Trước năm 2017, Philippines sẽ chi 91 tỷ peso để mua vũ khí trang bị, yêu cầu TQ đã hứa thì nên làm, không rút đơn kiện TQ, bắt giữ lao động TQ...
Tổng thống Philippines Benigno Aquino cầm súng trường tấn công M4 (ảnh tư liệu)
Mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 18 tháng 11 đăng bài viết "Philippines tuyên bố có kế hoạch chi 2 tỷ USD mua vũ khí", cho biết, Tổng thống Philippinese Benigno Aquino đã đưa ra mục tiêu trước năm 2017 chi 91 tỷ peso (khoảng 2 tỷ USD) để mua trang bị quốc phòng.
Tại một hoạt động kỷ niệm tròn 75 năm thành lập Bộ Quốc phòng Philippines ngày 17 tháng 11, Tổng thống Aquino đã tái khẳng định cam kết tiến hành nâng cấp hiện đại hóa đối với năng lực tác chiến của lực lượng vũ trang Philippines, nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông Aquino cho biết, chi tiêu và kế hoạch mua sắm vũ khí trang bị do chính phủ của ông (nhậm chức vào tháng 6 năm 2010) phê chuẩn đều nhiều hơn các Chính phủ Philippines 3 khóa trước. Ông cho biết, đến nay, chính phủ của ông đã phê chuẩn 46 kế hoạch mua sắm vũ khí, tổng trị giá là 41,4 tỷ peso.
Ông phát biểu nhấn mạnh, chi tiêu mua sắm vũ khí trang bị trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Ông nói: "Là một phần của kế hoạch phát triển năng lực tác chiến cho lực lượng vũ trang Philippines, có 33 chương trình mua sắm vũ khí sẽ hoàn thành trước năm 2017. Những chương trình này tổng ngân sách là 90,86 tỷ peso".
Trang bị tác chiến chủ yếu đặt mua gần đây của các lực lượng vũ trang Philippines bao gồm máy bay tấn công hạng nhẹ FA-50 do Công ty công nghiệp hàng không Hàn Quốc sản xuất, máy bay trực thăng thông dụng Bell 412, thông dụng tấn công hạng nhẹ AW109 do công ty Agusta Westland sản xuất, máy bay trực thăng thông dụng UH-1 Iroquois phiên bản tân trang và tàu tuần tra lớp Hamilton cũ của Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ - lực lượng vũ trang Philippines gọi là tàu hộ vệ tuần tra.
Philippines mua máy bay trực thăng W-3A do Ba Lan sản xuất
Chương trình mua sắm vũ khí (dự tính sẽ hoàn thành trước năm 2017) của Philippines bao gồm mua sắm hệ thống phòng không, máy bay vận tải C-130T của công ty Lockheed Martin, máy bay tuần tra tầm xa, máy bay chi viện đường không cự ly gần, máy bay trực thăng chiến đấu săn ngầm, tàu hộ vệ hạng nhẹ và xe bọc thép đổ bộ.
Những chương trình mua sắm ưu tiên khác của các lực lượng vũ trang Philippines bao gồm quân nhu, hệ thống thông tin và trang bị nhìn đêm.
Yêu cầu Bắc Kinh thực hiện lời hứa ở Biển Đông
VOA Mỹ ngày 19 tháng 11 đưa tin, Philippines bày tỏ hoan nghênh về việc lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình "hứa" Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ Biển Đông, nhưng yêu cầu Trung Quốc đồng thời phải áp dụng hành động thiết thực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines vào hôm thứ Tư tuyên bố, Philippines hoan nghênh Trung Quốc hứa hẹn lấy phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển, nếu lời hứa này có thể chuyển hóa thành hành động thì chắc chắn sẽ cải thiện tình hình Biển Đông.
Nhưng người phát ngôn cho hay, Trung Quốc hiện nay vẫn cứ hoạt động ở lãnh hải của Philippines. Ông yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt hoạt động khai thác ở đá Châu Viên, đá Gạc Ma và đá Gaven (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đồng thời "rút khỏi vùng biển do Philippines tuyên bố chủ quyền".
Ngày 17 tháng 11 năm 2014, tại Quốc hội Australia, ông Tập Cận Bình - lãnh đạo Trung Quốc "hứa" không dùng vũ lực ở Biển Đông.
Khi phát biểu ở Quốc hội Australia, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có nói là: "Trung Quốc nhất quán kiên trì thông qua đối thoại đàm phán, lấy phương thức hòa bình để xử lý tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển với các nước có liên quan".
