Sông Hồng từ lâu đã “nóng” với tình trạng “cát tặc” hoành hành. Sau nhiều đợt ra quân dẹp thì vấn nạn này có giảm, nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Con đường từ bến đò Văn Đức chạy qua xã Văn Đức (Gia Lâm) bị phá tan hoang do phương tiện chở cát.
“Cát tặc” vẫn lộng hành
Sau đợt ra quân truy quét “cát tặc” của lực lượng CA thuộc Bộ Công an tại lưu vực sông Hồng, qua huyện Phúc Thọ vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 6 đối tượng liên quan để điều tra về hành vi “vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”. Tuy nhiên, theo ghi nhận ít ngày sau đó, các tàu, thuyền hút cát vẫn tiếp tục hoạt động lén lút khi trời tối.
Tình trạng khai thác cát trái phép đã trở nên nhức nhối trên sông Hồng. Lúc công khai, lúc bí mật, thậm chí giả dạng như những thuyền câu cá.
Có mặt tại bến đò Trần Phú (phường Trần Phú, Hoàng Mai), chúng tôi dễ dàng nhìn thấy hoạt động khai thác cát đặc biệt nhộn nhịp vào chiều - tối. Theo một số chủ đò tại bến, trước đây, do lực lượng CA kiểm tra thường xuyên, nên các tàu này giảm bớt cường độ khai thác và chuyển hoạt động về đêm tối hoặc sáng sớm.
Công khai hút cát giữa sông (đoạn gần bến đò Trần Phú), dù đang là thời điểm đông người qua lại.
Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự dọc đoạn sông thuộc địa phận xã Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội). Nhiều chủ tàu còn cảnh giác cử các thuyền nhỏ bơi ra xa thám thính, khi thấy bóng khả nghi sẽ đánh động để trốn tránh lực lượng chức năng.
Chị Hoàng Thu T, chủ hàng nước tại bến đò gần đó cho biết, các tàu đến chủ yếu từ các tỉnh lân cận. Sau khi hút cát, các tàu này sẽ tập kết về bến ven bờ, sau đó được xử lí và có xe khác chuyên chở về bãi chứa vật liệu. Thậm chí, nhiều giao dịch còn được thực hiện giữa các tàu trên sông, tránh sự tuần tra của lực lượng chức năng.
Gần chục kilômét bờ sông (từ cầu Thanh Trì tới xã Vạn Phúc) có tới vài chục bãi cát, sỏi nằm dải hai bên bờ, cùng với sự hiện diện của hàng chục chiếc tàu khoan - hút cát nằm ngổn ngang trên sông. Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, lượng cát được khai thác cát dưới lòng sông hiện nay chủ yếu là lượng khai thác trái phép (chiếm gần 90%) và trên toàn thành phố (chủ yếu là lưu vực sông Hồng) chỉ có khoảng 10 giấy phép được cấp quyền khai thác cát, san cát. Trong 4 năm trở lại đây, không có bất cứ cơ sở nào được cấp phép thêm nữa.
Trách nhiệm thuộc về xã, huyện
Việc hút cát trái phép không những ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên cát trên sông Hồng, ảnh hưởng đến dòng chảy mà còn làm cho nhiều diện tích canh tác ven sông của người dân bị nhiễm mặn, đe dọa cuộc sống của chính những hộ dân ven sông. Thông thường, để lấy được cát đủ chất lượng, các đối tượng khai thác trái phép phải móc sâu xuống lòng sông, thậm chí chọc sâu vào phần bãi bồi đã được tích tụ nhiều năm, tạo nên những “hàm ếch” rất nguy hiểm.
Theo đó, tình trạng khai thác cát trái phép không chỉ làm sạt lở đất ngay tại nơi khai thác mà có thể làm thay đổi dòng chảy sông Hồng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, an toàn tính mạng của những hộ dân sống ven sông. Đặc biệt, do tác động của việc đổi dòng, ngay cả những nơi đã có kè vẫn có thể bị sạt lở. Thêm nữa, phương tiện chuyên chở cát qua đường làng đã phá hủy nhiều tuyến đường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.
Để xảy ra tình trạng “cát tặc” lộng hành, rõ ràng, trách nhiệm ở đây trước tiên thuộc về chính quyền sở tại là UBND cấp xã, huyện.