Hiện còn nhiều loại thiết bị có chứa nguồn phóng xạ đang được sử dụng phổ biến tại TP.HCM.
Đa số dân khiếu nại đúng
- Cập nhật : 23/09/2014
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Bá Thuyền, khẳng định điều này khi đề cập đến tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của Chính phủ
Phóng viên: Theo báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014 của Chính phủ, số lượt công dân khiếu nại, tố cáo giảm gần 2%; số đơn khiếu nại, tố cáo giảm hơn 3%; số vụ giảm hơn 9,5% so với năm 2013. Con số này liệu có phản ánh đúng thực chất?
- Ông Nguyễn Bá Thuyền:
Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự nỗ lực của các cấp chính quyền. Nhưng 2 năm nay, kinh tế khó khăn, ít dự án kinh tế được đầu tư nên không có tình trạng thu hồi đất thì làm gì có nhiều khiếu nại, tố cáo. Do vậy, Chính phủ nên xem xét có thực sự giảm hay không vì hơn 68% là khiếu nại về lĩnh vực đất đai.
Người dân thôn Suối Phẩn, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên đối thoại với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Nội chính Tỉnh ủy về tiền bồi thường thu hồi đất Ảnh: HỒNG ÁNH
Đáng lưu tâm, lượt đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tiếp tục tăng với 12%. Có đoàn lên tới vài trăm người căng khẩu hiệu, biểu ngữ, đi diễu hành trên đường phố hoặc tập trung trước nhà riêng lãnh đạo Đảng, nhà nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết ngay tại các cơ quan trung ương.
Nguyên nhân một phần do kẻ xấu lợi dụng, kích động nhưng phần lớn là một người đi khiếu nại chẳng có ý nghĩa gì, khiếu nại miết mà chính quyền không giải quyết nên buộc phải liên kết để đòi quyền lợi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ hết sức nguy hiểm. Chính phủ cần nghiên cứu thật kỹ vấn đề này. Ngoài ra, tình trạng khiếu nại vượt cấp có chiều hướng gia tăng chứng tỏ hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao.
Ông nghĩ sao khi tỉ lệ khiếu nại sai là 59%, tố cáo sai 63,2%?
- Chính phủ nên nghiên cứu lại. Tôi đi tiếp dân cũng nhiều và thấy đa số người dân khiếu nại đúng mà mình không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng cho họ. Điển hình như vụ giải tỏa dọc tuyến Quốc lộ 20. Mình cứ vận động bà con để xem xét lại nhưng cuối cùng không giải quyết, rồi im luôn. Mấy năm rồi chưa bồi thường cho một hộ dân nào.
Chính quyền cứ nói dân không đồng ý thì kiện ra tòa nhưng nói thẳng ra tòa hành chính bản chất là “tòa dân kiện quan”. Mà dân kiện quan thì người ta còn e ngại lắm! Động chạm chính quyền, họ không muốn.
Vậy nguyên nhân chính do đâu, thưa ông?
- Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo chỉ là cái ngọn, cái gốc là chính sách. Chính sách pháp luật không đồng nhất, không đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn tạo ra những điều rất vô lý. Khi tổ chức thực hiện thì chưa tốt, không đến nơi đến chốn. Nhưng nguyên nhân chủ yếu và căn bản nhất vẫn là do năng lực yếu kém, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý nhà nước. Thậm chí còn trường hợp cán bộ tham nhũng, tiêu cực làm mất lòng tin của người khiếu nại, tố cáo. Điều này càng làm tình hình khiếu nại, tố cáo thêm phức tạp.
Luật Tiếp công dân quy định thủ trưởng các đơn vị phải trực tiếp tiếp dân nhưng tôi thấy lãnh đạo trực tiếp ít lắm, đa số là để cấp dưới đi. Mà cấp dưới đi thì sao giải quyết được vấn đề nên mới lằng nhằng mãi.
Rõ ràng, từ cơ sở anh không giải quyết đúng luật, không thấu tình đạt lý thì từ những vụ việc đơn giản, ít người trở thành khiếu kiện phức tạp, đông người, vượt cấp, kéo dài. Nếu tình trạng này chậm khắc phục sẽ phát sinh nhiều vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Khiếu nại, tố cáo kéo dài sẽ làm xói mòn lòng tin của dân đối với Đảng, nhà nước; dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, kích động.
Phải chăng đã đến lúc Chính phủ cần “mạnh tay”?
- Đáng lý là phải “mạnh tay” từ lâu rồi chứ không phải giờ mới bắt đầu.
Chính phủ cần nghiên cứu ban hành chính sách hợp thực tiễn, hợp lòng dân. Nhiều cử tri phàn nàn mua đất 20 triệu đồng/m2 nhưng bồi thường có 2,4 triệu đồng/m2. Ấy vậy mà lãnh đạo đi đâu cũng bảo làm điều lợi cho dân, giá bồi thường bằng hoặc cao hơn giá thị trường. Miệng thì nói thế nhưng quy định pháp luật thì khác hoàn toàn.
Tiếp đó là cần chăm lo cho đội ngũ cán bộ. Những người làm công tác tiếp dân phải là người có năng lực thật sự, có tâm huyết. Chứ thực tế thấy ông bà nào yếu nhất, không làm được gì mới đưa sang tiếp dân thì nói thật qua ngồi chơi xơi nước. Cho nên đội ngũ này phải đào tạo, bồi dưỡng và nhất là phải có chính sách nào đó để họ an tâm, yêu cái nghề, tránh tình trạng vô cảm trước dân.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội:
Cứ lình bình, 20 năm nữa vẫn vậy!
Báo cáo của Chính phủ chỉ đưa ra số đơn đã giải quyết, số đơn còn tồn đọng mà thiếu hẳn việc đánh giá, xử lý trách nhiệm của cơ quan nhà nước và cán bộ trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cán bộ có sai không? Tôi khẳng định là sai rất nhiều. Nhất là thời hạn xử lý đơn luôn trễ mặc dù luật có quy định rõ ràng. Cán bộ thích thì giải quyết, không thì để đơn chìm nhưng chẳng ai bị kỷ luật, thậm chí kiểm điểm. Cơ quan nhà nước sai, không thấy ai bị xử hết.
Hai năm Luật Khiếu nại, tố cáo có hiệu lực mà tôi chưa thấy lãnh đạo cấp huyện, cấp tỉnh nào bị kỷ luật vì chuyện này. Đã đến lúc Chính phủ cần mạnh tay xử lý những cán bộ vi phạm, chứ cứ để tình trạng lình bình như hiện nay thì 20 năm nữa cũng không có gì tiến triển.
PHAN ANH thực hiện - Theo: NLĐ