Trong ba thập kỷ phát triển với tốc độ chóng mặt, đã có những thời điểm Trung Quốc được coi là miền đất hứa của giới đầu tư trên toàn thế giới. Thị trường béo bở với dân số lớn nhất thế giới với sự đa dạng về nhu cầu hàng hóa đã khiến cho những ai không đặt chân đến thị trường nước này chỉ nhận được thiệt thòi. Nhưng giờ mọi thứ đang thay đổi.
Khi mà nền kinh tế số một Châu Á này chạy chậm lại khiến cho các doanh nghiệp trong nước cũng phải tiết giảm quy mô, thì Trung Quốc đã không còn là một miền đất hứa hái ra tiền nữa, mà đã trở thành một khúc xương khó gặm hơn rất nhiều.
Giới phân tích và các chuyên gia trên thế giới có lẽ sẽ phải cần đến cả một công trình đồ sộ để phân tích những tác động của việc Trung Quốc chính thức chấm dứt thời kỳ phát triển cao độ trong ba thập kỷ của mình. Đã có nhiều bài báo và thống kê về những thay đổi theo chiều hướng không lấy gì làm tích cực lắm cho nền kinh tế Đông Á này.
Đó là khi tốc độ tăng trưởng chậm lại đã khiến cho các doanh nghiệp quốc nội phải giảm bớt quy mô hoặc di tản ra nước ngoài, mức sống tăng khiến cho giá nhân công tăng theo làm hàng hóa Trung Quốc không còn có thể giữ giá cạnh tranh như trước. Quan trọng không kém, là sự suy giảm tăng trưởng cũng khiến ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế lên các quốc gia khác giảm đi trông thấy.
Điển hình nhất cho sự thay đổi này là Singapore. Đảo quốc ở khu vực Đông Nam Á giữ vai trò là một trung tâm tài chính này được ví như một chiếc phong vũ biểu phản ánh những xu hướng thay đổi của nền kinh tế thế giới. GDP của Singapore trong ba tháng cuối năm chỉ đạt mức 1,5% so với mức ước tính trung bình là khoảng 1,8%, kém khá xa so với cùng thời điểm này vào năm ngoái khi đạt mức 3,1%.
Lý do chủ yếu được các quan chức Singapore đưa ra là do những thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến chính sách xuất khẩu của Singapore sang thị trường hơn một tỷ dân này. Một phần lớn thu nhập của đảo quốc này đến từ xuất khẩu, và do đó Singapore cũng là nước dễ bị tác động đầu tiên từ sự thay đổi đến từ các thị trường nhập khẩu quan trọng như Trung Quốc.
Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đáng kể không chỉ là vấn đề của riêng Singapore, mà còn là tình trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia trên thế giới đang xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc. Sự suy giảm tăng trưởng khiến cho mức chi tiêu của người dân Trung Quốc giảm mạnh, tổng cầu của nền kinh tế Trung Quốc suy giảm khiến cho chính những tập đoàn Trung Quốc – vốn được chính phủ nước này ưu tiên bảo hộ - cũng gặp vấn đề nghiêm trọng, và một phần lớn các tập đoàn này đã bắt đầu tính đến việc chuyển một phần bộ máy sản xuất ra nước ngoài.
Thị trường Trung Quốc giảm dần sức hấp dẫn đi một cách trông thấy đang tạo nên một xu hướng di dời sang các khu vực khác của các nhà đầu tư quốc tế, điển hình là các nước Đông Nam Á, nơi thị trường vẫn còn chưa bão hòa và các lợi thế về nhân công giá rẻ hơn ở Trung Quốc.
Xu hướng chuyển đổi các thị trường xuất khẩu cũng dần hình thành, khi mà nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm đi trông thấy. Đây được đánh giá là tiền đề để hình thành những khu vực thương mại quan trọng như TPP hay các hiệp định thương mại song phương vốn là tiền đề cho việc tăng cường xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giữa các nước.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của Trung Quốc với các nước trong khu vực và trên thế giới về kinh tế đã giảm đi đáng kể. Nếu như trước đây khi vẫn còn là miền đất hứa của kinh tế thế giới, Trung Quốc có thể gây áp lực bằng cách không cho doanh nghiệp thuộc một quốc gia nhất định tiếp cận thị trường khổng lồ và béo bở của mình, thì giờ đây quân bài này đã mất tác dụng phần lớn.
Giới phân tích cho rằng với tình trạng hiện tại của kinh tế Trung Quốc, sẽ chỉ có một số ít hàng hóa cao cấp và sang trọng là có thể tiếp tục khai thác thị trường nước này khi số lượng người giàu và sẵn sàng chi tiêu ở nước này là khá cao.
Sự suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc vì thế cũng đánh dấu cho việc quyền lực mềm của nước này ở khu vực và trên thế giới giảm đáng kể. Từ chỗ là một động lực đáng kể của phát triển kinh tế thế giới, Trung Quốc đang dần có xu hướng trở thành một chuyên gia cho vay nợ dựa trên quỹ dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình.
Nhưng chỉ một số ít các quốc gia đang gặp khó khăn kinh tế mới chấp nhận vay tiền của Trung Quốc, và hầu hết trong số đó đều ở rất xa và ít có tầm ảnh hưởng quan trọng như các nước trong khu vực mà Trung Quốc đặt lên hàng đầu vốn đang ngày càng rời xa nước này do lực hút kinh tế của Trung Quốc đã giảm đáng kể.
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/Bloomberg