Tuyến đường qua đò kéo trên sông Mã Đà giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đã chính thức bị cấm để bảo vệ khu dự trữ sinh quyển. Cấm đường nhưng chưa thực hiện di dân khiến cuộc sống của người dân bị xáo trộn.
Cấm đường để bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển
Theo nội dung công văn số 9606/UBND-CNN của UBND tỉnh Đồng Nai (ban hành ngày 13/10/2014), “Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành đóng tuyến đường tự phát xuyên qua khu bảo tồn đi qua tỉnh Bình Phước, đồng thời thực hiện cấm việc đi lại qua vị trí có bến đò tự phát tại khu vực này”.
Thực hiện nội dung chỉ đạo của công văn trên, ngày 17/11/2014, các ban ngành liên quan thuộc huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã tiến hành dựng barie, treo bảng cấm người và phương tiện lưu thông qua tỉnh lộ 768 để qua đò tạm sang tỉnh lộ 322 thuộc tỉnh Bình Phước.
Như Dân trí đã phản ánh trong bài viết “Lạnh người những chuyến đò kéo qua dòng Mã Đà hung hãn”, sông Mã Đà là nơi giáp ranh giữa xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, Bình Phước và xã Mã Đà thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Đây là cung đường ngắn nhất để người dân sinh sống hai bên sông thông thương, nếu đi đường vòng qua bến phà Hiếu Liêm, chặng đường sẽ dài thêm gần 100km.
Trước đây, từng có một cây cầu nối liền hai bờ nhưng cây cầu đã bị bom đạn trong kháng chiến chống Mỹ đánh sập, hiện mố cầu vẫn còn đứng sừng sững giữa dòng Mã Đà. Về mùa mưa, để qua được dòng sông hung hãn này người dân phải liều mình đi trên những chuyến đò kéo tay của gia đình ông Võ Trung Thành (52 tuổi) với cước phí 10.000 đồng/xe máy mỗi lần sang sông. Chính vì sự tiện lợi từ việc rút ngắn được quảng đường nên mỗi ngày bến đò tự phát của vợ chồng ông Thành đưa đón hàng trăm lượt người qua sông.
Barie cấm đường được thiết lập ngay chốt kiểm lâm Rang Rang
Biết những nguy hiểm mỗi ngày người dân phải đối mặt nhưng cả hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước đều không lên kế hoạch để xây dựng cầu vì tuyến đường này xuyên qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa tỉnh Đồng Nai.
Đến tháng 6/2011, Khu bảo tồn trên được UNESCO chính thức công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Diện tích của Khu dự trữ sinh quyển rộng hơn 100.000 ha bao gồm cả hồ thủy điện Trị An.
Ông Thái Ngô Đức, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Rang Rang cho hay, Khu dự trữ sinh quyển còn nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Việc cấm người dân qua lại trong khu bảo tồn nhằm mục đích bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã cũng như môi trường sinh thái. Đối với những hộ dân sống trong khu vực vùng lõi của khu bảo tổn, UBND tỉnh Đồng Nai đã có phương án di dời đến nơi ở mới.
Người dân hai bên bờ bị cô lập
Theo ông Phạm Ngọc Hải, Trưởng ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Khu dự trữ sinh quyển nằm trên địa phân của 3 xã Hiếu Liêm, Phú Lý, Mã Đà, hiện vẫn còn hàng nghìn hộ dân sinh sống trong vùng lõi và vùng đệm. Trong đó, người dân xã Mã Đà hầu hết đang sinh sống dựa vào đất canh tác các loại cây công nghiệp, hoa màu và vượt sông Mã Đà đi làm thuê tại tỉnh Bình Phước.
Tuyến đường này là điểm thông thương gần nhất của người dân hai bên bờ
Cấm đường để bảo vệ Khu sinh quyển là việc cần thiết, song trên thực tế quyết định trên đang gây ra nhiều xáo trộn cho việc đi lại thông thương của người dân hai bên bờ sông Mã Đà. Mặc dù UBND tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch di dời người dân trong khu vực bảo tồn đến các khu tái định cư, tuy nhiên đến nay các phương án vẫn chưa được thực thi.
“Bà con chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng và bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển. Chúng tôi cũng chẳng muốn náu mình giữa rừng sâu núi thẳm để phải đối mặt với những bầy thú hoang. Tuy nhiên, trước khi thi hành lệnh cấm đường kính mong nhà nước thực hiện kế hoạch đưa người dân đến khu tái định cư. Việc di dân chưa thực hiện nhưng đã “ngăn sông, cấm chợ” chẳng khác nào làm khó người dân” - ông Nguyễn Văn Thành, xã Mã Đà bày tỏ.
Ông Thành Vẫn bất chấp lệnh cấm đưa khách sang sông
Theo ghi nhận của phóng viên, một tuần sau ngày tỉnh lộ 768 bị cấm, người dân vẫn cố tìm cách vượt sông Mã Đà để tiếp tục công việc mưu sinh. Lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn cũng đang từng bước tuyên truyền vận động người dân. “Trước mắt, chúng tôi chưa thực hiện cấm triệt để mà đang từng bước vận động để người dân hiểu và tự giác tìm tuyến đường khác để đi lại”, một kiểm lâm viên thuộc Trạm kiểm lâm Rang Rang cho biết.
Ông Võ Trung Thành, chủ đò kéo cho hay: “Sau khi cả đường và đò bị cấm, nhiều người dân đã cố tình bơi qua sông. Nước sông mùa này đang lên cao, chảy cuồn cuộn, dù đã tính đến chuyện dẹp đò nhưng thấy sự nguy hiểm đến tính mạng mọi người nên tôi cũng cố ý tiếp tục đưa khách qua sông. Mong rằng chính quyền tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sớm có phương án để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống”.