Ngày 29.8, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.HCM, đã hoàn tất kết luận điều tra vụ lừa đoạt tiền qua điện thoại và chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP.HCM đề nghị truy tố 10 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Không tố giác tội phạm”.
Băng nhóm do Wu Tung I điều hành - Ảnh: Đàm Huy
Từ cuối năm 2013 đến nay, trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh, thành khác đã xảy ra hàng loạt vụ lừa qua điện thoại (ĐT) đoạt tiền gây bức xúc dư luận. Sau đó, Công an TP.HCM triệt phá hàng chục băng nhóm. Trong đó, nổi cộm nhất là băng do Wu Tung I (41 tuổi, người Đài Loan) điều hành. Theo thông tin từ Tổng cục Cảnh sát Đài Loan, Wu Tung I là đối tượng truy nã của cảnh sát Đài Loan, y đã từng phạm các tội: mua bán trái phép chất ma túy, tội gây nguy hiểm nơi cộng đồng, tội xâm hại tình dục nên trốn sang Thái Lan tham gia đường dây gọi ĐT lừa đoạt tiền do một ông “trùm” người Đài Loan tổ chức. Năm 2010, hắn được cử sang VN tìm hiểu, thành lập băng nhóm. Đến năm 2013, ông “trùm” ở Đài Loan đã điều động 2 người Đài Loan qua gặp Wu Tung I lên kế hoạch gây án. Thủ đoạn của bọn chúng là thuê người VN từ Đài Loan gọi về VN giả nhân viên viễn thông thông báo nợ cước ĐT; rồi tự xưng công an, Viện KSND... dọa nạn nhân liên quan đến băng nhóm tội phạm quốc tế và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng để kiểm tra, sau đó rút chiếm đoạt.
Đóng giả như thật
Đáng lo ngại hơn, cách thức lừa đảo trên dù được cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo từ đầu năm 2014 nhưng người dân vẫn “sập bẫy”.
Mới đây nhất là vụ bà Tr. (ngụ Q.Bình Thạnh) bị lừa 1,06 tỉ đồng. Ngày 15.8, bà Tr. đã nhận được cuộc ĐT báo nợ cước, rồi dọa dính líu đến đường dây tội phạm và yêu cầu chuyển tiền kiểm chứng, nếu không vi phạm sẽ chuyển trả tiền lại. Từ ngày 15 - 16.8, bà Tr. đã chuyển 3 đợt tổng cộng 1,06 tỉ đồng và bị bọn chúng rút chiếm đoạt. “Bọn chúng đóng giả công an như thật, nội dung đe dọa rất bài bản, tâm lý khiến tôi rất sợ hãi và chỉ biết làm theo yêu cầu của chúng. Tóm lại vì sợ dính líu đến pháp luật nên mới chuyển tiền cho bọn chúng”, bà Tr. kể. Bằng thủ đoạn tương tự, ngày 20.8, bà C. (ngụ H.Hóc Môn) cũng bị lừa 300 triệu đồng. Đáng chú ý, cách đó 2 ngày, bà C. đã nhận được tin nhắn của Công an TP.HCM vào máy ĐTDĐ khuyến cáo về thủ đoạn nói trên nhưng cũng bị “sập bẫy”.
Từ tháng 5 - 8.2014, trò lừa đảo này tạm lắng ở TP.HCM nhưng chuyển sang các tỉnh, thành khác và giữa tháng 8.2014 thì nổi lên lại. “Chúng tôi có trao đổi với cảnh sát Đài Loan được biết, kịch bản mà chúng dàn dựng gọi ĐT lừa tại VN được bậc thầy tâm lý tội phạm viết ra và quy định ngành, ngôn từ sử dụng rất chuẩn. Bọn chúng tìm cách tiếp cận nạn nhân, dẫn dắt, cuốn hút nạn nhân. Chúng đưa ra nhiều lý do rất logic, hợp lý nhưng mang tính chất đe dọa nghiêm trọng như: nếu không chuyển tiền để xác minh thì công an không thể lên phương án bảo vệ người thân đi làm, con đi học khi bọn tội phạm muốn thủ tiêu bịt đầu mối...”, một điều tra viên của PC46 tiết lộ.
Theo trung tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng đội 8 (PC46), cách đây 10 năm, bọn tội phạm đã dùng thủ đoạn này gây án ở Đài Loan và đến nay bọn tội phạm vẫn thỉnh thoảng còn sử dụng gây án ở đây.
Theo số liệu thống kê của Công an TP.HCM, từ đầu năm 2014 đến nay, PC46 đã khám phá 13 vụ án, bắt giữ 55 bị can (trong đó có 14 người nước ngoài); lừa trên 100 người, chiếm đoạt khoảng 30 tỉ đồng, thu hồi hơn 6 tỉ đồng và thu giữ gần 400 thẻ ATM, hàng trăm ĐT bàn, ĐTDĐ.
Đàm Huy - Theo Thanh Niên