Cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông đang lớn dần lên, với hàng chục ngàn người xuống đường tuần hành tại trung tâm đặc khu này sau khi đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Nhà nước Hồi giáo chơi dao hai lưỡi
- Cập nhật : 30/09/2014
Khi tích cực thúc đẩy chiến dịch tuyên truyền trên mạng xã hội, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng không ngờ rằng nó lại là con dao hai lưỡi, làm lộ những thông tin quan trọng có lợi cho Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến tiêu diệt nhóm này.
Khi quân đội Mỹ lên kế hoạch không kích nhóm cực đoan, họ có thể đã xác định được vị trí của nhóm, từ chính những thông tin nhóm này tự công bố qua Internet. Ngay cả những người dân thường cũng có thể xác định được vị trí của các chiến binh Hồi giáo qua các bài đăng trên mạng xã hội của họ với độ chính xác cao.
Kể từ khi IS hồi tháng 6 tuyên bố bản thân là một nhà nước thực sự sau khi chiếm đóng nhiều khu vực ở Iraq và Syria, nhóm này tích cực công bố các báo cáo về cách nhóm khai thác và sử dụng mạng xã hội, video trên YouTube và các ấn phẩm điện tử để truyền bá thông điệp "Gia nhập với ta hay là chết". Đây đã được chứng minh là một chiến dịch tuyển mộ hiệu quả, làm gia tăng quân số của tổ chức cực đoan lên 31.500 chiến binh đến từ 80 quốc gia.
"Trong tâm trí của các chiến binh ngoài Trung Đông, mạng xã hội không còn là ảo, nó trở thành một mặt quan trọng trong cuộc sống", IBTimes trích dẫn một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Cực đoan và Bạo lực Chính trị Quốc tế.
Tuy mạng xã hội là một công cụ truyền bá thành công của IS, nó cũng đem lại lợi ích cho giới chức Mỹ. Những cập nhật trên Twitter và các tài liệu trực tuyến về hoạt động của nhóm có thể tiết lộ thông tin về địa điểm IS đang đóng quân, giúp các quan chức tình báo lần ra vị trí và dấu vết lực lượng nhóm này. Sự có mặt của tên lửa Tomahawk trong các cuộc không kích IS tại Syria cho thấy liên minh do Mỹ dẫn đầu thực sự có thông tin rất chính xác về các cơ sở và những nhân vật chủ chốt của IS.
Theo Vocativ, nhóm chiến binh hàng quý công bố báo cáo về cuộc tấn công của mình theo thứ tự thời gian, trong đó bao gồm một danh sách chi tiết liệt kê tất cả các phương pháp, ngày và địa điểm. Báo cáo giúp các quan chức Mỹ xác định những loại vũ khí IS sở hữu, và nơi mà các chiến binh đóng quân.
Báo cáo hàng quý không dành cho độc giả Mỹ, nó chỉ được đăng bằng tiếng Arab, trên một trong những diễn đàn trực tuyến của nhóm. Tuy nhiên, nhóm cũng xuất bản một loạt các tài liệu thông qua trung tâm truyền thông của mình, al-Hayat, bằng nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Anh. Tạp chí hàng tháng Dabiq được dịch sang tiếng Anh và sau đó được phát tán qua nhiều mạng xã hội khác nhau, trong đó có Twitter. Mỗi số đều có các phóng sự ảnh về các cuộc tấn công mới nhất của nhóm. Chẳng hạn, số thứ hai của tạp chí đề cập đến các cuộc tấn công và các sự kiện của IS tại ít nhất một chục địa điểm khác nhau trên khắp Iraq và Syria, bao gồm cả thị trấn nhóm chiến binh mới đánh chiếm.
Một báo cáo trong số thứ hai của Dabiq đăng những thông tin như "Các chiến binh IS thực hiện một cuộc tấn công vào căn cứ sư đoàn 17 bên ngoài thành phố Ar-Raqqah của chính phủ Syria, và đã chiếm giữ thành công. Trong quá trình chiến đấu, Abu Suhayb Al-Jazrawi và Al-Khattab Jazrawi đã thực hiện hai cuộc tấn công liều chết".
Thực tế, các nhà lãnh đạo Mỹ từng ám chỉ tình báo nước này rất quan tâm đến chiến dịch tuyên truyền của IS. Thượng nghị sĩ John McCain, trong một bài phát biểu hồi tháng 6 tại Thượng viện, cho biết chiến dịch trên mạng xã hội của IS đã cung cấp cái nhìn sâu sắc khó có thể đạt được cho Mỹ về tổ chức này.
