7h sáng ngày thứ sáu 7.11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, đầu đội mưa, chân giẫm nước, xuất hiện trước cửa phòng trọ của cô công nhân Chu Thị Loan trong chuyến ông thị sát nơi ăn chốn ở cho công nhân tại khu công nghiệp Yên Bình - Thái Nguyên.
Loan người Tuyên Quang. Đã xuống làm công nhân Cty Samsung Việt Nam được khoảng 3 tháng. Ba “chị em” thuê trọ trong căn phòng 14-15m2 với giá 1 triệu đồng mỗi tháng. Loan nói lương cô 6,5 triệu và nhà thuê như thế này là “quá tốt rồi”. Cuộc sống của Loan 3 tháng qua là ngày ngủ, đêm đi làm ca. Thi thoảng, người chồng, ở nhà nuôi cá - từ Tuyên Quang vượt 200km, mang thằng cu xuống gặp mẹ. Buổi tối, phương tiện giải trí duy nhất của “ba chị em” là một chiếc điện thoại có thể phát nhạc. Loan tự cho cô là người may mắn bởi cô mau mắn tìm được chỗ ở ngay, cho dù khu nhà trọ, do người dân đầu tư, còn chưa kịp xây xong. May mắn hơn 20.000 chị em khác giờ thật ra còn chưa biết ở đâu. Vâng, chính xác là 20.000, trong tổng số 58.000 “chị em” đang và sẽ làm việc tại Samsung Thái Nguyên.
Cuộc viếng thăm không hề báo trước, câu chuyện không hề có kịch bản, và con số không hề được tô vẽ đang đặt ra một vấn đề lớn: Vậy thì công nhân khu công nghiệp đang ở đâu. Chỉ ít phút sau đó, trong cuộc gặp Bộ trưởng, ông Tổng Giám đốc Samsung, rất bất ngờ, xin được đặt lại một câu hỏi. Tất nhiên, vẫn là chuyện nhà ở công nhân. “Samsung đang có 28.000 công nhân. Mỗi tuần tuyển thêm 1.500 nhân vên. Đến tháng 6.2015, sẽ lên tới 58.000 người. Và dù đã xây dựng khu ký túc xá với 9 tòa nhà được 7.880 chỗ ở, nhưng doanh nghiệp đang thiếu chỗ ở trầm trọng khi 20.000 nhân viên của họ thậm chí không thể thuê được chỗ ở nữa(?!)”
Thái Nguyên đang thoái hóa trầm trọng về hạ tầng. Nói như Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Đình Phách, ngay cả các công sở đều “từ thời đồng chí Chu Văn Tấn” - nghĩa là từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trụ sở tỉnh ủy xập xệ, xuống cấp. Nhà khách không thể cho khách ở. Trụ sở các ban đảng liên tục phải sửa chữa. 90% là cũ nát. Chỗ làm việc của PGĐ Sở công thương, một sở mang tiếng giao thương, là một cái nhà tôn. “Kể cả các bệnh viện. Các đồng chí ra ngay viện mắt đây. Chồng chất. Chật chội”. Nhà đồng bào thì leo kha keo kheo mấy cái lá lợp và “trung tâm ATK giờ thành đèo heo hút gió”.
Nhưng cái lo nhất của ông bí thư, của Thái Nguyên giờ lại chính là vấn đề nhà ở cho công nhân. “5,8 vạn người. Các cháu thì xa, từ Nghệ An ra, từ Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang xuống. Nhu cầu nhà cho công nhân đang gâp áp lực rất lớn và thực sự là sự băn khoăn, là nỗi lo của tỉnh. Nhưng nỗi lo thiếu chỗ ở cho công nhân không phải chỉ là nỗi lo của riêng Thái Nguyên. 295 khu công nghiệp trên cả nước, 2,2 triệu công nhân và chỉ 20% trong số đó được lo chỗ ở. Chưa hết, đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các KCN đạt khoảng 7,2 triệu. Và Chính phủ sẽ phải lo chỗ ở cho khoảng 4,2 triệu người, tức là cần phải có 33,6 triệu mét vuông nhà ở.
