối năm nay, những vụ việc tranh chấp, khiếu nại trên sẽ được sở báo cáo, trình UBND TP giải quyết theo quy định.
Nếu như các cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn hoặc thể hiện quan điểm cụ thể, đúng thời hạn thì Sở TN-MT sẽ giải quyết rất nhanh.
Trong ba tháng gần đây, sở đã giải quyết xong gần 170 vụ việc tồn đọng. Vì vậy, sở đang quyết tâm giải quyết hết 50 vụ việc kéo dài còn lại từ nay đến cuối năm như chỉ đạo.
* Vì sao các vụ việc trên kéo dài, vẫn chưa giải quyết được? Liệu việc kéo dài giải quyết tranh chấp, khiếu nại có vi phạm thời hạn giải quyết hay không?
- Theo quy định trước đây, thời hạn giải quyết tranh chấp là không quá 60 ngày làm việc, thời hạn giải quyết khiếu nại tối đa là 70 ngày làm việc kể từ khi nhận đơn của người dân. Những vụ việc tồn đọng kéo dài là vi phạm về thời hạn giải quyết.
Việc kéo dài quá thời hạn luật định trên do nhiều nguyên nhân: Thứ nhất là số lượng cán bộ thực hiện công tác này hiện còn quá ít, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Thứ hai là nhiều vụ việc có vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan đến nhiều ngành nên phải chờ ý kiến của nhiều cơ quan hoặc phải xin ý kiến của các cơ quan chức năng cấp trên như TAND tối cao, Bộ TN-MT; nhiều vụ việc tranh chấp, khiếu nại có tình tiết phức tạp, khó khăn trong việc đi thực tế xác minh hoặc phải yêu cầu UBND quận, huyện báo cáo làm rõ.
Ngoài ra, nhiều vụ việc Sở TN-MT đã gửi công văn hỏi các cơ quan chức năng và UBND quận, huyện từ trước tháng 5-2014 nhưng đến nay các cơ quan này vẫn chưa có công văn trả lời.
Thứ ba là thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Việc đối thoại này yêu cầu phải do lãnh đạo Sở TN-MT thực hiện.
Do mỗi buổi họp chỉ đối thoại được một trường hợp, trong khi số lượng hồ sơ phải giải quyết quá nhiều nên cũng ảnh hưởng đến thời gian giải quyết.
* Ðối với những vụ việc khiếu nại, tranh chấp mà phải xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn thì thời gian giải quyết gần như phụ thuộc vào trả lời của các cơ quan này. Trường hợp các cơ quan này trả lời chậm hoặc không có công văn trả lời thì vụ việc sẽ chậm theo hoặc không được giải quyết?
- Những vụ việc phải hỏi ý kiến cơ quan cấp trên rơi vào trường hợp quy định của pháp luật chưa rõ hoặc quy định được hiểu theo nhiều cách khác nhau, có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các bên hoặc của người khiếu nại.
Vì vậy, cần thiết phải chờ ý kiến của các cơ quan cấp trên để có căn cứ giải quyết vụ việc cho công bằng và thống nhất, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Chúng tôi rất mong các quy định pháp luật ban hành sắp tới rõ ràng hơn, không còn tình trạng các địa phương phải chờ hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn khi giải quyết khiếu nại.
* Những vướng mắc trên xảy ra khi thực hiện giải quyết khiếu nại, tranh chấp về đất đai theo Luật đất đai 2003. Khi áp dụng Luật đất đai 2013 thì những vướng mắc trên có được tháo gỡ?
- Luật đất đai năm 2013 có một số quy định mới liên quan đến việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại.
Ðiển hình như: tranh chấp đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người dân có thể chọn hai con đường: khởi kiện vụ việc dân sự hoặc yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp như từ trước đến nay; về việc xác định diện tích đất ở có vườn ao gắn liền với nhà ở cũng đã được quy định cụ thể hơn; về điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và chính sách bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cũng được quy định theo hướng mở rộng hơn.
Với những quy định mới này thì theo tôi, việc giải quyết tranh chấp đất của UBND sẽ giảm và các vướng mắc trong quá trình giải quyết trước đây sẽ được tháo gỡ.
Giải quyết chậm, có xin lỗi dân?
* Là cơ quan tham mưu cho UBND TP giải quyết tranh chấp, khiếu nại cấp TP, Sở TN-MT có xin lỗi dân vì việc chậm trễ này hay không?
- Trong số các hồ sơ tồn đọng tại sở có một số vụ từ trước năm 2013. Là cơ quan tham mưu cho UBND TP giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai, chúng tôi luôn nhận thấy trách nhiệm của mình khi thời gian giải quyết vụ việc phải kéo dài.
Đối với những trường hợp này, khi tiếp xúc, đối thoại lãnh đạo Sở TN-MT đều có giải thích và thông báo lý do cụ thể cho người dân được rõ.