Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2014. Một năm chứng kiến nhiều cuộc thay đổi mạnh mẽ từ cấp độ quản lý nhà nước đến việc tái cấu trúc nền kinh tế, phục hồi tăng trưởng.
Chỉ số PMI ở mức trên 50 trong 14 tháng liên tiếp cho thấy sự tăng trưởng của ngành sản xuất.
Tăng trưởng vượt mục tiêu, lạm phát thấp kỷ lục
Đầu năm, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 5,8% và nhiều khả năng mục tiêu này sẽ đạt được, khi tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm đã ở mức 5,62%.
Trong khi đó, lạm phát cả năm được HSBC dự đoán sẽ thấp hơn 4%, mức thấp kỷ lục kể từ năm 2003. Việc lạm phát giảm mạnh giúp Chính phủ điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa theo hướng nới lỏng hơn, cũng như tạo cơ sở để tăng trưởng kinh tế cao hơn vào các năm tới. Kết quả bỏ phiếu tín nhiệm mới đây cũng cho thấy, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao hơn về công tác điều hành nền kinh tế của Chính phủ.
Một điểm đáng chú ý trong bức tranh kinh tế là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tháng 10 tiếp tục đứng ở mức trên 50, đánh dấu 14 tháng liên tiếp tăng trưởng. Sự tăng trưởng này phần lớn nhờ vào các hoạt động của khối doanh nghiệp FDI.
Cải cách thể chế kinh tế có nhiều tiến bộ, song còn chậm
Trong thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến việc cần thiết phải cải cách thể chế kinh tế trong nước theo hướng tạo ra môi trường kinh doanh tự do, mang tính thị trường hơn cũng như giúp giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp.
Đến nay, đã có một số kết quả đáng ghi nhận như hàng chục ngàn thủ tục hành chính đã được cắt giảm. Riêng đối với thuế, Thủ tướng đã yêu cầu cắt giảm 50% số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế và phấn đấu đến năm 2015 thời gian nộp thuế của doanh nghiệp sẽ ngang bằng với mức trung bình trong khối ASEAN.
Tuy vậy, bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức thấp khi so sánh với thế giới. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 78 trong tổng số 189 nền kinh tế được Ngân hàng Thế giới xếp hạng, tụt 6 bậc so với năm ngoái. Điều này cho thấy, dù đã có tiến bộ nhưng tốc độ cải cách vẫn còn chậm, đặc biệt trong bối cảnh các nước láng giềng như Campuchia, Myanmar đang tăng tốc.
Ngành ngân hàng chưa hết khó khăn
Hệ thống ngân hàng, vốn được đánh giá là xương sống của nền kinh tế, vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong năm vừa qua. Tính đến ngày 24.10.2014, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,85% so với cuối năm 2013. Tuy có nhiều khả năng hoàn thành chỉ tiêu 10-12% cho năm nay, nhưng tốc độ tăng khiêm tốn như thế đã ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Vấn đề nợ xấu ngân hàng vẫn chậm được giải quyết, trong khi cơ chế hoạt động của công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) đang được xem xét điều chỉnh để hiệu quả hơn. Tính đến cuối tháng 8, tỉ lệ nợ xấu đứng ở mức 3,9%, cao hơn so với con số 3,61% hồi đầu năm.
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng
Trong bối cảnh sức cầu trong nước còn yếu ớt, xuất khẩu đã nổi lên là một điểm sáng của nền kinh tế. Trong 10 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu cả nước lên đến 123 tỷ đồng, tiếp tục duy trì mức tăng hai con số (13,4% tính đến tháng 10). Nhờ đó, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục thặng dư khi xuất siêu gần 1,86 tỷ USD.
Kết quả này khiến Việt Nam thêm phần hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Bằng chứng là các tập đoàn điện tử lớn như Samsung, Intel, LG, Panasonic vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Thị trường cổ phiếu phục hồi mạnh
Thị trường chứng khoán ghi nhận một năm tăng trưởng vượt bậc. Lần đầu tiên kể từ năn 2010, chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 600 điểm, thanh khoản thị trường theo đó cũng tăng mạnh. Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư trong nước, luồng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài cũng được cải thiện đáng kể, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư thế giới vào sự ổn định vĩ mô cũng như tiềm năng của Việt Nam trong những năm tới.
