Sau một thời gian “lỡ hẹn”, ngày 6-2, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức công bố văn bản “Chiến lược An ninh Quốc gia” thứ 2 và cũng là cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình.
... Theo văn bản dài 29 trang được công bố trước Quốc hội, nước Mỹ tiếp tục lãnh đạo liên minh quốc tế trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria; đồng thời tiếp tục cùng với các đồng minh châu Âu trong chiến dịch bao vây, cô lập nước Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ucraina.
Văn bản tái nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách “xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương” cho biết, Wasinhton tiếp tục chuyển thêm nhiều nguồn lực kinh tế, quân sự và ngoại giao sang khu vực này.
“Chiến lược An ninh Quốc gia 2015” khẳng định, Mỹ duy trì một nền quốc phòng có lực lượng quân đội được huấn luyện, trang bị tốt nhất thế giới; cam kết tăng cường bảo vệ an ninh trong nước; xây dựng một thế trận an ninh toàn cầu có thể huy động được tổng lực sức mạnh quốc gia; ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt, nhất là vũ khí hạt nhân; xây dựng một khả năng đối phó toàn cầu…; tăng cường an ninh năng lượng và thúc đẩy các giá trị Mỹ; hoan nghênh các nước lớn đang nổi lên nhưng cảnh báo sẵn sàng ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng.
Tổng thống Obama đã công bố “Chiến lược An ninh Quốc gia 2015” của Mỹ
New York Times cho biết, “Chiến lược An ninh Quốc gia 2015” nhấn mạnh, ngay cả khi đối mặt với những mối đe dọa ngắn hạn, Wasington cũng không “xem thường” những vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu, thương mại, nghèo đói, an ninh mạng toàn cầu.
Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice, về căn bản, đây là một chiến lược để tăng cường các nền tảng sức mạnh Mỹ, bao gồm chính trị, kinh tế, quân sự, để duy trì vai trò “lãnh đạo” của Mỹ trong thế kỷ 21, qua đó giúp Mỹ có thể giải quyết những thách thức hiện tại và nắm bắt các cơ hội trong tương lai.
Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ vẫn được dẫn dắt bởi 4 lợi ích quốc gia bền vững như đã vạch ra trong chiến lược gần nhất được công bố vào năm 2010, đó là an ninh, sự thịnh vượng, các giá trị và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Bà Susan Rice cũng cho rằng, các lợi ích quốc gia của Mỹ là bền vững, nhưng rất nhiều điều đã thay đổi trong 5 năm vừa qua, vì vậy, xét về tổng thể, Chiến lược An ninh Quốc gia 2015 là “một văn kiện mới”.
Thông thường, ở Mỹ có hai Chiến lược Quốc gia là Chiến lược An ninh Quốc gia (National Security Strategy-NSS) và Chiến lược Quân sự Quốc gia (National Military Strategy-NMS), hay còn gọi là Học thuyết Quân sự.
NSS xác định các nhiệm vụ đối nội, nhiệm vụ đối ngoại và phương hướng phát triển đất nước theo nghĩa rộng nhất, còn NMS chỉ tập trung vào những vấn đề xây dựng và hiện đại hoá các LLVT Mỹ phù hợp với sự phát triển tình hình. Với nghĩa đó, NMS là chiến lược cụ thể để thực hiện những nhiệm vụ then chốt đề ra trong NSS, và vì thế, NMS thường được ví là “chiến lược con”, còn NSS là “chiến lược mẹ”.
Từ năm 1986, Quốc hội Mỹ quy định, tổng thống nhiệm kỳ mới của nước Mỹ có trách nhiệm đệ trình các nhà lập pháp nội dung NSS dưới thời cầm quyền của họ. Các tổng thống Mỹ thường sử dụng NSS để đề ra các mục tiêu lớn và ưu tiên trong việc bảo đảm an toàn cho người dân Mỹ. Chiến lược an ninh sẽ quyết định xu hướng chi ngân sách, chính sách quốc phòng và an ninh của Wasington. Chiến lược An ninh Quốc gia thường được công bố 4 năm một lần.
Trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2010, Tổng thống Obama vạch ra các ưu tiên an ninh, bao gồm việc kết thúc cuộc chiến tại Iraq; đánh bại Al Qaeda và phục hồi nền kinh tế. Lẽ ra, văn bản Chiến lược An ninh Quốc gia thứ 2 và là cuối cùng của chính quyền Obama phải được công bố vào nửa đầu năm 2014, thế nhưng đã bị trì hoãn. Theo tờ Diplomat, lý do trì hoãn chính là Wasington cần có thời gian để “đánh giá lại” những thách thức mới mà “họ không thể lường trước”, trong đó phải kể đến sự xuất hiện của IS và mối quan hệ “lao dốc không phanh” với Nga.
Đánh giá về Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2015, tờ Foreign Policy dẫn lời chuyên gia Stewart Patrick tại Hội đồng Đối ngoại của Mỹ, cho rằng nó quá chung chung, vì “không nêu rõ làm thế nào để dung hòa giữa việc ưu tiên ứng phó các thách thức cấp bách, trong khi vẫn không đầu tư đầy đủ để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới”. Theo chuyên gia này, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và các cơ quan an ninh ngoại giao khác của chính phủ Mỹ sẽ không thể xây dựng được các chiến lược riêng tương ứng, nếu không có hướng dẫn rõ ràng hơn từ Nhà Trắng.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham chỉ trích rằng, chính các chiến lược của chính quyền Obama đã tạo điều kiện cho các “nhân tố xấu” có “đất dụng võ”. “Tôi nghi ngờ rằng liệu IS, Iran hay Nga có bị hăm dọa bởi Chiến lược mới này của Tổng thống Obama hay không”, Thượng nghị sĩ Graham nói thêm.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, lại nói trên New York Times rằng, “với tôi, đó chẳng có gì giống một chiến lược cả”.
Dù được ủng hộ hay bị phản đối, điều căn bản xuyên suốt mọi Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, trong đó có Chiến lược An ninh Quốc gia 2015, là Wasington vẫn theo đuổi mục tiêu bất biến là giành vị thế “lãnh đạo” thế giới. Đó là mục tiêu chiến lược lâu dài đã từng được khẳng định và không bao giờ thay đổi qua các đời tổng thống Mỹ.
New York Times chỉ rõ, trong văn bản dài 29 trang được công bố ngày 6-2, cụm từ “lãnh đạo” hoặc các từ gần nghĩa như vậy được đề cập đến gần 100 lần. Trên thực tế, văn bản mới này cũng đã xác định nước Mỹ vẫn duy trì vai trò “lãnh đạo thế giới”, nhưng thừa nhận sức mạnh của Mỹ có hạn, do đó không thể một mình giải quyết được các thách thức an ninh toàn cầu trong tình hình thế giới phức tạp và khó dự đoán như hiện nay.