Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn công khai thách thức các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Quản lý thị trường, Tổng cục Hải quan cùng các bộ, ban ngành. Thị trường khó quản, theo lý giải, một phần do cơ quan quản lý thiếu thông tin cũng như thiếu sự hợp tác của các doanh nghiệp.
Các loại tôn giả, tôn đôn dem nhái nhãn mác các thương hiệu trong nước “móc túi” người tiêu dùng hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. (Trong ảnh: Tôn nhái mác Kai ching bán giá tôn dày 3,5mm nhưng đo thực tế chỉ dày 2,94mm).
Xin cơ quan quản lý ra tay
Tại hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép tại Việt Nam: Nhận diện và quản lý” do Hiệp hội Thép và Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 26/11, khá nhiều đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong ngành thép thừa nhận, nạn tôn nhái xuất xứ Trung Quốc đã trở thành vấn nạn đe dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp, bóp chết thị trường trong nước.
Tỏ thái độ gay gắt khi nói về vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong ngành thép, Chủ tịch Tôn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ cho rằng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái chính là trong lĩnh vực tôn thép khi ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay mà không bị xử lý. Đây là vấn đề của quốc gia, của nền kinh tế chứ không phải của một doanh nghiệp nào.
Cũng theo ông Vũ, trong số 15 doanh nghiệp trong nước đang sản xuất kinh doanh tôn thép lớn nhất thị trường và hàng trăm doanh nghiệp nhỏ hơn, chỉ có 3 hoặc 4 doanh nghiệp in mã số đúng quy định và sản xuất đúng với tiêu chuẩn chất lượng, còn lại hầu hết là bán hàng nhái với dòng MSC và MC trên tấm tôn.
“Người tiêu dùng mua tôn ở bất kỳ đâu phải lấy hóa đơn tài chính ở đó. Đây là cách đầu tiên để người tiêu dùng, bằng chứng tốt nhất để đòi lại quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu lấy đủ hóa đơn tài chính, ít nhất nguồn thu ngân sách của Nhà nước cũng sẽ không bị thất thu do các doanh nghiệp phải đóng đủ thuế cho Nhà nước”, ông Vũ nói.
Đại diện Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận, việc chống hàng giả, hàng nhái gặp khá nhiều khó khăn do thiếu thông tin cũng như thiếu sự hợp tác của chính các doanh nghiệp. Trong thực tế, các doanh nghiệp khi bị xâm hại thương hiệu nhưng không hề phản ánh với các cơ quan chức năng. Việc chống hàng giả, hàng nhái cần sự giúp sức của toàn xã hội.
Bà Trần Thị Minh Chính, Phó Giám đốc Cty Thương mại và Công nghiệp Mỹ Việt khẳng định, tình trạng nhái nhãn hiệu của nhau để lừa người tiêu dùng, trục lợi từ thương hiệu của các đối thủ là vấn đề gây bức xúc trong ngành tôn nhiều năm qua mà doanh nghiệp không biết kêu ai. Các doanh nghiệp Trung Quốc tìm đủ chiêu để móc nối với các đại lý, doanh nghiệp trong nước để bán tôn giả, tôn kém chất lượng. Họ sẵn sàng chi cả núi tiền để mời các doanh nghiệp sang Trung Quốc tham quan, đi du lịch và cắt phế cao cho các đơn vị bắt tay với họ bán hàng kém chất lượng.
“Cách đây không lâu, chúng tôi phát hiện hai đơn vị từng là bạn hàng của Cty chào bán ra thị trường Hải Dương và Hà Nội các sản phẩm nhái nhãn hiệu tôn Vitek của chúng tôi với chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn. Liên hệ để làm rõ việc làm nhái, các “đối tác cũ” này thẳng thừng tuyên bố sẽ tiếp tục bán các hàng nhái. Họ còn thách thức nếu chúng tôi làm gắt họ sẽ chuyển sang dùng các tên nhái như Vitexko hay Vitex Korean để tiếp tục lừa người tiêu dùng”, bà Chính cho biết.
Khó quản vì… thiếu thông tin
Chia sẻ về khó khăn trong quản lý thị trường, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), thừa nhận việc chống hàng giả không hề đơn giản nếu thiếu sự chung tay của chính các doanh nghiệp. Lực lượng chức năng không thể “ôm sân” tất cả các lĩnh vực nếu không được chia sẻ thông tin. Trong thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp đặt hàng nhái sản xuất ở nước ngoài rồi nhập về Việt Nam để tiêu thụ.
“Với việc báo chí phản ánh về hàng tôn giả, hàng nhái, quản lý thị trường đã kiểm tra, tịch thu 10 nghìn tấn các loại thép và tôn. Trong đó, đợt ra quân cách đây ít ngày, riêng Hà Nội thu được gần 200 tấn tôn giả nhập khẩu từ Trung Quốc nhái nhãn các thương hiệu trong nước. Chúng tôi đang trong quá trình kiểm tra, làm rõ 16 vụ hàng giả, hàng nhái liên quan đến kinh doanh tôn, thép. Chúng tôi không thờ ơ với hàng giả, hàng nhái”, ông Tín lý giải.
Con số được đại diện Tổng cục Hải quan đưa ra tại hội thảo khiến không ít người thấy giật mình, trong 9 tháng đầu năm 2014 các Cty thương mại đã nhập khẩu khoảng 500.000 tấn tôn các loại, chủ yếu từ Trung Quốc về để tiêu thụ trong nước với tổng trị giá hơn 4,2 tỷ USD.