Trong năm nay, thị trường cũng chứng kiến sự ra đời của các sản phẩm đầu tư mới như quỹ hoán đổi chỉ số (ETF), nhờ đó đã mang lại nhiều lựa chọn đầu tư hơn cho thị trường.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước có nhiều tiến triển
Sau nhiều năm trì hoãn, cuối cùng thương vụ cổ phần hóa Vietnam Airlines đã diễn ra một cách thành công, khi toàn bộ lượng cổ phiếu được dự kiến đấu giá đã được bán hết. Đợt IPO thành công này đã khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước.
Tuy số thương vụ cổ phần hóa trong năm nay chưa được nhiều, nhưng chỉ cần những thương vụ "bom tấn" như Vietnam Airlines, Vocarimex, Vinatex được thực hiện cũng phần nào mang lại niềm tin cho thị trường. Tuy vậy, sức ép cho năm sau vẫn rất lớn khi có đến gần 400 doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa.
Lỡ hẹn với TPP
Hiệp định kinh tế rất được mong chờ - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã không thể thông qua trong năm nay như dự kiến, khi giữa các thành viên vẫn còn nhiều bất đồng về nội dung đàm phán.
Việc Mỹ chưa thể thành lập được cơ chế đàm phán nhanh (fast-track) cũng như diễn biến chính trường Mỹ đang trở nên bất lợi hơn cho việc ra quyết định của Tổng thống Obama, khiến cho nhiều người lo ngại về tiến độ đàm phán của hiệp định này.
Đau đầu nợ công, sân bay Long Thành tiếp tục gây tranh cãi
Việc nợ công tăng trưởng nhanh và có thể tiệm cận giới hạn trần 65% GDP vào năm sau tiếp tục là vấn đề gây đau đầu đối với các nhà điều hành chính sách Việt Nam. Để hạn chế phần nào gánh nặng tài chính, mới đây Việt Nam đã phát hành 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ, mà phần lớn dùng để đảo nợ cho các khoản vay có lãi suất cao được phát hành vào năm 2010 và năm 2005.
Tuy vậy, vấn đề cốt lõi trong việc hạn chế rủi ro nợ công vẫn nằm ở chỗ sử dụng đồng vốn hiệu quả, tức khu vực công và các doanh nghiệp nhà nước phải tiếp tục thực thi chính sách cải cách mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, việc có nên xây dựng sân bay Long Thành trị giá hàng chục tỷ USD trong bối cảnh ngân sách thắt chặt cũng là một vấn đề đang gây tranh cãi. Các đánh giá cho đến nay về tính hiệu quả của dự án vẫn còn khá mơ hồ và chưa mang tính thuyết phục cao.
Nhiều thương vụ M&A khủng
2014 là năm chứng kiến nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) lớn tại Việt Nam. Điển hình là vụ Masan quyết thâu tóm 49% cổ phần của đối thủ cạnh tranh Cholimex Food; quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity rót 90 triệu USD đầu tư vào Bảo vệ Thực vật An Giang; Tập đoàn BJC của Thái Lan chi 879 triệu USD thâu tóm chuỗi siêu thị Metro Việt Nam; hay nhà đầu tư bất động sản Nhật Creed Group cam kết rót 30 triệu USD vào công ty Năm Bảy Bảy.
Mới nhất là thương vụ tập đoàn thực phẩm Mỹ Mondelēz International chi 370 triệu USD mua lại mảng bánh kẹo của Kinh Đô, trong khi Kinh Đô trước đó cũng thâu tóm 24% cổ phần Vocarimex.
Căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc
Việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 vào lãnh hải của Việt Nam hồi tháng 5 đã gây ra cơn sóng gió trong quan hệ giữa hai nước. Dù sau đó giữa hai quốc gia đã có nhiều cuộc trao đổi cấp cao để xoa dịu căng thẳng, nhưng mối quan hệ giữa hai nước chắc chắn sẽ không còn như trước.
Để đối phó với vấn đề này, Việt Nam đã tích cực điều chỉnh mối quan hệ với các quốc gia lớn trên thế giới và thu được nhiều kết quả khả quan. Điển hình là Mỹ đã thông qua chính sách nới lỏng cấm vận vũ khí cho Việt Nam cũng như tăng cường hợp tác xây dựng điện hạt nhân ở Việt Nam.
Theo Vnexpress