Là bộ trưởng chẳng thích. Bởi ngoài chuyện 20.000 công nhân ở Thái Nguyên, 4,2 triệu trên toàn quốc, ông còn phải lo một mối lo khác, bảo xa cũng đúng mà nói nhãn tiền cũng không sai. Ấy là việc các khu đô thị tự phát, các khu dịch vụ tạm bợ sẽ ngay lập tức hình thành mà quản lý không khéo dứt khoát sẽ thành ra là vô tổ chức. Nói như Cục trưởng cục quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà, theo kinh nghiệm thì cứ 1 công nhân sẽ có 2 người làm dịch vụ kèm theo. Và đề phục vụ 5,8 vạn công nhân, chỉ ngay ngày mai, ở chính khu công nghiệp mang cái tên đẹp là Yên Bình này sẽ có một khu đô thị tự phát, và có thể sẽ không còn yên bình.
Trở lại câu hỏi khó của ông TGĐ Samsung Thái Nguyên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã dùng một từ rất chuẩn là “chúng ta”. Chúng ta là cả Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư. Chúng ta có nghĩa là cả tôi và ngài. Trách nhiệm lo chỗ ở cho công nhân là trách nhiệm chung của chúng ta. Nói Samsung là một tấm gương về việc chăm lo nguồn lực con người cho các doanh nghiệp khác, nhưng Bộ trưởng cũng bảo rằng: Các bạn cũng tính toán để có thể thêm nhà cho công nhân, đa dạng hóa nhu cầu ở, ngay cả đối với những công nhân có gia đình vì người lao động không phải lúc nào cũng trẻ trung và phơi phới như chúng ta nhìn thấy hôm nay.
Một địa chỉ của chuyến thị sát là một nông dân, người đang xây những ngôi nhà cho thuê. Bộ trưởng Dũng hỏi han rất kỹ về nguồn vốn và những khó khăn trong việc xây nhà cho công nhân thuê. Ý tưởng của ông, thật ra đã được cụ thể hóa trong luật nhà ở, rằng việc lo nhà cho công nhân lao động, ngoài nhà nước, ngoài doanh nghiệp, cần có sự tham gia của các nhà đầu tư khác, đặc biệt là người dân. Bộ trưởng Dũng nói với Bí thư Phách rằng việc họ tham gia làm nhà ở không những giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp mà còn giải quyết cuộc sống của những người dân nông thôn, nhất là những người đã phải chuyển đất cho khu công nghiệp và giờ không thể làm công nhân khu công nghiệp vì lý do tuổi tác, trình độ.
Bộ trưởng Dũng hứa với Thái Nguyên sẽ lập tức cử một tổ công tác để nghiên cứu quy hoạch khu vực Yên Bình để nhà ở thực sự là nhà ở chứ không chỉ thuần túy là chỗ ngả lưng giữa ca, để nơi đó, còn có thêm các khu vực dịch vụ tối thiểu khác: Y tế, trường học, và cả những nhu cầu giải trí tối thiểu. Còn những doanh nghiệp, những người dân tham gia làm nhà ở cho công nhân, cũng chắc chắn, họ sẽ có thể tiếp cận một cách dễ dàng gói hỗ trợ 30 ngàn tỉ. “Các đồng chí lưu ý giúp rằng 85% công nhân khu công nghiệp là nữ. Thách thức về cơ cấu giới tính là rất nóng và chúng ta cũng không thể bỏ qua”- ông Dũng cười, nhưng rất nghiêm túc.
Một bộ trưởng hình như cũng không được bỏ qua bất cứ nỗi lo lắng tiềm tàng nào. Nhưng thật ra, ý định lớn lao hơn của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, sau một chuyến thị sát tưởng như công vụ thuần túy, là một quy định trong luật, đại khái, khi trải tấm thảm đỏ với các nhà đầu tư, chúng ta cũng đề nghị họ một điều nho nhỏ và vô cùng hợp lý: Một điều kiện về chỗ ở cho công nhân, như một hình thức họ chăm lo cho nguồn lực của chính mình.