Theo bài báo, tháng 3 năm nay, Philippines yêu cầu toà án trọng tài quốc tế La Hay đưa ra phán quyết về "tranh chấp chủ quyền lãnh thổ" với Trung Quốc ở Biển Đông, thách thức tính hợp pháp của “đường chín đoạn” (phi lý, bất hợp pháp). Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Philippines sẽ không rút đơn kiện và muốn Trung Quốc có thể tham gia.
Đối với vụ kiện của Philippines, trước đây, Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ cho biết là họ không chấp nhận, không tham gia và không có ý định đưa ra bất cứ phản hồi nào trước yêu cầu của tòa án này. Toà án trọng tài quốc tế yêu cầu Trung Quốc có văn bản phản hồi trước ngày 15 tháng 12 năm 2014.
Ngoài Philippines, các nước Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng vẫn chưa có hành động pháp lý để thách thức Trung Quốc.
Trung Quốc mời Philippines tham gia “con đường tơ lụa trên biển”?
Liên quan đến quan hệ Trung Quốc-Philippines, mạng tin tức GMA Philippines ngày 14 tháng 11 dẫn Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines cho biết, Trung Quốc hoàn toàn không gạt Philippines ra khỏi kế hoạch “con đường tơ lụa trên biển”, cho rằng, Philippines “chắc chắn là” một phần của con đường tơ lụa trên biển, “hoan nghênh Philippines trở thành đối tác tích cực và mang tính xây dựng của con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.
Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng "con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21"
Chiến lược con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 do ông Tập Cận Bình đưa ra vào tháng 10 năm 2013 khi ông thăm ASEAN, nội dung cốt lõi bao gồm trao đổi chính sách, kết nối đường sá, làm thông suốt thương mại, lưu thông tiền tệ và tương thông lòng người (giao lưu nhân văn). “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” trên đất liền tạo thành ý tưởng chiến lược “một vành đai, một con đường” thúc đẩy hợp tác và phát triển quốc tế của Trung Quốc hiện nay.
Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 có 2 nhánh: Một là từ duyên hải Trung Quốc đi qua Biển Đông, eo biển Malacca, đến Ấn Độ Dương, Địa Trung Hải. Hai là từ duyên hải Trung Quốc đi qua Biển Đông, đi qua quần đảo Indonesia đến Nam Thái Bình Dương, phạm vi hợp tác quốc tế bao gồm khảo sát khoa học biển, nghề cá, ngành du lịch, khai thác tài nguyên.
Tuy nhiên, hiện nay, Philippines vẫn chưa có phản ứng gì về Tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc coi Philippines là một phần của kế hoạch “con đường tơ lụa trên biển” đầy tham vọng.
Trước đó, tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 14 tháng 11 đăng bài viết “Philippines trả giá đắt do thách thức Trung Quốc, tổn thất chục tỷ USD đầu tư”. Bài viết dẫn tờ "Nhật báo phố Wall" Mỹ cho rằng, Philippines đã phải "trả giá đắt" cho việc gây thách thức pháp lý với Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đó là: thương mại, du lịch song phương đều ngày càng suy giảm. Hiện nay, Philippines còn đối mặt với bỏ lỡ một cơ hội đầu tư to lớn về hạ tầng cơ sở theo kế hoạch của Trung Quốc.
Kế hoạch "con đường tơ lụa trên biển" của Trung Quốc đi qua Đông Nam Á, Nam Á, Tây Á, Đông Phi, Bắc Phi đến Venice, nó đem lại cơ hội thương mại và việc làm cho khu vực đi qua. Nhưng, con đường này đã bỏ qua Philippines. Dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Rosario ngày 10 tháng 11 nói: “Chúng tôi cảm thấy lẻ loi”.
Tàu cá Trung Quốc trên biển (ảnh minh họa)
Theo bài báo, rõ ràng Philippines sẽ không trở thành một phần của “con đường tơ lụa trên biển”, cho dù Manila là một trong những cảng lớn của châu Á, trong khi đó, Singapore, Jakarta và Colombo đều nằm trong bản đồ theo kế hoạch của Trung Quốc.
Philippines bắt 11 người Trung Quốc lao động bất hợp pháp
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 20 tháng 11 dẫn tờ "Thương báo" Philippines cho biết, ngày 19 tháng 11, Cục di dân Philippines đã bắt giữ 11 người Trung Quốc cầm thẻ du lịch lao động bất hợp pháp ở tỉnh Bulacan, trong đó có một tội phạm trốn trại của Trung Quốc.
Theo quan chức Cục di dân Philippines, nhà cầm quyền đã phát hiện có 11 người làm việc mà không có giấy phép khi kiểm tra 14 người Trung Quốc tại một kho hàng. Họ đang cầm thẻ du lịch, loại thẻ này không thể làm việc ở Philippines.