“Giá trị đồng tiền là thước đo sức mạnh kinh tế của mỗi quốc gia”, một nguyên lý không hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp nhưng trị giá đồng tiền nội tệ vẫn là một trong những thước đo chủ yếu đánh giá sức mạnh kinh tế của từng quốc gia. Trung Quốc đang mơ Nhân dân tệ sẽ thành đồng tiền siêu cường.
Thật vậy, Trung Quốc đang là những người khao khát biến đồng nội tệ của mình, là đồng Nhân dân tệ, trở thành công cụ thanh toán chủ yếu nhất trên toàn thế giới hơn ai hết để chứng minh cho sức mạnh kinh tế thuộc loại hàng đầu thế giới của mình. Nhưng khi mà Trung Quốc đã đứng thứ hai và ngấp nghé soán ngôi vị dẫn đầu của Mỹ về kinh tế, thì đồng Nhân dân tệ vẫn chỉ là đồng tiền giao dịch phổ biến thứ 7 trên thế giới. Và người Trung Quốc vẫn tiếp tục mơ.
Khao khát biến Nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền giao dịch chủ yếu nhất trên thế giới của Trung Quốc đã bắt đầu từ lâu, như một biểu tượng cần thiết cho quyền lực kinh tế của mình. Nhưng nó chỉ trở nên cấp thiết, khi Trung Quốc đã trở thành một trong hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, với những yêu cầu thực tế mang tính cấp bách hơn.
Ai cũng biết, Trung Quốc là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất về tài chính trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Sự mất giá đồng USD do Mỹ in thêm tiền để giải cứu hệ thống tài chính trong nước đã khiến khối dự trữ ngoại tệ lên tới hàng nghìn tỉ USD của Trung Quốc bỗng dưng không cánh mà bay một phần đáng kể.
Cũng từ đó, Trung Quốc đẩy mạnh các chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, trong đó có việc chuyển đổi một phần quỹ dự trữ ngoại tệ sang đồng Euro hay vàng, nhưng mục tiêu lâu dài nhất của Bắc Kinh trong vấn đề này là biến Nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền được giao dịch phổ biến trên thế giới, đạt được vị thế mà đồng USD hay Euro đang nắm giữ. Nhưng mục tiêu, chiến lược và nhất là cách làm không giống ai của Trung Quốc đang khiến giấc mơ về đồng Nhân dân tệ vẫn đang khá xa vời.
Theo thống kê, dù Trung Quốc đã trở thành một trong hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thì đồng Nhân dân tệ vẫn đang là đồng tiền phổ biến thứ 7 trên thế giới với mức độ và tần suất giao dịch quốc tế rất thấp, chỉ khoảng 1,6%, trong khi đó tỷ lệ này với đồng USD là 40,19% và với đồng Euro là 31,78%.
Bản thân Trung Quốc cũng rất hiếm khi sử dụng đồng Nhân dân tệ trong giao dịch của chính mình trong các hợp đồng với nước ngoài, khi mà các quy định vẫn giới hạn vào các đồng tiền như USD hay Euro. Một câu chuyện cười vì thế thường được lan truyền trong giới tài chính thế giới, rằng Trung Quốc muốn cả thế giới dùng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán, nhưng bản thân người Trung Quốc lại ưu tiên dùng đồng USD hay đồng Euro hơn.
Nguyên nhân cơ bản cho tình trạng này là vì dù đã trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc lên kinh tế thế giới vẫn khá thấp. Mức độ ảnh hưởng của các tập đoàn kinh tế Trung Quốc ở nhiều nước trên thế giới thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, Đức, Nhật và một số nước khác.
Nếu như đồng USD hay đồng Yen bành trướng ảnh hưởng cùng với quá trình kinh tế Mỹ và Nhật mở rộng đầu tư ra khắp thế giới một cách tự nhiên, thì Trung Quốc lại không có được sự mở rộng đầu tư tương tự đó. Kinh tế Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thay vì đầu tư ra nước ngoài.
Vì thế, để đạt được mục tiêu của mình, Trung Quốc đang tiến hành theo những cách thức không giống ai. Thay vì để đồng Nhân dân tệ tự động mở rộng ảnh hưởng theo mức độ đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn trong nước, Bắc Kinh lại muốn đi đường tắt. Theo đó, Trung Quốc đã lồng vào sự hợp tác kinh tế với các nước khác điều khoản cho phép hai nước có thể sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán khi cần thiết.
Các chuyên gia cho rằng đây là một điều khoản không mang nhiều ý nghĩa, vì nó không mang tính bắt buộc và không nước nào lại rước phiền phức vào người. Số nước ký điều khoản này với Trung Quốc hiện đã trên 20, nhưng số thực hiện điều khoản này chỉ đếm trên đầu ngón tay, do những khó khăn kinh tế trong nước và buộc phải chấp nhận các khoản vay của Trung Quốc.
Sở dĩ như thế, là vì các nước vay Nhân dân tệ thường phải hoán đổi một lần nữa sang USD hay Euro rồi mới thanh toán, và công đoạn trung gian này thường hao tốn một khoản phí đổi tiền không nhỏ, tạo nên sự phiền phức cho các nước vay tiền. Vì thế, khoản vay giờ đây cũng đang có xu hướng chuyển sang USD sẽ nhanh gọn hơn, khoản vay 4 tỉ USD mà Venezuela mới vay của Trung Quốc cũng dùng đồng USD chứ không phải Nhân dân tệ.
Một nguyên nhân khác cũng đang cản trở tham vọng tăng ảnh hưởng cho đồng Nhân dân tệ, là chính sách ghìm giá đồng nội tệ để tạo ưu thế cho xuất khẩu của chính phủ Trung Quốc. Một đồng tiền yếu thường không nhận được sự quan tâm của giới tài chính. Gần đây nhất, Bắc Kinh đã thông qua khoản ngân sách trị giá 7.000 tỉ Nhân dân tệ, tương đương 1,1 ngàn tỉ USD, trong 300 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cũng đang khiến giá đồng Nhân dân tệ rớt xuống.
Trong tương lai, khi mà xuất khẩu vẫn chiếm một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, buộc chính phủ nước này vẫn phải giữ giá đồng nội tệ, thì sẽ rất khó có khả năng để đồng Nhân dân tệ gia tăng ảnh hưởng.