"IS đăng lên mạng xã hội hình ảnh những chiến binh san phẳng gờ cát đánh dấu ranh giới giữa Syria và Iraq. IS còn phát tán đoạn phim quay cảnh các thành viên ở đông Syria nhận nhiều vũ khí và xe thiết giáp. Điều này đã xác thực những lo ngại rằng nhóm Hồi giáo tại cả Syria và Iraq đang sử dụng những vũ khí do chúng cướp được để gia tăng sức mạnh", ông nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời câu hỏi liệu cơ quan này có theo dõi hoạt động trên mạng của IS hay không, tuy nhiên, người dân đã và đang thực hiện điều này rất thành công. Trang báo do người dùng tài trợ Bellingcat dường như đã làm được điều đó mà không cần công nghệ tình báo và giám sát tân tiến của quân đội Mỹ. Được thành lập bởi blogger Eliot Higgins, Bellingcat đã đăng nhiều hướng dẫn dễ hiểu về cách xác thực hình ảnh qua những địa danh trong video, cách sử dụng trang web Panoramio để xác định địa điểm từ ảnh kỹ thuật số, và Flash Earth, một dịch vụ cập nhật liên tục kết hợp thông tin từ Google, Microsoft và các nhà cung cấp bản đồ khác.
Bellingcat đã xác định được vị trí một trại huấn luyện IS bằng cách phân tích một đoạn video quay cảnh các chiến binh trẻ ăn mừng lễ tốt nghiệp. Sau khi xem xét kỹ, họ phát hiện cây cầu trong khung cảnh phía sau, và nhanh chóng xác định đó là sông Tigris tại Mosul, Iraq.
Khi xem xét một bức ảnh khác được chụp sau đó, nhóm Bellingcat dùng vị trí những con đường gần cây cầu để chứng minh rằng chiến binh chụp ảnh đã hành quân đến một điểm cách trại huấn luyện gần 3 km. Họ so sánh những chiếc đèn đường có hình thù độc đáo với một ảnh chụp một cây cầu ở tỉnh Ninewa, Iraq qua Google Maps, và cuối cùng đi đến kết luận đó đúng là địa điểm chiến binh đứng khi chụp ảnh.
Mở mắt
Khi chiến dịch tuyên truyền ngày càng phát triển, các chiến binh cũng dần nhận ra nó là con dao hai lưỡi.
"Một số bằng chứng cho thấy họ đã cố gắng kiểm soát hoạt động này", Raffaello Pantucci, giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc phòng Hoàng gia Anh (RUSI) cho biết.
Theo ông Pantucci, khi các chiến binh đăng tải video hành quyết nhà báo Mỹ Steven Sotloff vài tuần trước, nhiều báo đưa tin video có thể đã bị rò rỉ, vì nó không được phát hành bởi trung tâm truyền thông chính thức của IS. Điều này khiến các thủ lĩnh của IS yêu cầu tất cả các video của nhóm phải được công khai theo cùng một cách.
Ông Pantucci cho biết những tên trùm của IS dường như không quan tâm đến việc những người ủng hộ nhóm này phát tán thông điệp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, họ đã kiểm soát hoat động trên mạng của các thành viên trực tiếp tham chiến.
"Với những người có tài khoản trực tuyến, họ phải báo cáo cho tổ chức mật khẩu của mình", Mubin Shaikh, người từng phụ trách việc tuyển mộ cho Taliban tại Toronto, sau đó trở thành đặc vụ an ninh quốc gia tại Canada, cho biết.
IS không phải là nhóm cực đoan duy nhất tại Syria nhận ra mối nguy cơ từ mạng xã hội. Hai trong số các chi nhánh al-Qaeda ở Syria hôm 24/9 yêu cầu các chiến binh tắt tất cả các thiết bị liên lạc qua radio và vệ tinh. Điều này không chỉ ngăn các chiến binh "tường thuật trực tiếp" các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, mà còn ngăn Mỹ và đồng minh giám sát nhóm.
Theo Reuters, sau vụ không kích của Mỹ và đồng minh vào Raqqa, thành trì của IS tại Syria, các chiến binh IS đang dần biến mất khỏi đường phố, tái bố trí lực lượng và chiến đấu cơ, đồng thời giảm xuất hiện trên truyền thông.
"Tình báo của chúng tôi cho biết các chiến binh đồng loạt thay điện thoại di động. Họ luôn tắt máy và tháo pin những lúc không cần sử dụng", đại tá Hassan al-Jabouri tại Tikrit, Iraq cho biết.
"Tôi chắc rằng họ lo sợ điện thoại bị theo dõi", Pantucci nói. "Chắc chắn là như thế".
Vũ Thảo (Theo IBTimes/ Reuters)//VEXP