Phát biểu trước phóng viên tại Hội nghị An ninh Munich ngày 7/2, Tư lệnh NATO tại châu Âu, Tướng Philip Breedlove tuyên bố Phương Tây sẽ không loại trừ lựa chọn quân sự cho vấn đề Ukraine.
Ông Breedlove đồng thời cũng ám chỉ tới khả năng cung cấp vũ khí và trang bị quân sự cho Kiev hơn là điều binh lính tới nước này.
Tướng Philip Breedlove
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho quân đội Ukraine hay không, ông Breedlove nói: “Tôi không nghĩ chúng ta nên loại bỏ khả năng sử dụng lựa chọn quân sự. (Tuy nhiên), chúng ta vẫn chưa đề cập tới việc đưa quân tới thực địa”.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Washington mong muốn một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine nhưng nhấn mạnh Mỹ sẽ cung cấp các công cụ để Ukraine tăng cường khả năng tự vệ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết nước này đang cân nhắc về sự hỗ trợ “bổ sung” cho Ukraine để chống lại lực lượng ly khai nhưng không đề cập tới việc sẽ cung cấp vũ khí cho Kiev.
Cũng tại Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Nga thực thi lời cam kết hòa bình mà ông đã đưa ra.
Phó Tổng thống Mỹ Biden cảnh báo Nga trước những hậu quả kinh tế ngày càng gia tăng liên quan chính sách của nước này với Ukraine. Ông Biden nói: "Làm suy yếu hay thậm chí sụp đổ nền kinh tế Nga không phải là mục tiêu của Mỹ, song Tổng thống Putin phải tính tới những tổn hại về kinh tế ngày càng lớn của nước này".
Ông Biden cũng cho rằng Washington vẫn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine, đồng thời khẳng định các bên phải nỗ lực hết sức để giải quyết cuộc xung đột hiện nay.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, tờ "Độc lập" (Anh) dẫn lời Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nêu rõ Chính phủ nước này sẽ không ký vào bất cứ thỏa thuận nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, nếu như thỏa thuận đó củng cố thành quả cho phe li khai ở miền Đông Ukraine.
Phát biểu sau Hội nghị an ninh Munich (Đức) với các quan chức cấp cao của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ukraine và Nga, ông Philip Hammond thừa nhận các cuộc thương lượng với Moskva là rất khó khăn.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền thông Anh BBC cùng ngày trước đó, ông Hammond giải thích rằng việc Thủ tướng Anh David Cameron không tham gia các cuộc đàm phán cấp cao - ám chỉ cuộc gặp vừa diễn ra giữa lãnh đạo Pháp, Đức với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva- đã được thỏa thuận từ mùa Hè năm ngoái và Anh vẫn đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Ngoại trưởng Anh cũng bày tỏ ý kiến rằng vũ trang cho các lực lượng Chính phủ Ukraine sẽ không giúp mang lại hòa bình ở đất nước bị chia rẽ này. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Anh cũng nói rằng các biện pháp trừng phạt đang gây áp lực buộc Chính phủ Nga phải đàm phán và rằng ảnh hưởng của dự trữ ngoại hối Nga sẽ được cảm nhận rõ rệt tại Moskva. Tuy nhiên, Anh sẽ "để ngỏ mọi lựa chọn" trong cách hành xử với Nga.